Ly hôn là quyền của cá nhân khi xét thấy cần chấm dứt cuộc sống hôn nhân với những mâu thuẫn sâu sắc và đời sống chung không thể kéo dài. Đây là quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc thực hiện quyền này đang bị vướng bởi các quy định của pháp luật tố tụng, nhất là trong trường hợp một bên xin ly hôn khi chưa xác định được địa chỉ của bị đơn.
Hiện nay, xảy ra thực trạng nhiều vụ án ly hôn có một bên vợ hoặc chồng sống ly thân nhiều năm hoặc bỏ đi làm thuê ở các tỉnh, thành phố lớn mà không cho bên còn lại biết địa chỉ. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tống đạt được thông báo thụ lý vụ án cho bị đơn do không còn cư trú tại địa chỉ nguyên đơn ghi trong đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, đang tồn tại các luồng quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong trường hợp này, Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ mới của bị đơn theo điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTDS) năm 2015 nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04 ngày 05/05/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTP TANDTC).
Quan điểm thứ hai thì cho rằng Tòa án thụ lý và thực hiện tống đạt văn bản thông báo thụ lý vụ án cho bị đơn theo đoạn 2 khoản 5 Điều 177 BLTTDS năm 2015.
Quan điểm thứ ba cho rằng, để người vợ hoặc chồng ly hôn trong trường hợp này thì có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là mất tích trước khi yêu cầu giải quyết ly hôn hoặc yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết. Thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết ghi trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Giải pháp nào cho vấn đề trên?
Chúng ta cùng xem xét các quan điểm trên dưới góc độ pháp lý và thực tiễn.
Thứ nhất, quan điểm cho rằng Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04 ngày 05/05/2017 của HĐTP TANDTC[1]. Tức là nếu thuộc quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 6 Nghị quyết này thì Tòa án không đình chỉ mà tiếp tục giải quyết vụ án. Rất tiếc, tại điểm a Điều 6 Nghị quyết này hướng dẫn các trường hợp là cá nhân trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản[2]. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam dường như không coi hôn nhân là một loại giao dịch hoặc hợp đồng. Như vậy, không thể áp dụng điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04 ngày 05/05/2017 của HĐTP TANDTC cho trường hợp này. Do đó, hướng dẫn trên là không thuyết phục.
Thứ hai, với quan điểm cho rằng một trong hai bên vợ/chồng có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là mất tích trước khi yêu cầu giải quyết ly hôn hoặc yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết. Thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết ghi trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tác giả cho rằng thực tế khó có thể áp dụng chế định tuyên bố mất tích đối với trường hợp này. Bởi lẽ, trong các vụ việc này, một bên vợ hoặc chồng chỉ không thường xuyên có mặt tại nơi cư trú chứ không phải mất tích. Thực tế họ vẫn về thăm nhà, thăm quê, chỉ là họ không liên lạc với vợ/chồng của mình và không muốn cung cấp địa chỉ cư trú của mình.
Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, để tuyên bố một người mất tích phải hội đủ các điều kiện gồm: người đó phải biệt tích 02 năm liền trở lên và mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.
Đối chiếu với các điều kiện trên, nếu một bên vợ/chồng yêu cầu Tòa án tuyên một người là mất tích thì tỉ lệ được chấp nhận là rất thấp. Điều này dẫn đến hậu quả là một bên vợ/chồng không thể thực hiện được quyền ly hôn của mình.
Thứ ba, quan điểm cho rằng trong trường hợp này, Tòa án thụ lý và thực hiện tống đạt văn bản thông báo thụ lý vụ án cho bị đơn theo đoạn 2 khoản 5 Điều 177 BLTTDS 2015. Tác giả đồng tình và ủng hộ quan điểm này bởi các lý do sau đây:
Một là, Điều 192 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung".
Như vậy, có thể hiểu rằng nếu người khởi kiện đã cung cấp đúng địa chỉ của người bị khởi kiện nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú thì Tòa phải thụ lý và giải quyết theo thủ tục chung. Thủ tục chung ở đây bao gồm thủ tục về cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng theo quy định tại khoản 5 Điều 177 BLTTDS.
Hai là, không thể áp dụng điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017 của HĐTP TANDTC vì như đã phân tích, quy định này áp dụng đối với các bên trong gia dịch, hợp đồng bằng văn bản. Quan hệ hôn nhân không được thừa nhận như một giao dịch hay hợp đồng bằng văn bản. Hơn nữa, việc đình chỉ giải quyết trong trường hợp này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nguyên đơn, vô hình chung trói buộc họ trong ngục tù của cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cản trở họ tìm kiếm hạnh phúc mới.
Ba là, nhìn rộng ra, chúng ta có thể thấy, đối với trường hợp ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ này, ngày 26/11/2018, TANDTC đã có Công văn số 253/TANDTC-PC hướng dẫn về việc này như sau: “Trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử, Tòa án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng...”.
Như vậy, có thể thấy cùng là việc nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ cuối cùng bị đơn cư trú, không rõ địa chỉ hiện tại của bị đơn và cùng với một mục đích là bảo vệ quyền nhân thân cơ bản trong hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ nhưng một nội dung thì đã được hướng dẫn cụ thể[3]. Vậy chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng tương tự cho trường hợp đang nghiên cứu.
Trước đây, tại Trao đổi nghiệp vụ năm 2012, ngành Tòa án đã có hướng xử lý như trên, tức là trường hợp hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2003 cũng tương tự như trường hợp cố tình giấu địa chỉ của bị đơn ở trong nước vì vậy có cơ sở để áp dụng hướng dẫn này thụ lý vụ án xin ly hôn và nếu có đủ căn cứ theo Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình thì cho ly hôn. Hướng giải quyết này đưa ra là hợp lý vì vừa đảm bảo quyền lợi của bị đơn được biết về việc giải quyết vụ án, lại vừa đảm bảo cho nguyên đơn được quyền ly hôn khi không thể ly hôn khi vợ hoặc chồng không đủ điều kiện tuyên bố mất tích.
Tuy nhiên, để thống nhất nhận thức và áp dụng trong các cơ quan tố tụng, trong lần xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP tới đây, TANDTC cần đưa lại nội dung hướng dẫn này vào.
Trên đây là một vài quan điểm cá nhân về cách giải quyết trong các vụ án ly hôn khi không xác định được địa chỉ của bị đơn. Đây là vấn đề phức tạp, có nhiều ý kiến trái chiều, do đó, tôi rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các nhà nghiên cứu, chuyên gia và bạn đọc xung quanh vấn đề này.
[1] Đây là quan điểm được Vụ 14 VKSNDTC giải đáp trong Giải đáp số 5814/VKSTC-V14 về nhận thức, áp dụng pháp luật trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. [2] Không áp dụng điểm b khoản 2 Điều 6 vì quy định này áp dụng đối với tổ chức. [3] Thực ra nội dung Công văn 253 là kế thừa toàn bộ quy định tại điểm b tiểu mục 2.1 mục 2 Phần II Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/04/2003 của HĐTP TANDTC. |
Luật sư TRẦN MINH TUẤN
Công ty Luật TNHH MTV Phú Quý
Nghị quyết Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phiên thứ nhất nhiệm kỳ X