Nhóm giang hồ điều hành đường dây cá độ 1.500 tỉ bị bắt giữ.
Người Việt cổ có tục xăm mình, sử sách đều chép lại chuyện đó. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trương ca Đất nước nổi tiếng của ông có đề cập chuyện này như một lời giải thích: "Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau/ Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu/ Đánh lừa thuồng luồng xăm mày, xăm mặt...". Khởi thủy của tục xăm mình không phải là môn nghệ thuật mà xuất phát từ công việc mưu sinh của những người hành nghề ngư phủ. Tuy nhiên, khi trở thành nghệ thuật xăm mình thì chưa bao giờ đó lại là bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc cần phải giữ gìn.
Xã hội đương đại, nhiều người xăm mình, đủ các thể lại hình ảnh, chữ viết, lập ngôn, ghi nhớ, kỷ niệm,... khác nhau. Từ một hình xăm bé tý đến cả người toàn hình xăm. Và, không biết tự bao giờ, xăm trổ trở thành biểu tượng của giới giang hồ, cứ thấy xăm trổ đầy mình là người ta mặc định anh ta thuộc giới "chọc trời, khuấy nước", "ngoài vòng pháp luật".
Thực tế, khi bắt hình sự một nhóm đòi nợ thuê hay côn đồ phá phách, công an thường bắt họ cởi trần chụp ảnh, chẳng ai trong số họ là "người trần" cả, toàn xăm trổ đầy mình với những hình ảnh dọa chết thuồng luồng, đe dọa tinh thần người đối diện.
Thực ra, có những hình xăm đẹp, thậm chí gợi cảm nữa khiến người ta phải chú ý. Đặt đúng chỗ, hình ảnh có tính nghệ thuật cao, thể hiện tính cách người sở hữu đã làm tôn vẻ đẹp cơ thể và như một thông điệp ngầm giới thiệu con người chủ nhân. Ngược lại, có những hình xăm gây phản cảm hoặc ghê sợ với những ai nhìn thấy nó, trường hợp này nhiều hơn, phổ biến hơn những hình xăm nghệ thuật gây chú ý và ngưỡng mộ cho người nhìn. Ở nhiều trường hợp, không có hình xăm lại gây sự chú ý và gợi cảm, chẳng hạn, khi người phụ nữ vén tóc cao để lộ cái gáy trắng mịn màng của họ, hẳn rằng sự chú ý của đàn ông và cảm xúc sẽ kéo dài hơn rất nhiều so với cái hình xăm nếu có ở chỗ đó.
Bảo vệ cho "quyền được xăm hình" là lý giải về việc pháp luật không cấm, đó là quyền tự do thân thể,... Cũng như bảo vệ cho tài sản bất minh không phải giải trình vì đó là "quyền dân sự", "quyền tài sản",... Song, cứ cái gì pháp luật không cấm thì mọi người đều có thể làm thì không ổn, bởi, mỗi bên cạnh pháp luật còn có đạo lý, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, dư luận xã hội, thuần phong mỹ tục hay trong một gia đình có gia phong, gia giáo và thậm chí gia pháp nữa. Có nghĩa là tùy trường hợp thôi, có những nghề nghiệp đòi hỏi ngoại hình khắt khe, chỉ một hình xăm nhỏ xíu, ứng cử viên bị loại ngay "từ vòng gửi xe" mà không cần đắn đo, cân nhắc gì, mặc dù pháp luật đâu có cấm xăm hình.
Làm nghề dạy học cũng vậy. Người thầy khả kính không chỉ là đạo cao, đức trọng, giỏi chuyên môn mà những ứng xử đời thường cũng đều cần chuẩn mực ở mọi nơi, mọi lúc. Thầy giáo xăm mình không hại cho ai cả nhưng hại cho chính hình ảnh người thầy và hại cho nền giáo dục. Nếu thích thực hiện quyền tự do định đoạt đối với cơ thể mình thì nên và cần xăm ở chỗ kín đáo trên cơ thể và chỉ nên "khoe" với số ít người thôi.
Một số phụ huynh đã phát biểu chủ kiến của mình là tôn trọng việc xăm mình của nhà giáo nhưng họ sẽ cho con em mình đi học chỗ khác. Đó chính là thái độ của xã hội đối với việc này và khỏi phải tranh cãi gì thêm!
NHỊ NGỌC
Hướng dẫn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19