/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến rằng, chính sách chống phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng cần được quy định đối với tất cả các đối tượng người tiêu dùng và trong tất cả các hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, trả lời đề nghị của Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Bộ Công thương) về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); đồng thời, trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, VCCI có ý kiến rằng, chính sách chống phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng cần được quy định đối với tất cả các đối tượng người tiêu dùng và trong tất cả các hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng. Việc này không chỉ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động của cá nhân và tổ chức kinh doanh. Việc quy định như dự thảo là "có cơ chế, chính sách chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng" người tiêu dùng dễ bị tổn thương chỉ trong việc "thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin" có thể dẫn tới cách hiểu chưa đầy đủ và tạo lỗ hổng trong áp dụng quy định này.

Hiện tại, trong các luật chuyên ngành như Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)... đã quy định chung về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm kỳ thị, phân biệt đối xử, song thực tế dường như chưa đi vào cuộc sống. Hoạt động giữa cá nhân, tổ chức kinh doanh với người tiêu dùng còn có nhiều đặc thù mà nếu không có quy định cụ thể hơn sẽ có thể dẫn đến việc vô tình vi phạm do các cách hiểu khác nhau. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định cụ thể về các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử trong giao dịch với các đối tượng yếu thế để bảo đảm tính khả thi của quy định này. Để tăng tính rõ ràng, minh bạch của quy định, VCCI cũng đề nghị sửa nội dung theo hướng bỏ các từ "bảo đảm thực hiện" bởi đây là trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với khách hàng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương (đã được quy định tại những luật chuyên ngành nói trên) nhằm tránh các cách hiểu khác nhau dẫn tới việc áp dụng pháp luật không chính xác.

Về chính sách thông tin của người tiêu dùng, liên quan đến giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin của người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để thực hiện giao dịch như: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc các tài khoản cho phép thanh toán trực tuyến... Do đó, quy định "tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng phải thông báo trước bằng hình thức phù hợp và phải được người đó đồng ý" là không phù hợp với các giao dịch trực tuyến. Để bảo đảm tính chính xác và chặt chẽ của văn bản, VCCI đề nghị bổ sung vào dự thảo cụm từ "trừ quy định tại khoản 4 Điều này" để bảo đảm tính chặt chẽ của quy định. Quy định "tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo…" là bỏ sót các trường hợp tổ chức, cá nhân không phải thông báo khi thu thập thông tin. Vậy trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng các thông tin này ngoài mục đích ban đầu (như thông tin để giao kết/thực hiện hợp đồng; thông tin để tính giá, cước…) thì sẽ không có quy định, tạo thành khoảng trống pháp lý. Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung quy định cho các trường hợp này.

VCCI cũng góp ý tương tự đối với quy định về kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh, chuyển giao hoặc huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng. Về quyền của người tiêu dùng sẽ tương ứng với trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh, quy định tại dự thảo cũng còn có một số nội dung chưa bảo đảm tính hợp lý, khả thi như người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, lại có quy định cho phép người tiêu dùng "góp ý kiến với tổ chức, cá nhân về giá cả, chất lượng…". Vậy không rõ trong trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với người tiêu dùng, trước khi phải đứng ra làm một bên bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị đơn trong vụ việc dân sự?

Ngoài ra, để nâng cao việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng: tổ chức, cá nhân có quyền thương lượng với người tiêu dùng lựa chọn cách giải quyết trong trường hợp có cách hiểu không thống nhất hoặc sai khác về các vấn đề của sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, bổ sung quy định cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền yêu cầu người tiêu dùng thương lượng khi có tranh chấp liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp...

PV

Thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng trong ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ

Lê Minh Hoàng