Giết người hay cố ý gây thương tích, dẫn đến chết người?

25/11/2017 19:56 | 6 năm trước

LSVNO - Cho đến nay, đã có rất nhiều bài viết đề cập đến hai tội phạm này. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã công bố một án lệ về một vụ án về tội giết người và tội cố ý gây thương tí...

LSVNO - Cho đến nay, đã có rất nhiều bài viết đề cập đến hai tội phạm này. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã công bố một án lệ về một vụ án về tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người (1).

Tuy nhiên, với một “án lệ” như vậy thì thực tiễn đấu tranh phòng, chống hai tội phạm này cũng còn nhiều vấn đề chưa được lý giải, nhiều vụ án vẫn còn ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người bào chữa. Bởi lẽ, mỗi vụ án đều có những tình tiết giống nhau hoặc về mặt khách quan, hoặc về mặt chủ quan, hoặc về khách thể bị xâm phạm.

Ảnh minh họa.

Vì vậy, việc nghiên cứu và phân biệt giữa tội giết người quy định tại Điều 123 với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi phân tích hai vụ án cụ thể đã được các tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử, qua đó rút ra những ý kiến để phân biệt tội giết người với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Vụ thứ nhất: Vũ Văn L sinh ngày 03/11/1989 (khi phạm tội 15 tuổi 02 tháng 16 ngày) cùng bạn chơi đánh đáo. Cháu Nguyễn Văn H 10 tuổi bế em đứng xem, cách nơi L đánh đáo gần 3m. Trong một ván chơi, L đập đồng xu bay ra vướng vào cháu H, L dùng chân đá vào bụng H một cái và chửi thề: “Đ. mẹ, đứng ra không bố đánh bỏ mẹ đấy !” rồi tiếp tục chơi đáo. Bị đá đau, H bế em về, vừa đi vừa chửi L.

Sau khi nghe con kể về việc bị L đá vào bụng, ông Nguyễn Văn T là cha của H dắt H ra chỗ L chơi đáo để hỏi, nhưng khi còn cách nơi L chơi đáo khoảng 20m thì H đã nôn ra chất dịch màu nâu nhạt và bị ngất, mặt tái. Gia đình ông T đưa H ra trạm xá xã cấp cứu, nhưng H đã chết. Theo kết luận giám định pháp y thì nguyên nhân cháu H chết là do chấn thương mạnh khu vực tá tràng, động mạch thận và vùng túi mật.

Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh H xử phạt Vũ Văn L 05 năm tù giam về tội giết người với nhận định: “Bị cáo là kẻ cao to và khỏe hơn nhiều so với nạn nhân, đã dùng mũi chân phải đá mạnh vào vùng bụng của nạn nhân, mà nạn nhân lại người mảnh khảnh, gầy yếu, bị cáo đá nạn nhân trong tình trạng bực tức, do vậy, y đã trút sự bực lên mu bàn chân phải đá mạnh vào bụng nạn nhân, tất nhiên phải dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và sự thật là cháu H bị chết. Với cái đá như vậy, bị cáo phải nhận thức được tính nguy hiểm của nó, nhưng bị cáo cứ đá, cứ đánh mặc cho hậu quả xảy ra”.

Đại diện hợp pháp của bị hại không đồng ý với hình phạt mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên nên đã kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với Vũ Văn L. Khi xét xử phúc thẩm, tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của đại diện người bị hại và y án sơ thẩm, với nhận định: “Tuy hậu quả việc em H chết là do L gây nên, nhưng điều đó hoàn toàn ngoài ý muốn và bất ngờ đối với bị cáo…”.

