Một số điểm mới sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự năm 1999
Điều 318 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau:
"1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm".
So với Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội gây rối trật tự công cộng sửa đổi, bổ sung một số nội dung bao gồm:
Thứ nhất, yêu cầu về hậu quả để cấu thành tội gây rối trật tự công cộng giữa BLHS 1999 và BLHS 2015 đã có sự thay đổi từ "gây hậu quả nghiêm trọng" thành "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn, xã hội". Điều đó cho thấy, cấu thành cơ bản của tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 điều 318 BLHS năm 2015 nặng hơn so với khoản 1 điều 245 BLHS năm 1999; có nghĩa là theo BLHS năm 2015 chỉ cần hành vi gây rối trật tự công cộng "gây ảnh hưởng xấu" là đã phạm tội chứ không nhất thiết phải là "gây hậu quả nghiêm trọng" như quy định của BLHS năm 1999.
Thứ hai, nâng mức hình phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều 245 BLHS năm 1999 từ “phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng” thành “phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Thứ ba, bổ sung mới tình tiết định khung hình phạt dùng “hung khí” tại điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS.
Một số tồn tại hạn chế và kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất: Về hậu quả để cấu thành tội gây rối trật tự công cộng
Có thể thấy, điểm khác biệt căn bản giữa việc quy định hậu quả củahành vi gây rối trật tự công cộng trong cấu thành cơ bản của BLHS 1999 vàBLHS 2015 là sự thay đổi từ “gây hậu quả nghiêm trọng” thành “gây ảnhhưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Về mặt thuật ngữ, có thể thấycấu thành cơ bản của tội gây rối trật tự công cộng quy định tại khoản 1 Điều318 BLHS 2015 là nặng hơn và mở rộng hơn so với khoản 1 Điều 245 BLHS1999; theo đó với BLHS 2015 chỉ cần hành vi gây rối trật tự công cộng “gây ảnh hưởng xấu” là đã phạm tội mà không nhất thiết là cần phải gây hậu quảnghiêm trọng như quy định tại BLHS 1999.
Tuy nhiên, việc hiểu như thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” thỏa mãn yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS hiện nay còn tồn tại rất nhiều quan điểm áp dụng khác nhau do chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể. Tồn tại, hạn chế này đã gây ảnh hưởng lớn đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Bởi lẽ, cùng một vụ việc nhưng việc đánh giá, xác định sẽ khác nhau giữa các địa phương.
Theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ thì tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” theo khoản 3 các Điều 353, 355 BLHS là một trong các trường hợp sau:
- Gây khiếu kiện đông người, biểu tình, gây rối để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá chính quyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước;
- Gây hoang mang, lo sợ hoặc phẫn nộ trong nhân dân;
- Gây khó khăn trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Tuy vậy, để áp dụng tinh thần quy định của Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP đối với tội gây rối trật tự công cộng trong một số trường hợp cụ thể cũng chưa thực sự phù hợp. Bởi lẽ, nghị quyết hướng dẫn tình tiết này là tình tiết định khung tăng nặng đối với tội tham ô tài sản và tội lạm dụng, chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Nghiên cứu bài viết “Bàn về tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong tội gây rối trật tự công cộng” của tác giả Đặng Khắc Thắng, Phó Viện trưởng VKSND huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng đăng trên Cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao [1], tác giả hoàn toàn nhất trí với nhận định cho rằng tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra, là hậu quả phi vật chất. Tại tiểu mục 5.1 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quy định:
“Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnhhưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước,gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...” Nhưvậy, theo quy định tại Nghị quyết số 02/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa ánnhân dân tối cao, thì tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toànxã hội” đã được hướng dẫn, nó có tính chất, mức độ như “hậu quả nghiêmtrọng” hay nói cách khác “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xãhội” chính là “gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hiện nay, Nghị quyết số 02/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hết hiệu lực thi hành [2]. Do chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” nên vẫn có thể áp dụng tiểu mục 5.1 của Nghị quyết 02/2003 hướng dẫn về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 245 BLHS năm 1999 để giải quyết các vụ án gây rối trật tự công cộng với tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” quy định tại Điều 318 BLHS năm 2015. Tuy nhiên đây chỉ là ý kiến của tác giả, thiết nghĩ liên ngành Tư pháp Trung ương cần có văn bản hướng dẫn rõ, cụ thể tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 để các cơ quan tư pháp áp dụng thống nhất trong thực tiễn.
Thứ hai, tồn tại quan điểm khác nhau khi áp dụng tình tiết định khung hình phạt tăng nặng “có hành vi phá phách” theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS
Ví dụ: Trong quá trình đuổi đánh nhau, A chạy lên vỉa hè bê một chậu hoa bằng nhựa cứng ném trúng vào B.
