/ Đời sống - Xã hội
/ Hà Tĩnh: Nên tổ chức du lịch khám phá núi Hồng Lĩnh

Hà Tĩnh: Nên tổ chức du lịch khám phá núi Hồng Lĩnh

30/03/2023 10:57 |

(LSVN) - Núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận huyện Nghi Xuân, Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh, được xếp vào một trong 21 danh thắng nước Nam xưa, ghi vào trong Bách Khoa Thư Cửu Đỉnh đặt ở cố đô Huế. Đây là biểu tượng thiêng liêng của xứ Nghệ, mang trên mình nhiều di tích, lịch sử, nhiều giai thoại, nhiều điều bí ẩn, lý thú chưa lý giải được. Hà Tĩnh nên tổ chức du lịch khám phá núi Hồng Lĩnh, nếu tổ chức một cách khoa học nhất định thu hút được du khách trong và ngoài nước.

Núi Hồng Lĩnh biểu tượng linh thiêng xứ Nghệ.    

Núi Hồng Lĩnh có nhiều tên gọi khác nhau như ngàn Hống, Rú Lớn, Rú Cao, Hương Tượng, Hồng Sơn, Hồng Lĩnh. Có nhiều truyền thuyết lý thú. Tương truyền, Kinh Dương Vương đóng đô ở đây, một hôm thấy đàn chim phượng hoàng 100 con bay về, mỗi con đậu trên 1 đỉnh, còn 1 con không có chỗ đậu bay về hướng Bắc, nhà vua nhìn thấy. Từ đó nhà vua quyết định dời kinh đô ra Vĩnh Phú. Theo truyền thuyết này nên gọi núi Hồng Lĩnh có 99 đỉnh, đến nay chưa có tài liệu nào nói núi Hồng Lĩnh có bao nhiêu đỉnh. Hiện nay, trên đỉnh núi Hồng Lĩnh có dấu tích nền Trang Vương. Nhiều người cho rằng, đây nơi vua Kinh Dương Vương đóng đô. Để kết luận nền Trang Vương trước đây là gì cần đến sự vào cuộc của các nhà khoa học, đây là  một bí ẩn cần được làm rõ. 

Theo khoa học địa lý núi Hồng Lĩnh có 2 nhóm núi: Nhóm Tây – Tây Bắc, nhóm Đông – Đông Nam, giữa các nhóm tạo nên những kỳ quan rất đẹp. Đỉnh cao nhất là ngọn Tháp Cờ 676m, nơi hoàng tử con Mai Thúc Loan dựng cờ, xây căn cứ chống giặc ngoại xâm. 

Nhánh chạy về huyện Nghi Xuân đến gặp nhau với sông Lam dừng lại. Núi Hồng, Sông Lam gặp nhau tại xã Xuân Lam, Xuân Hồng và thị trấn Xuân An hiện nay. Sông và núi đã tạo nên nơi đây nhiều thẳng cảnh làm say đắm không biết bao thi sĩ. Trong bài thơ Nhất mộng kỳ quan Ngô Thì Nhậm viết: 

"Núi Hồng ai đắp mà cao 

Sông Rum ai bới ai đào mà sâu (sông Rum là sông Lam)".

Nhà thơ Xuân Hoài Viết: 

"Nếu không có Sông Lam

Núi Hồng buồn biết mấy

Núi Hồng không đứng đấy 

Sông Lam trong cũng thừa". 

Chùa Hương Tích thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, xếp vào “Hoan Châu đệ nhất danh lam”. 

Núi Hồng, sông Lam tạo nên nhiều điểm du lịch. Mỗi ngọn núi ở đây đều có một câu chuyện cổ tích. Núi Bà gắn với câu chuyện vợ của một vị vua ngồi lên ngọn núi. Núi Ngũ Mã như 5 con ngựa đang phi nước đại. Dưới chân núi Ngũ Mã là sông Lam có chợ chuyên bán củi cho thuyền đưa đi khắp vùng gọi là Chợ Củi. Sát với Chợ Củi là đền Chợ Củi rất linh thiêng. Đền nằm bên bờ sông Lam nay là một điểm du lịch tâm linh du khách đến đây rất đông. Từ núi Ngũ Mã có một hòn núi tách ra trông như một con nghé lội ra bờ sông Lam chuẩn bị bơi sang bờ bên kia, nhưng nước ngăn lại gọi là núi Cô Độc. Trên đỉnh núi có một tảng đá lớn rộng gần 1 trượng (1 trượng = 3,5m) có 1 lỗ hổng xuống gọi là “đá cối”. Dân gian truyền lại thời kỳ chúa Nguyễn lấn ra Bắc đánh chiếm  vùng Nam Sông Lam, Trịnh Toàn con thứ tám của chúa Trịnh Tám được phong Khâm sứ tiêu chế chỉ huy quân thủy bộ trấn giữ xứ Nghệ An, đã dùng cối này giã gạo. Núi Phong Phạm (dân thường gọi Núi Cơm) nằm sát bờ sông, dưới chân là con đường thiên lý Bắc – Nam.

