(LSO) - Cho đến khi rời khỏi phòng làm việc dành cho luật sư trong trại tạm giam vào cuối buổi chiều mùa hè nóng như đổ lửa, tôi vẫn còn bị ám ảnh về câu chuyện cuộc đời ông và cố gắng tìm lời giải thích. Người xưa thường nói, mỗi người khi sinh ra đều có một ngôi sao chiếu mệnh, khi chết đi, chỉ để lại một vệt sáng trong màn đêm vĩnh hằng của vũ trụ. Ai rồi cũng phải trải qua quy luật sinh tử ấy thôi.
Trong nhiều số phận bị đặt trong vòng tố tụng mà tôi có điều kiện được tiếp xúc, trợ giúp về mặt pháp lý, có thể nói ông là một người đặc biệt theo đúng nghĩa của nó. Trong chốn quan trường, vẫn biết trình độ chuyên môn và năng lực quản lý phải được coi là tiêu chí đặt lên hàng đầu, nhưng quả thật có mấy ai nằm trong hàng lãnh đạo các tập đoàn chủ lực của nền kinh tế, có một bề dày tri thức chuyên ngành, trải nghiệm va đập trong thực tiễn và đối diện với những khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết như ông? Làm Chủ tịch Hội đồng thành viên một tập đoàn công nghiệp tàu thủy, trong ông là một quá khứ được tích bồi bởi sự đậm đặc của chất liệu sống cuồn cuộn chảy trong huyết quản…
Số phận của ông dường như đã được mặc định, sinh ra từ vùng chiến khu U Minh Hạ và mất mát cũng từ những gì gắn liền với biển. Vào một đêm mưa gió từ biển thổi vào, trong cơn chuyển dạ vật vã, mẹ sinh ông ra dưới một cái lán lợp bằng lá dừa ngay trên đường đi hoạt động cách mạng.
Ông sinh trưởng trong một gia đình có ông nội tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội từ năm 1927, cha ruột là cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia cướp chính quyền ở Hải Phòng, rồi Nam tiến, làm Tỉnh đội trưởng Sài Gòn - Gia Định, Chủ nhiệm chính trị trung đoàn 312, bị thương trong chiến đấu, sau này trải qua nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau. Mẹ ông vốn là nữ sinh trường Đồng Khánh, tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước những năm 1949-1950, là nữ biệt động Sài Gòn dưới thời thiếu tướng Tô Ký, sau công tác ở phòng chính trị đặc khu Sài Gòn- Chợ Lớn…
Không biết có phải do được sinh ra từ biển mà sau này ông theo học khoa đóng tàu tại một trường đại học danh tiếng ở Ba Lan từ năm 1970 đến 1977. Khi về nước, ông đã trải qua những vị trí từ một cán bộ thiết kế vỏ tàu biển, làm cán bộ kỹ thuật, bắt đầu tham gia thiết kế thành công nhiều sản phẩm như tàu tuần tra cho biên phòng và hải quan, đoàn tàu đẩy xà lan, tàu chở hàng và chủ nhiệm thiết kế tàu biển với trọng tải 1.100 tấn trở lên, cải tạo nâng cấp tàu rải ống, cần cẩu nổi Hoàng Sa cho Vietsopetro, đèn biển Đá Lát…
Ông kể cho tôi nghe vào cuối năm 1991, đoàn khảo sát của ông ra ngoài biển đảo đã gặp một sự cố kinh hoàng trên đường bơi bằng xuồng từ đảo chìm Đá Lát trở về tàu. Xuồng của họ đã va phải đá ngầm và lốc, tất cả đoàn gồm 14 người bị hất xuống biển. Họ bồng bềnh, lóp ngóp suốt đêm trên biển, cuối cùng số phận và sự may mắn đã cứu thoát mọi người.
Một tuần sau đó, trên đường từ đảo Đá Tây trở về, tàu lại đi ngang qua Đá Lát, ông đã yêu cầu tàu dừng lại để tự mình bơi vào đảo trong vùng biển có cá mập, để tự khảo sát lại địa điểm, đo độ sâu và xác định tọa độ để phục vụ cho việc thiết kế và thi công đèn sau này. Việc bơi vo vào đảo là rất nguy hiểm, ngoài cá mập luôn rình rập thì đá ngầm ở mép đảo, sóng rất lớn, nếu không nhanh nhẹn và chịu đựng va đập thì khó có thể vào được các đảo chìm này.
Ý chí mạnh mẽ của ông cũng chính là động lực động viên mọi người thi công công trình đèn biển ở đảo Đá Lát khi bị 36 tàu lạ tràn xuống bao vây, ở lại bám giữ công trường, xây dựng xong đèn biển Đá Lát cao trên 50 mét trong thời gian 3 tháng… Rất nhiều người trong ngành hẳn không quên hình ảnh của người chủ nhiệm thiết kế kiêm chỉ huy trưởng công trình xây dựng đèn biển giữa trùng khơi sóng gió đầy khó khăn, gian khổ và hiểm nguy. Đó là những chuỗi tháp đèn biển được thắp lên từ trong đêm tối mịt mùng của biển đảo, là những dải đèn Đá Tây, Song Tử Tây, Đá Lát, Tiên Lữ, An Bang, Tư Chính… làm nên một vệt sáng ranh giới chủ quyền biển đảo quê hương hôm nay.
Và bây giờ, cũng chính từ những gì liên quan đến biển, ông đã bị chìm sâu vào khoảng tối cô quạnh khi đối diện với chính mình trong những đêm khắc khoải sau những phán quyết về trách nhiệm hình sự từ những phiên tòa. Khi chạm vào bàn tay ông chai sạn, trong ánh mắt chất chứa những cảm xúc của sự mất mát quá lớn do sự nôn nóng, mong muốn thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, tôi như nghe thấy tiếng sóng biển vọng vào từ bên trong một vỏ ốc nằm giấu mình dưới cây dừa đang xòe những tán lá đón nắng đại dương…
Luật sư PHAN TRUNG HOÀI