Quan điểm thứ nhất: Trong vụ án này, chỉ cần truy tố, xét xử bị cáo A với tình tiết định khung hình phạt dùng “hung khí” theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS.
Quan điểm thứ hai: Ngoài việc áp dụng tình tiết định khung dùng “hung khí” cần áp dụng cả tình tiết định khung “có hành vi phá phách” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS mới phản ánh đúng bản chất hành vi phạm tội của A.
Quan điểm của tác giả: Mặc dù chưa có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng cụ thể tình tiết “có hành vi phá phách”. Tuy nhiên, các nghiên cứu lý luận khoa học luật hình sự đều thừa nhận “có hành vi phá phách” là trường hợp trong khi thực hiện hành vi gây rối, người phạm tội đã có hành vi đập phá tài sản nhưng thiệt hại về tài sản chưa đến mức cấu thành tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”. Trong vụ án nêu trên, A trong khi gây rối đã có hành vi bê một chậu hoa bằng nhựa cứng ném trúng vào đầu B nên nếu truy tố xét xử bị cáo A theo tình tiết định khung hình phạt “dùng hung khí và có hành vi phá phách” sẽ bảo đảm áp dụng pháp luật triệt để hơn.
Thứ ba, phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 318 BLHS sẽ bị xử phạt tối thiểu là 02 năm tù, tối đa 07 năm tù. Theo quan điểm của tác giả, khoảng cách hình phạt này là rộng dễ dẫn đến sự tùy nghi, tùy tiện trong áp dụng pháp luật.
Mặc dù quy định này không phải là vướng mắc khi áp dụng. Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu lý luận tác giả thấy rằng, về khoảng cách hình phạt áp dụng đối với người phạm tội thuộc khoản 2 Điều 318 BLHS từ 02 đến 07 năm là chưa phù hợp dẫn đến việc áp dụng pháp luật mang tính tùy nghi không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương khác nhau. Ví dụ: Nguyễn Văn A phạm tội gây rối trật tự công cộng theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS thì có thể địa phương B sẽ áp dụng và quyết định hình phạt ở mức 2 năm tù nhưng ở địa phương C có thể sẽ áp dụng và quyết định hình phạt ở mức 5 năm tù. Từ giả thiết này thể hiện quy định của BLHS về tội gây rối trật tự công cộng chưa thực sự phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp của Nhà nước ta.
Để hạn chế bất cập nêu trên của Bộ luật hình sự về hình phạt tù có thời hạn tại khoản 2 Điều 318 BLHS thì quy định này cần được nghiên cứu sửa đổi theo hướng: Cần nghiên cứu rút ngắn khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của khung hình phạt tại khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính nguy hiểm cho xã hội của người phạm tội, yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, tỷ lệ tăng (hoặc giảm) của tội phạm trên thực tế…
Thứ tư, bất cập của Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn áp dụng quy định hình phạt đối với hành vi gây rối trật tự công cộng gây hậu quả “chết người”.
Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã hướng dẫn cụ thể về “gây hậu quả nghiêm trọng” trong tội gây rối trật tự công cộng (Điều 245 BLHS năm 1999) và hiện nay nghị quyết này đã hết hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” tại Điều 318 BLHS nên vẫn có thể áp dụng tinh thần của tiểu mục 5.1 Nghị quyết 02/2003 hướng dẫn về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” để giải quyết.
Một trong những hành vi gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng thỏa mãn yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 đó là hành vi gây rối trật tự công cộng gây hậu quả chết người.
Tác giả thấy rằng, hành vi gây rối trật tự công cộng dẫn đến hậu quả chết người được hướng dẫn bởi Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 thuộc tình tiết định tội theo khoản 1 Điều 245 (BLHS năm 1999) và nay là khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ “phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”, hình phạt này là quá nhẹ so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, chưa bảo đảm đáp ứng đúng tinh thần cải cách tư pháp trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Chính vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện Bộ luật Hình sự về quy định này, theo tác giả thì nên quy định hành vi gây rối trật tự công cộng gây hậu quả chết người thuộc tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự sẽ bảo đảm phù hợp với nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, hậu quả do tội phạm gây ra càng lớn thì trách nhiệm hình sự phải cao hơn.
[1] Đọc bài viết tại trang web: https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/cong-tac-kiem-sat/ban-ve-tinh-tiet-gay-anh-huong-xau-den-an-ninh-tra-d10-t416.html?Page=4#new-related.
[2] Quyết định số 355/QĐ-TANDTC ngày 08/10/2021, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của TANDTC, trong đó có Nghị quyết số 02/2003/NQHĐTP ngày 17-4-2003.