Núi Cơm gắn với huyền thoại ông Đùng - một nhân vật khổng lồ có sức khỏe phi thường, tự mình sắp đặt giang sơn. Một lần xứ Nghệ xảy ra cơn cuồng phong nước sông Lam dâng lên tàn phá nhà cửa, hoa màu của người dân. Ông Đùng đã dời núi ngăn nước cứu dân làng. Do mải làm việc ông Đùng để quên gói cơm của mình bên bờ sông không ăn. Sáng hôm sau đùm cơm biến thành ngọn núi đứng sừng sững bên bờ sông Lam, cùng với người dân chống lũ. 

Núi Cơm đã chứng kiến nhiều chiến tích quân và dân nơi đây chống giặc ngoại xâm. Đêm ngày 30/4/1930 hai chiến sĩ Cộng sản người Xuân An là ông Nguyễn Tiếu và Đậu Ngọc Cảnh bí mật vượt qua đồn giặc leo lên cột điện ở Núi Cơm treo cờ đỏ búa liềm và rải tuyền đơn. Cờ đỏ búa liềm trên Núi Cơm đã động viên tinh thần công, nông sáng ngày 01/5/1930 biểu tình ở phía Bắc Sông Lam. Đây là cuộc biểu tỉnh khởi đầu cho cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Sáng hôm sau lính đồn dưới chân Núi Cơm thất hồn không biết bằng cách nào mà Cộng sản lại treo cờ và rải truyền đơn vào đồn, nơi ngày đêm được canh phòng cẩn mật. Chúng sợ hãi không đứa nào dám lên hạ cờ. 

Núi Cơm nằm phía Nam phà Bến Thủy, yết hầu con đường vận chuyển của ta ra chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Kẻ thù đã biến nơi đây thành tọa độ chết. Vào thời điểm cuộc chống chiến tranh phá hoại ác liệt nhất quân ta khoét Núi Cơm đặt đèn làm tiêu để cho phà sang sông. Trong lòng Núi Cơm là kho vũ khí, lương thực, thực phẩm, trên đỉnh núi quân ta đặt súng 12,7 ly đánh trả máy bay địch. 

Nhánh ăn lan ra xã Xuân Liên có núi Phượng Hoàng (còn gọi núi Đại Nhạc). Núi này có chỗ đất 5 màu. Đứng xa nhìn lại không khác gì con chim phượng hoàng đang xòe cánh ôm ấp đàn con. Ở đây có 1 cái giếng tự nhiên bằng miệng bát nước trong như mắt ngọc, múc đi bao nhiêu cũng không cạn. Dân gọi là giếng Âm. Có một hòn đá dựng đứng như trồng một cái hoa chuối, cao gần 20 mét đứng một mình. Rất tiếc Hà Tĩnh không để núi Phượng Hoàng làm một điểm du lịch mà cho khai thác đất đá xây dựng. Ngọn núi đẹp này đến nay khai thác sắp hết. Từ núi Phượng Hoàng tách ra một nhánh là núi Kim Sơn (còn gọi núi Kim Quy con rùa vàng). Hòn núi này có nét độc đáo ở nước ta ít nơi nào có, cả hòn núi là một hòn đá liền khối. Quả núi một nửa đất, một nửa đá, dưới chân núi có một cái hang lớn, vào những ngày động trời thì phát ra tiếng. Phía Bắc nổi lên một chóp đá trông như giá bút.

Phía Đông – Nam núi Hồng Lĩnh có 1 nhánh chạy ra  sát tận biển, giáp giữa xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) và xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà). Ngọn núi này đứng  xa nhìn lại như đầu một con rồng nên dân thường gọi núi Hàm Rồng. Ở đây có nhiều cảnh đẹp tự nhiên đang còn hoang sơ, chưa có tác động bởi bàn tay của con người. Sát chân núi có 1 khối đá lớn cao khoảng 13 mét, vòng lưng rộng 32 mét. Khối đá này dựa lưng vào một khối đá hình hộp thấp và nhỏ, trông như một người đàn ông đang ngồi khuỷu tay kê lên đầu gối, tư thế đỉnh đạc, thoải mái, dân gian gọi đá ông. Một khối khác kề cạnh, thấp nhỏ hơn hình trụ hơi chếch về khối đá lớn. Nhìn như người phụ nữ đang chuyện trò với người đối diện. Dân địa phương gọi là đá ông, đá bà. Hai ông bà dựa lưng vào núi, mắt nhìn ra bãi cát vàng và biển Đông đang tâm tình cùng nhau. 