Vụ thứ hai: Lý Thị L sinh năm 1968, sẵn có uất ức với anh Nguyễn Hữu N (chồng đã ly hôn) vì trong thời gian anh N đi bộ đội thì L ở nhà chung thủy, chờ đợi. Khi anh N phục viên về, sức khỏe yếu, được L chăm sóc, nhưng khi khỏe mạnh lại nghe gia đình ruồng bỏ rồi ly hôn L. Buổi tối, khi bế con đi xem về qua ngõ nhà ông T, L nghe anh N đang nói chuyện là chuẩn bị cưới vợ, người xinh đẹp hơn và tổ chức trọng thể hơn. Bực tức, L bế con về gửi hàng xóm, lấy một đoạn tre dùng làm cán cuốc, dài 1m, đến nấp ở sau đống rạ ở ngõ nhà anh N. Khi thấy anh N đi qua, L dùng gậy vụt mạnh ngang người anh N một cái rồi bỏ chạy ra bãi tha ma, sau đó chạy đến nhà ông H và nói: “Cháu nấp sau đống rạ ở ngõ chờ N đi đến phang cho nó một gậy; cháu ức lắm, ăn không ngon, ngủ không yên, cháu chỉ muốn đánh cho nó què chứ không muốn nó chết, nhưng cháu đánh thế nào mà nó đau lắm, có lẽ chết mất”. Anh N sau khi bị đánh được đưa đi cấp cứu và sau 02 giờ thì chết. Theo kết luận pháp y thì “vùng ngực trái anh N có vết bầm tím 8cm x 4cm theo chiều song song với xương sườn 4 và 5. Xương sườn không bị gãy. Nguyên nhân chết bởi thương tích lồng ngực do vật rắn và dài gây vỡ tim”.

Tại bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh T xử phạt Lý Thị L 05 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích, gây hậu quả chết người với nhận định: “Bị cáo chỉ dùng gậy vụt ngang người nạn nhân một cái rồi bỏ chạy. Nếu bị cáo cố ý giết nạn nhân, thì trước đó có đủ thì giờ cho bị cáo tìm và sử dụng hung khí nguy hiểm hơn như dao chẳng hạn. Hoặc đã dùng gậy đánh bổ thượng vào đầu, vào gáy…, ý thức của bị cáo chỉ muốn đánh què nạn nhân”.

Sau khi xét xử sơ thẩm, đại diện người bị hại không đồng ý với quyết định của tòa án cấp sơ thẩm nên đã kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm phải kết án bị cáo L về tội giết người và tăng hình phạt đối với bị cáo.

Khi xét xử phúc thẩm, tòa án cấp phúc thẩm đã cải tội danh, kết án Lý Thị L về tội “giết người” nhưng vẫn y án về hình phạt đối với bị cáo, với lý do: “Xét lời khai của bị cáo không có ý định đánh chết anh N mà chỉ với mục đích đánh què là không có cơ sở, bởi vì gậy đánh vào phần ngực của nạn nhân và nhát đánh ấy gây vỡ tim làm nạn nhân chết ngay. Như vậy, hậu quả do hành vi của bị cáo gây ra lớn hơn mục đích phạm tội thì hậu quả lên đến đâu, bị cáo phải chịu tội đến đấy. Với hung khí là cán cuốc bằng tre to, chắc, lại đánh vào lồng ngực là một trong những nơi xung yếu nhất của con người. Vì vậy buộc bị cáo phải biết là hành vi đó rất nguy hiểm đến tính mạng con người và thực tế anh N đã chết do bị đánh. Mặc dù là bị cáo không muốn hậu quả xảy ra, nhưng hậu quả đã xảy ra… Căn cứ vào hung khí mà bị cáo đã dùng để gây án và vị trí của vết thương cũng như hậu quả đã xảy ra thì bị cáo đã phạm tội giết người”.

Qua hai vụ án trên, chúng ta thấy rằng, kết quả cuối cùng là cả hai bị cáo đều bị kết án về tội “giết người”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc kết án hai bị cáo về tội giết người là không chính xác vì hành vi của các bị cáo chỉ cấu thành tội “cố ý gây thương tích, dẫn đến chết người”. Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm này và xin phân tích một số vấn đề về xác định tội danh đối với bị cáo.

Trước hết, việc nhận định của tòa án để xét xử các bị cáo về tội giết người đã không xuất phát từ việc phân tích những hoàn cảnh thực tế của vụ án, từ ý thức chủ quan của người phạm tội mà chỉ căn cứ vào hậu quả xảy ra là cái chết của nạn nhân.

Về lý luận, việc xác định hành vi của người phạm tội là hành vi giết người hay cố ý gây thương tích phải căn cứ vào mặt chủ quan của người phạm tội, từ đó xác định hình thức lỗi của bị cáo. Theo kinh nghiệm của một số nước anh em thì việc phân biệt hai loại tội phạm này cũng căn cứ vào mặt chủ quan.

