PV: Xin chào Luật sư, theo Luật sư, nên hiểu như thế nào cho đúng về tiền mã hóa hay còn gọi là “tiền ảo”?
Luật sư Lâm Văn Quang: Gần đây, “sàn tiền ảo” là từ ngữ thường được các cơ quan báo chí, truyền hình dùng chung cho các dự án tài chính 4.0, bao gồm: ngoại hối, quyền chọn nhị phân, đầu tư ủy thác, tiền mã hóa,... Tuy nhiên, trên thực tế, người dân cần biết phân biệt rõ đặc điểm của các loại hình đầu tư khác nhau.
Giao dịch ngoại hối (Forex) là việc mua/bán các cặp tiền tệ và kiếm lời dựa trên giá chênh lệch của các cặp tiền tệ này. Vì tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao - đa phần các chủ sàn Forex sẽ can thiệp vào việc đặt lệnh của người dùng, nên Forex đã bị nhiều quốc gia trên thế giới cấm hoàn toàn.
Giao dịch quyền chọn nhị phân (BO - Binary Option) là hành động mua một hợp đồng quyền chọn nhị phân và dự đoán giá của hợp đồng sẽ tăng hay giảm. Loại hình này được gọi là “nhị phân” vì chỉ có hai kết quả có thể xảy ra khi hết hạn hợp đồng: một là người dùng kiếm được lợi nhuận theo tỷ lệ được xác định trước, hai là họ mất toàn bộ số tiền đã trả để mua hợp đồng quyền chọn ban đầu. Tại Việt Nam, các dự án BO đã bị Bộ Công an đưa vào danh sách cảnh báo lừa đảo do đặc thù “đỏ đen” và lôi kéo tạo tài khoản để tham gia đa cấp.
Đầu tư ủy thác (Investment Trust) là hình thức nhà đầu tư ủy quyền cho một doanh nghiệp để thay mặt họ đầu tư vào các kênh như: vàng, chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa,... Nếu không biết “chọn mặt gửi vàng”, rất có thể nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại về vốn.
Đầu tư tiền mã hóa (Cryptocurrency) là giao dịch mua/bán các tài sản kỹ thuật số, để thu về lợi nhuận nhờ sự chênh lệch giá của các đồng tiền mã hóa tính từ thời điểm mua vào cho đến khi bán ra. Tiền mã hóa có tiềm năng sinh lời, tính bảo mật, sự thuận tiện, nhanh chóng trong giao dịch, tính công bằng khi không cần sự can thiệp của một bên thứ ba, vậy nên nó phần nào được ủng hộ hơn các loại hình đầu tư trên.
PV:Quan điểm của Nhà nước Việt Nam về tiền mã hóa như nào thưa Luật sư?
Luật sư Lâm Văn Quang: Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/7/2017 gửi Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định: "Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Điều đó có nghĩa là Nhà nước Việt Nam chưa chính thức công nhận giao dịch bằng tiền mã hóa trên mạng Internet. Cho nên, khi có tranh chấp xảy ra, đây có thể xem là giao dịch vô hiệu. Việc sử dụng tiền mã hóa như một phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, hình thức đầu tư tiền mã hóa thì vẫn chưa có quy định cụ thể. Kinh doanh tiền mã hóa tại Việt Nam chưa được pháp luật quy định, nhưng cũng không bị xếp vào nhóm danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh theo Luật Đầu tư 2020.
Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái mới trong vấn đề nghiên cứu để ban hành và áp dụng quy định chặt chẽ cho lĩnh vực kinh doanh, đầu tư tiền mã hóa. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý. Tổ Nghiên cứu về Tiền mã hóa được thành lập theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020. Hiện nay, Tổ đã bước đầu triển khai công tác nghiên cứu về tài sản mã hóa, cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát tiền mã hóa.
Quyết định 2117/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/12/2020 cũng nêu rõ danh mục công nghệ cần ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có công nghệ chuỗi khối Blockchain.
Quyết định 942/QĐ-TTg ban hành ngày 15/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển Chính phủ Điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 mới đây có nhắc đến kế hoạch nghiên cứu thí điểm tiền mã hóa. Cụ thể, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan chủ trì nghiên cứu, thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2023. Những dự luật trên đã góp phần thúc đẩy thị trường tiền mã hóa Việt Nam phát triển sôi nổi bậc nhất trong khu vực.
PV:Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về BitcoinDeFi, một dự án tiền mã hóa vướng cáo buộc “đa cấp” núp bóng đầu tư tài chính 4.0. Ý kiến của Luật sư về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Lâm Văn Quang: Hiện nay đã xuất hiện nhiều những dự án tài chính không minh bạch, được núp bóng dưới hình thức đầu tư tài sản kỹ thuật số để trục lợi, huy động vốn trái phép. Do đó, người dân cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư để phòng tránh nguy cơ bị lừa đảo. Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, “đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh; trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới”.
