(LSO) - Theo quy định của Luật Trẻ em, việc dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang và lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Trong thời gian qua, các hành vi lợi dụng trẻ em để trục lợi vẫn thường xuyên xảy ra. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh trẻ em đang lao động, mưu sinh dưới nhiều hình thức khác nhau, với nhiều lứa tuổi (khoảng từ 9, 10 đến 15, 16 tuổi), cái tuổi mà đáng lẽ trẻ em được chăm sóc, học tập, bảo vệ, vui chơi.
Thế nhưng hàng ngày các em phải vất vả kiếm sống với chồng báo, tập vé số, hộp đánh giày, bưng bê, rửa bát đũa trong các quán ăn… Một bộ phận khác lại tụ tập thành nhóm đi xin ăn, trộm cắp, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Các trẻ em lang thang cơ nhỡ rất dễ bị tiêm nhiễm, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, một khi các em trở thành đối tượng của thế lực xấu.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP. HCM phân tích, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm được quy định cụ thể tại điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Do đó, để có thể xác định chính xác mức xử phạt đối với người lợi dụng hay các cháu bé thực hiện hành vi vi phạm cần căn cứ cụ thể vào độ tuổi, tính chất, hậu quả của hành vi. Ví dụ đối với hành vi trộm cắp tài sản, nếu cháu bé dưới 14 tuổi thì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc nếu tài sản bị trộm cắp đủ định lượng để xử lý hình sự về tội "trộm cắp tài sản" thì cháu bé này cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của Luật Trẻ em, việc dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang và lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 23 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, việc lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Việc tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng theo quy định tại điểm a, b khoản 3 điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Về xử lý hình sự: Nếu đối tượng lợi dụng trẻ em để đi ăn xin trục lợi có hành vi chăn dắt ép buộc, đối xử tàn ác, bắt trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đánh đập, gây thương tích,… mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng (tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác", tội "Hành hạ người khác", tội "Làm nhục người khác" hoặc tội "Vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi"…) theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Đáng chú ý là hành vi “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” là một trong những tình tiết phạm tội tăng nặng được quy định điểm o, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Đánh giá về việc các đối tượng có hành vi lợi dụng trẻ nhỏ để thực hiện hành vi ăn xin hay trộm cắp, Luật sư Ngọc Nữ chia sẻ: "Có những vụ việc khi hỗ trợ giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi trẻ em khiến tôi không khỏi trăn trở. Gần đây, ở huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có trường hợp một người mẹ chăn dắt những đứa con nhỏ đi ăn xin, để cậu ruột lạm dụng tình dục một cháu. Ngoài ra, còn một số vụ việc lợi dụng trẻ em để trộm cắp tài sản mà phải tìm đến tôi để hỗ trợ giải quyết, bảo vệ quyền lợi".
Luật giáo dục trẻ em ngay từ nhỏ để hình thành nhân cách. Nhưng trong trường hợp này, trẻ phải thực hiện theo sự xúi giục để trộm cắp hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách và có cách nhìn sai trái về cuộc sống của các em.
"Việc các đối tượng lợi dụng trẻ em để thực hiện hành vi phạm tội nói chung, hay trộm cắp tài sản nói riêng, tôi đề nghị phải xử lý mạnh tay để có tính răn đe, ngăn ngừa cho toàn xã hội", Luật sư Nữ kiến nghị.
Để ngăn chặn, đẩy lùi tổ chức, cá nhân ép buộc trẻ em vào các hoạt động vi phạm pháp luật cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, khi phát hiện cần kịp thời tố cáo với chính quyền địa phương cơ sở để có biện pháp ngăn chặn, xử lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
THANH THANH