Ảnh minh họa.
Cụ thể, VCCI cho rằng, dự thảo quy định: “Hợp đồng dầu khí là văn bản ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tổ chức, cá nhân theo quy định của luật này để tiến hành hoạt động dầu khí”, mục đích là nhằm phân biệt hợp đồng dầu khí với các loại hợp đồng khác trong Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, về nguyên tắc tất cả các hợp đồng dân sự, kinh tế sẽ tuân thủ theo quy định chung của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Dự thảo cũng quy định nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác có liên quan và điều ước quốc tế. Như vậy, bên cạnh Luật Dầu khí, hợp đồng dầu khí còn phải tuân thủ các luật khác có liên quan.
Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của văn bản, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa quy định lại nội dung nói trên theo hướng bổ sung. Cụ thể là, về các quy định mang tính định tính, dự thảo định nghĩa về lô, mỏ đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí là: “lô, mỏ dầu khí do điều kiện tự nhiên, kỹ thuật, quy mô không thuận lợi (nước sâu, xa bờ, địa chất phức tạp), hiệu quả kinh tế rất hạn chế. Hoặc, các mỏ dầu khí phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật ngoài các biện pháp kỹ thuật thông thường để gia tăng hệ số thu hồi dầu, cần áp dụng các điều kiện đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại luật này”.
Theo VCCI, định nghĩa về ưu đãi đầu tư như trên có một số điểm chưa thực sự hợp lý. Theo đó, nội dung: “là lô, mỏ dầu khí do điều kiện tự nhiên, kỹ thuật, quy mô không thuận lợi (nước sâu, xa bờ, địa chất phức tạp)” là những ví dụ về điều kiện tự nhiên rất chung, không có giá trị phân biệt trường hợp nào cần ưu đãi đầu tư. Tiêu chí “không thuận lợi” cũng khó đánh giá khi việc khai thác dầu khí vốn đã là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải đáp ứng nhiều yếu tố. Thêm nữa, quy định phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật ngoài các biện pháp kỹ thuật thông thường cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá của từng dự án và sự phát triển của khoa học kỹ thuật ở từng thời điểm. Điều này cũng có thể gây ra khó khăn trong việc bảo đảm tính khả thi. Quy định, “cần áp dụng các điều kiện đặc biệt ưu đãi đầu tư…” rất dễ hiểu đây cũng là một tiêu chí. Tuy nhiên, xét tính logic thì việc quy định như vậy là không hợp lý.
Về thời hạn hợp đồng dầu khí, dự thảo quy định: “Trong trường hợp đặc biệt vì lý do quốc phòng an ninh, điều kiện địa chất dầu khí phức tạp, điều kiện thực địa triển khai hoạt động dầu khí có những khó khăn rất đặc thù, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép tiếp tục gia hạn thời hạn hợp đồng dầu khí và thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí vượt các thời hạn quy định tại điều này.” Theo VCCI, các thuật ngữ “phức tạp, khó khăn rất đặc thù” đều không được quy định tiêu chí hoặc dẫn chiếu tới quy định cụ thể nào khác sẽ có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, làm giảm tính thống nhất trong thực thi, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể hơn, giảm tối đa các quy định có tính chất định tính tương tự khác trong dự thảo để làm cơ sở cho việc hiểu và áp dụng quy định một cách chính xác, thống nhất, minh bạch.
Liên quan tới sự cố dầu khí, Luật Dầu khí hiện hành và dự thảo luật không có điều khoản riêng quy định về sự cố dầu khí mà chỉ nêu một số quy định yêu cầu về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố nói chung hoặc sự cố môi trường. Hiện tại, các quy định về xử lý sự cố tràn dầu được quy định tại Quyết định số 12/2021/QD-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố tràn dầu và quy định về xử lý sự cố cháy nổ giàn khoan, đường dẫn ống dầu, khí được thực hiện theo Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ về quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tuy nhiên, qua tham khảo pháp luật về khai thác, vận hành dầu khí của một số quốc gia trên thế giới cho thấy trong văn bản quản lý hoạt động dầu khí của các quốc gia này đều có ít nhất một quy định riêng về sự cố dầu khí. Đó có thể là định nghĩa như Luật về kho chứa xăng dầu và khí nhà kính ngoài trời của Australia hoặc dẫn chiếu tới văn bản quy định riêng về sự cố dầu khí theo Luật Dầu khí của Canada, hoặc quy định cụ thể ngay tại Luật Khí của Singapore, Luật Khí của New Zealand...
Ngoài ra, VCCI cho rằng, việc quy định như vậy là thực sự cần thiết và nên áp dụng vào chính sách dầu khí ở Việt Nam. Sự cố dầu khí, khi xảy ra, thường là rất nghiêm trọng, để xử lý cần có sự tham gia của nhiều bên, những kỹ thuật và chuyên môn đặc thù. Kế hoạch ứng phó sự cố dầu khí là một nội dung quan trọng trong hoạt động dầu khí. Thực tế các vụ việc cháy nổ giàn khoan, kho chứa, sự cố tràn dầu trên thế giới cho thấy tầm quan trọng của chế định về phòng ngừa, xử lý sự cố tràn dầu trong hệ thống chính sách về dầu khí. Phòng chống rủi ro luôn là một công tác đặc biệt quan trọng trong hoạt động dầu khí của các doanh nghiệp và cả cấp quốc gia.
Từ những ý kiến trên đây, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một điều về phòng chống, xử lý sự cố dầu khí vào dự thảo, bên cạnh các quy định rải rác khác để bảo đảm chế định này có vị trí tương xứng, làm cơ sở cho việc quy định cụ thể ở các cấp văn bản thấp hơn.
PV