Có một thực tế rất rõ ràng, bên cạnh với những công ty đa cấp được cấp phép hoạt động một cách hợp pháp, hiện nay, vẫn còn tồn tại những công ty đa cấp lừa đảo. Và nếu người dân không biết cách phân biệt thì rất dễ rơi vào hoàn cảnh tiền mất, tật mang. Để xác định một mô hình tài chính có phải đa cấp biến tướng hay không, chúng ta phải nhìn vào bản chất hoạt động dòng tiền của dự án đó. Một mô hình đa cấp biến tướng sẽ thu toàn bộ dòng tiền về ngân sách riêng, sau đó chi trả hoa hồng, lãi suất cho cộng đồng tham gia theo sơ đồ cấp bậc.
Riêng đối với BitcoinDeFi, sở dĩ, dự án này vấp phải cáo buộc đa cấp là bởi nghi vấn về mức “hoa hồng 71%”. Tuy nhiên, trên thực tế, mức 71% nhà đầu tư được nhận trong BitcoinDeFi không phải hoa hồng, mà là diễn biến dòng tiền của hoạt động tương hỗ tài chính trong mô hình này. Đơn giản bởi mức 71% là quá cao để có thể gọi là hoa hồng, nên có thể hiểu bản chất dự án này không thu giữ tiền của nhà đầu tư, mà đóng vai trò tổ chức sân chơi tương trợ tài chính xoay vòng giữa các thành viên. Do đó, chưa đủ cơ sở để đánh đồng BitcoinDeFi với các dự án đa cấp biến tướng khi hệ thống này không thu dòng tiền về ngân sách riêng.
PV:Có vẻ như mọi “lùm xùm” xung quanh dự án này đều xuất phát từ mạng xã hội phải không thưa Luật sư?
Luật sư Lâm Văn Quang: Thời gian gần đây dự án BitcoinDeFi này nổi bật với những thông tin đa chiều, chê nhiều hơn khen, đặc biệt trên môi trường mạng xã hội. Thậm chí, có một số KOLs (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) ở mảng công nghệ còn “ám chỉ” BitcoinDeFi giống như một dự án đa cấp lừa đảo. Trên thực tế, như tôi đã nói ở trên, không thể đơn giản quy kết nếu chưa tìm hiểu kỹ về bản chất trong hoạt động dòng tiền của một dự án.
Cũng cần nói thêm rằng, hiện nay mạng xã hội là nơi bắt nguồn nhiều tin đồn tiêu cực, xuất phát từ hiệu ứng đám đông truyền miệng chứ chưa chắc đã dựa trên sự thật khách quan. Quan sát nhiều vụ việc có sự tham gia của hiệu ứng đám đông, tôi cho rằng bên trong chính cộng đồng mạng Việt Nam cũng đã có sự phân hóa tầng lớp rất lớn về khả năng sàng lọc thông tin. Nhóm trí thức thường không có xu hướng chia sẻ, tham gia tranh luận quá nhiều.
Về nguồn gốc pháp lý, BitcoinDeFi là dự án được phát triển bởi một công ty có trụ sở tại Dubai, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Quá trình đối chiếu Mã đăng ký doanh nghiệp trên website của chính phủ UAE cho thấy bộ hồ sơ pháp lý của công ty này là hoàn toàn hợp lệ. Hơn nữa, mới đây Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an (A05) cũng đã đưa ra danh sách cảnh báo về một số sàn giao dịch quyền chọn nhị phân có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong danh sách này không có tên dự án BitcoinDeFi, vì vậy, việc đưa ra kết luận ở thời điểm này là áp đặt của một bộ phận cộng đồng mạng.
Một trang trong Hồ sơ pháp lý của BTCDEFI GLOBAL (Ảnh BitcoinDeFi Việt Nam)
PV:Tiền mã hóa là nhu cầu có thật ở Việt Nam tuy nhiên hành lang pháp lý cho loại hình này đang bị bỏ trống, Luật sư có đề xuất gì với các nhà làm luật về vấn đề này?
Luật sư Lâm Văn Quang: Tiền mã hóa là một tài sản mới, phi truyền thống. Mặc dù thời gian gần đây số cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có các cảnh báo, khuyến nghị các rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực tuy nhiên không thể phủ nhận những tiến bộ gắn với nền tảng công nghệ phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của loại hình này trên thị trường. Không nên giữ tư duy “cái gì không làm được thì cấm”. Chúng ta nên tạo hành lang pháp lý để tiền mã hóa và các dự án tiền mã hóa hoạt động đúng theo khuôn khổ pháp luật.
Tôi cho rằng, Việt Nam cần luật hóa và xác định tiền mã hóa là tài sản đặc biệt; đồng thời, xây dựng khung pháp lý quản lý giao dịch liên quan đến tiền mã hóa nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như xây dựng, hoàn thiện nền tảng số hóa tại Việt Nam.
Xin cảm ơn Luật sư đã chia sẻ thông tin.
HUYỀN ANH
Không được từ chối tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 cho ngươi đã tiêm mũi 1 ở địa phương khác