Ở các nước khác, trong các báo cáo tổng kết, cũng như khi rút kinh nghiệm việc xét xử hai tội này đã chỉ rõ: “Các toà án khi xét xử không phải luôn luôn đã phân biệt được tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Trong đó, không chú ý rằng với đối tượng giết người đòi hỏi phải có lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp đối với cái chết, còn đối với tội cố ý gây thương tích, dẫn đến chết người thì phải có lỗi cố ý đối với thương tích gây ra, còn đối với cái chết của nạn nhân là do lỗi vô ýPhải xuất phát từ sự tổng hợp tất cả các tình tiết của vụ án, trong đó cũng phải chú ý đến những hành vi trước đó của bị cáo và nạn nhân, mối quan hệ của bị cáo và nạn nhân, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo; phương thức, hung khí phạm tội và tính chất của thương tích gây ra”.

Ở nước ta cũng vậy, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã giám đốc thẩm nhiều vụ án tương tự và qua thực tiễn tổng kết công tác xét xử đối với hai tội này, cơ bản cũng như hướng dẫn của các nước.

Trong hai vụ án nêu trên, chúng ta thấy, về ý thức chủ quan của 02 bị cáo đều không có ý định giết chết nạn nhân. Điều đó được chứng minh bằng lời khai của các bị cáo, của nhân chứng và bằng hành động cụ thể của các bị cáo.

Trong vụ án thứ nhất, L đang chơi đáo, khi đồng xu vướng vào cháu H thì y dùng chân đá vào người H một cái, cháu H bị đá đau, đã sợ tránh ra xa, L lại tiếp tục chơi đáo, không có thái độ hay hành động gì tiếp theo, mặc cho H khóc và chửi mình. Mặt khác, khi phạm tội, L mới có 15 tuổi 02 tháng 16 ngày, do vậy nhận thức về pháp luật còn hạn chế, ý thức về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình gây ra còn nông cạn. Khi đá vào H, L biết và phải biết H sẽ bị đau, tức là bằng hành vi của mình L cố ý gây thương tích cho H, nhưng L không có ý muốn và không lường được cái chết của nạn nhân. Về vấn đề này, tòa án cấp phúc thẩm cũng đã nhận thấy và nhận định hậu quả làm cháu H bị chết là “hoàn toàn ngoài ý muốn và bất ngờ đối với bị cáo”. Tuy nhiên, tòa án cấp phúc thẩm lại không kết án bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” (dẫn đến chết người) là chưa đúng, còn tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào hậu quả mà không căn cứ vào những dấu hiệu của mặt chủ quan để chứng minh L có lỗi cố ý giết chết H hay không.

Trong vụ án thứ hai thì hung khí mà L dùng gây án là một đoạn tre (dùng làm cán cuốc), điều đó có phần nào chứng minh sự nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, nhưng nếu xem xét một cách toàn diện, tổng hợp tất cả các tình tiết của vụ án, thì L cũng không có ý định giết chết anh N. Ngoài lời khai của bị cáo, của nhân chứng, hành động phạm tội cụ thể của bị cáo cũng đã chứng minh điều đó: L chỉ đánh một cái bằng hình thức vụt ngang người mà không đánh vào đầu, gáy, có nghĩa là bị cáo có ý định đánh cho anh N bị thương, còn việc anh N chết là ngoài ý muốn của bị cáo. Tòa án cấp phúc thẩm cũng nhận định “Mặc dù là bị cáo không muốn hậu quả xảy ra, nhưng hậu quả đã xảy ra”.

Nói tóm lại, xem xét các tình tiết của hai vụ án này thì chúng tôi thấy cả hai bị cáo đều có lỗi cố ý trong việc gây thương tích cho nạn nhân, còn đối với cái chết của nạn nhân thì cả hai bị cáo không mong muốn và cũng không có thái độ thờ ơ, bỏ mặc. Do đó, cả hai bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, chứ không phạm tội giết người như đã bị xét xử.

---

[1] Án lệ số 01/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06/4/2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

 LS Đinh Văn Quế