Mê mẩn với đá ông, đá bà Đông hồ Lê Văn Diễn vịnh thơ: 

Dịch ý: 

"Thơ xưa “đá hóa nỗi lòng người” 

Nay lại “người thành đá”… lệ rơi!

Chuyên cũ “vợ chồng cây” giống thật

Ngàn năm chung thủy tựa… sao trời".

Sát với đá ông, đá bà là chùa Chân Tiên cảnh quan hữu tình, có suối nước trong chảy quanh năm, có giếng sâu, nhiều hang động kỳ thú như: Động Trúc, động Mai, động Thạch Chất, có đá chân tiên, đá cô, đá cậu. Cách chùa Chân Tiên không xa có một hồ nước sát với vách núi nước trong xanh. Người dân ở đây còn lưu truyện các cô tiên hàng năm xuống đây tắm, thả mình trong làn nước trong xanh, rồi lên ngồi chơi cờ trên một hòn đá có hình bàn cờ. 

Nhiều thi sĩ đã viết thơ vịnh cảnh đẹp nơi đây. Sách Đại Nam nhất thống chí, Nghệ An ký, Thiên Lộc huyện phong thổ chép: 

"Động Lèn ai khéo dựng xây 

Nơi biên tái vẫn chứa đầy màu xuân".

Nền Trang Vương đến nay chưa lý giải được.

Đi về phía Tây khoảng 2km là có một cái hang lớn, dơi trú ngụ rất nhiều, gọi là Hang Dơi, trước mặt hang có một bãi rộng. Dân truyền lại quân của Nguyễn Hữu Tiến phò Nguyễn đàng trong, chống Trịnh đàng ngoài đã dùng hang này để rèn vũ khí luyện quân. Ở đây có trại Cố Bu tập hợp người dân đứng lên chống lại triều đình hà khắc. Truông Cố Ghép có tất cả 1645 bậc đá, chiều dài 1300 mét vắt qua một eo núi. Theo tập truyện cổ dân gian xứ Nghệ ghi. Ngày xưa có một người tên là Cố Ghép sức khỏe hơn người ông tự mình khuân đá ghép thành con đường qua eo núi cho dân đi lại giữa 2 huyện Nghi Xuân và Can Lộc dễ dàng. Để ghi nhớ công ơn dân đặt tên là Truông Cố Ghép. 

Núi Hồng Lĩnh có nhiều hồ lớn nằm ở lưng chừng núi, tạo nên cảnh quan rất đẹp. Trong đó tiêu biểu là hồ Thiên Tượng, Suối Tiên nằm ở phường Bắc Hồng thị xã Hồng Lĩnh. Hồ ở độ cao 100 mét so với mực nước biển, nước quanh năm trong xanh. Nhiều người cho rằng hồ Thiên Tượng, Suối Tiên là Đà Lạt ở xứ Nghệ, mùa hè rất mát. Hồ rộng khoảng 100.000 m2, chỗ sâu nhất 15 mét, xung quanh là rừng thông. Du khách đến đây nghe tiếng thông reo, nước Suối Tiên chảy róc rách phát ra bản nhạc trữ tình, nhìn nước mặt hồ lượn sóng đua nhau thật thú vị. Dân Hồng Lĩnh mong chính quyền xây dựng đây thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng để du khách đến nghỉ ngơi, khám phá núi Hồng Lĩnh, viếng chùa Thiên Tượng một ngôi chùa đẹp ở cách hồ không xa. 

Chùa Hương Tích ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, được xếp vào “Hoan Châu đệ nhất danh lam”. Ngôi chùa cổ đẹp và linh thiêng nhất Hoan Châu. Đền xây dựng vào đời Trần (thế kỷ XVIII-XIV). Chùa gắn liền với sự tích về Sở Trang Vương và con gái Diệu Thiện thấm đẫm nhân văn và nhiều huyền thoại ly kỳ. Hàng năm vào ngày 18/02 (âm lịch) nhằm ngày công chúa Diệu Thiện hóa phật, du khách khắp cả nước về đây dự hội. 

Núi Hồng Lĩnh còn và còn rất nhiều chuyện huyền thoại, cảnh đẹp, hang động kỳ thú nhưng trong khổ bài viết này không thể hiện hết. Như chuyện ông Đùng, bà Đùng xây nên núi Hồng Lĩnh. Có nhiều hang động nổi tiếng như động 12 cửa, động Chẻ Hai, động Đá Hang, hoặc Vực Nguyệt, Núi Lân, Núi Lầu có hành cung của Lý Thánh Tông, Đá Lũy. 

Mong rằng, Hà Tĩnh sớm tổ chức du lịch khám phá núi Hồng Lĩnh, để du khách trong và nước được đến một địa danh đầy lý thú, ít nơi nào hội tụ được như Hồng Lĩnh. 

HẢI HƯNG

Bùi Thị Thanh Loan