(LSO) - Trẻ em có quyền được sống - đó là một trong 4 nhóm quyền được quy định tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em và được Hiến pháp ghi nhận. Do đó, với hành vi bỏ rơi, vứt bỏ con thì đây không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền con người, vi phạm quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Những hành vi như vậy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở khu dân cư, trong bệnh viện, thậm chí ở bãi rác, hố ga dưới trời nắng nóng khiến ai cũng phải xót xa trước số phận kém may mắn của những đứa trẻ vô tội. Tình trạng này khiến mọi người không khỏi thương cảm đối với những đứa trẻ kém may mắn mà còn cảm thấy phẫn uất đối với những người mẹ vô cảm, mất nhân tính khi bỏ rơi chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Phần lớn khi được phát hiện, các đứa trẻ đều trong tình trạng sinh non hoặc bị những bệnh lý nặng như dị tật bẩm sinh, bị nhiễm trùng nặng... và thậm chí bị vứt bỏ quá lâu không được ai phát hiện dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các cô gái trẻ sinh con rồi bỏ mặc, thậm chí vứt bỏ, giết chết những đứa con do mình mới sinh ra
Có thể thấy độ tuổi trung bình của phần lớn những người mẹ vứt bỏ hiện nay còn rất trẻ, thậm chí có những em đang độ tuổi vị thành niên, cho thấy vấn đề nhận thức về giới tính, về việc tránh thai ngoài ý muốn là rất kém. Nhiều người ở độ tuổi vị thành niên, độ tuổi mới trưởng thành không được giáo dục về giới tính nên dễ dàng rơi vào tình trạng có thai ngoài ý muốn nhưng thay vì lựa chọn những giải pháp hợp lý thì lại lựa chọn việc nạo phá thai hay thậm chí sinh con ra rồi vứt bỏ, khiến cho tình trạng nạo phá thai của nước ta có tỷ lệ gia tăng một cách chóng mặt. Đây là hiện tượng xã hội nhức nhối và đáng buồn bởi lẽ việc quan hệ tình dục là nhu cầu bình thường của mỗi con người. Tuy nhiên, một bộ phận bà mẹ trẻ không có trách nhiệm với hành vi của mình thì đây là hành vi đáng lên án.
Theo Luật sư Đăng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, nguyên nhân dẫn đến một số cô gái trẻ thực hiện hành vi bỏ con, giết con là do họ thiếu nghiêm trọng kỹ năng sống, nỗi lo cơm áo gạo tiền, giấu gia đình mang lại tâm lý bất an, gây nên sự căng thẳng trong cuộc sống, khiến cho họ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ mà họ thường không lường trước được hậu quả xảy ra. Đây thường là những bà mẹ trẻ, hoặc do trong những giây phút nghĩ quẩn, ở đường cùng, không biết cách giải quyết mà lựa chọn giải pháp tiêu cực.
Tuy nhiên, cũng có một số nguyên nhân khác dẫn đến hành vi này mà không xuất phát từ hoàn cảnh mà nhiều người mẹ bỏ con vì còn trẻ, không muốn mang tiếng chưa chồng mà có con hoặc mẹ bỏ con vì giận chồng, dỗi người yêu để trả thù,… Nhưng dù bất kỳ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì không thể "bào chữa" cho việc bỏ con mình đẻ ra. Đáng lẽ những người mẹ này phải là người chăm sóc, chở che yêu thương nhất con mình nhất nhưng họ lại có hành vi nhẫn tâm đáng lên án,..
Chế tài xử lý đối với hành vi vứt bỏ con mới đẻ
Liên quan đến vấn đề này, dưới góc độ pháp luật thì hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ chết thì phải chịu trách nhiệm hình sự, vậy còn trường hợp đứa trẻ không chết thì pháp luật có chế tài xử lý như thế nào?
Luật sư Cường cho rằng, hiện nay, Bộ luật Hình sự đã có quy định về tội “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” theo Điều 124 BLHS 2015. Theo đó, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Còn người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Người phụ nữ giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ phải do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu như tin vào bói toán, thần thánh cho là “phải giết con thì mới không bị con ma quấy phá”, sợ dư luận xã hội địa phương,… Hoàn cảnh khách quan đặc biệt như người phụ nữ đẻ con ra bị dị tật quá nặng hoặc trong tình trạng một thân một mình, quá nghèo đói không đủ tiền để nuôi sống chính mình, đang bị bệnh tật…, đồng thời hậu quả xảy ra là đứa trẻ chết thì mới đảm bảo yếu tố bắt buộc cấu thành tội danh này.
Còn nếu trong trường hợp không trong hoàn cảnh trên mà người mẹ vẫn nhẫn tâm giết con mình vì muốn trả thù hay lý do nào khác thì hành vi này có thể bị xử lý về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015 hoặc trong trường hợp bỏ mặc, vô ý dẫn đến hậu quả chết người thì sẽ bị xử lý về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 BLHS.
Đối với trường hợp người mẹ vứt bỏ con đẻ nhưng chưa dẫn đến hậu quả chết người thì dưới góc độ pháp lý, hiện nay pháp luật vẫn có chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi chưa đủ mức truy cứu hình sự.
Cụ thể, với hành vi bỏ, không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm..; cố ý bỏ rơi trẻ em nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, với mức phạt từ 10.000.000 đồng – 15.000.000 đồng. Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ có hành vi vi phạm.
Còn trong trường hợp người mẹ có hành vi chưa đến hậu quả chết người mà có gây hậu quả thương tích cho đứa trẻ thì cần xem xét yếu tố lỗi, hành vi và mục đích của người thực hiện hành vi để xác định chế tài xử lý thích hợp. Cụ thể, nếu người mẹ thực hiện hành vi với lỗi cố ý, gây thương tích từ 11% trở lên thì có thể truy cứu hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134 BLHS.
Còn trong trường hợp thực hiện hành vi với lỗi vô ý, bỏ mặc hậu quả xảy ra thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội "Vô ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo Điều 138 BLHS.
Cụ thể, người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm theo quy định khoản 1 Điều 138 BLHS 2015.
Kiến nghị một số giải pháp
Luật sư Cương cho rằng, để làm giảm thiểu những vụ việc đau lòng như vậy thì cần phải thực hiện các giải pháp từ phía cơ quan chức năng cũng như từ phía gia đình và bản thân những người trẻ tuổi. Cụ thể:
- Từ phía bản thân người trẻ tuổi: Cần chấn chỉnh lại lối sống, rèn luyện kĩ năng sống của bản thân, nâng cao kiến thức về giới tính, pháp luật để từ đó có những nhận thức đúng đắn, có cách phòng tránh, bảo vệ bản thân.
- Từ phía gia đình thì gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề giáo dục đối với con cái trong độ tuổi nhất định. Do đó, gia đình cần sát sao quan tâm đến con cái và phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục nhận thức giới tính cho các em để các em biết cách phòng tránh, bảo vệ bản thân. Còn đối với những trường hợp xảy ra ngoài ý muốn thì gia đình cũng cần quan tâm, động viên chia sẻ để các em ổn định tâm lý, tránh có những hành vi tiêu cực, gây hậu quả nghiêm trọng.
- Từ phía cơ quan chức năng: Để hạn chế tình trạng trên, cần sự vào cuộc của các đoàn thể, các ngành chức năng trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về dân số, bảo vệ trẻ em; công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là thanh thiếu niên, phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường trong việc giáo dục pháp luật cho các em.
THANH THANH