Ảnh minh họa.
Chiều 26/10, tại Kỳ họp thứ 4, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, UBTV Quốc hội đã bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam tại dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người là anh, chị, em của người đã ly hôn.
Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng là “người tình” của vợ, chồng đã ly hôn và con riêng của vợ, chồng hoặc của người đang chung sống với nhau như vợ chồng, con riêng của người đã ly hôn.
UBTV Quốc hội thấy rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình, song là mối quan hệ rất đặc thù, dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.
Bên cạnh đó, còn có nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình.
Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, UBTV Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dụ thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này để tăng tính chặt chẽ của quy định.
Theo đó, hành vi bạo lực cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.
Về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”, có ý kiến đề nghị làm rõ đây là biện pháp “hành động vì lợi ích cộng đồng” hay “lao động công ích”.
Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục; nâng cao vai trò của cộng đồng trong xử lý hành vi bạo lực gia đình, UBTV Quốc hội thấy rằng, việc bổ sung một biện pháp mang tính xã hội nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết, mang tính giáo dục cao.
UBTV Quốc hội cũng đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp tiến hành đánh giá tính khả thi của biện pháp này và rà soát tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, theo báo cáo nghiên cứu, kết quả tham vấn ý kiến nhóm lãnh đạo, nhóm người dân và nhóm trẻ em tại 05 tỉnh thành cho thấy, đây là biện pháp có tính răn đe, giáo dục cao và có tính khả thi. Biện pháp này tương thích với các điều ước quốc tế, Công ước số 29 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc.
Vì vậy, dự thảo Luật quy định thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là tự nguyện. Theo đó, người có hành vi bạo lực gia đình tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng thì không bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư.
Dự thảo Luật lần này bỏ quy định về thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 20 giờ và không quá 04 giờ mỗi ngày.
HOÀNG TRẦN
Nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù, ưu tiên, ưu đãi cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine