/ Nghề Luật sư
/ Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến Luật sư

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến Luật sư

02/08/2024 19:35 |5 tháng trước

(LSVN) - Ngày 02/8/2024, tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến Luật sư”.

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Tham dự tại Hội thảo có Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thế Phong, Uỷ viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật; ông Chinone Koichi, Cố vấn trưởng Dự án JICA; ông Tsukahara Masanori, Chuyên gia Dự án JICA; cùngsự tham gia của các Luật sư trong Ban Thường vụ Liên đoàn, Hội đồng Luật sư toàn quốc. Tại các điểm cầu, Đoàn Luật sư các tỉnh phía Bắc tham gia trực tuyến.

Tại hội thảo, Luật sư,Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật Luật sư là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam được quy định trong Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về giải quyết khiếu nại, tố cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thực hiện có sự kết hợp với quản lý nhà nước về hành nghề luật sư. Đây là sự khác biệt với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật Luật sư của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Luật sư Thịnh cũng cho biết, hiện nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật (ban hành kèm theo Quyết định số 50/QĐ-HĐLSTQ ngày 08/3/2023 của Hội đồng Luật sư toàn quốc) (“Quy chế 50”) thay thế cho Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật (ban hành kèm theo Quyết định số 203/QĐ-HĐLSTQ ngày 19/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc).

Thông qua Hội thảo này, Ban Thường vụ Liên đoàn giao cho Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật tổ chức phổ biến quán triệt Quy chế 50 (ban hành kèm theo Quyết định số 50/QĐ-HĐLSTQ ngày 08/3/2023 của Hội đồng Luật sư toàn quốc) đến Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật các Đoàn Luật sư để các Đoàn Luật sư áp dụng thống nhất trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến Luật sư.

Đoàn chủ trì hội thảo.

Theo Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, thời gian qua, việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến Luật sư có xu hướng gia tăng, phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc cần thống nhất trong việc áp dụng Quy chế 50 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. 

Luật sư Thịnh hi vọng, tại Hội thảo này, các đại biểu có thể trao đổi thêm về những vấn đề thực tiễn khi giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các Đoàn Luật sư và việc áp dụng Quy chế 50 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, từ đó Hội đồng Luật sư toàn quốc sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về giải quyết khiếu nại tố cáo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ thêm kinh nghiệm của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản khi bàn về chủ đề này. Qua đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tham khảo để thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày một hiệu quả, thiết thực hơn.

Luật sư Nguyễn Thế Phong phát biểu tại hội thảo.

Về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật Luật sư tại Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thế Phong, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật cho biết, theo Quyết định số 50/QĐ-HĐLSTQ về quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật thì thẩm quyền trách nhiệm tiếp nhận thụ lý giải quyết Đoàn Luật sư thì Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư là cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý thuộc thẩm quyền, sau đó Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật sẽ thụ lý, xác minh đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với Luật sư và đề xuất với Ban Chủ nhiệm về việc giải quyết đơn thư. 

Về tiếp nhận nội dung khiếu nại tố cáo, Văn phòng Đoàn Luật sư có trách nhiệm tiếp nhận vào sổ công văn đơn thư do cá nhân, cơ quan tổ chức gửi đến Đoàn Luật sư, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn thư khiếu nại tố cáo hoặc thông tin vi phạm hồ sơ tài liệu gửi kèm phải chuyển về Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật xác minh làm rõ.

Theo quy định, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật giúp Ban Thường vụ thực hiện công việc. Khi có đơn thư khiếu nại tố cáo, Văn phòng Liên đoàn sẽ tiếp nhận và chuyển đến Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật để nghiên cứu, phân loại xử lý, đối với đơn thư mà không thuộc thẩm quyền của Liên đoàn nhưng có nội dung khiếu nại tố cáo kiến nghị về vi phạm kỷ luật thuộc về Đoàn Luật sư địa phương thì Thường trực Liên đoàn chuyển về cho Đoàn Luật sư địa phương đó giải quyết.

Về thời gian xử lý kỷ luật, đối với vụ việc mà Chủ nhiệm Đoàn Luật sư ra thông báo thì thời hạn không quá 6 tháng. Trường hợp phức tạp cần thêm thời gian giải quyết thì Ban Chủ nhiệm có quyền gia hạn thời hạn xử lý kỷ luật nhưng thời gian gia hạn không được quá 3 tháng và chỉ gia hạn tối đa 2 lần, việc gia hạn phải bằng văn bản. Khi Luật sư vi phạm quy định về pháp luật luật sư, Điều lệ Liên đoàn thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý, nếu nghiêm trọng sẽ xóa tên khỏi danh sách của Đoàn Luật sư.

Ông Tsukahara Masanori, chuyên gia Dự án JICA chia sẻ tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Tsukahara Masanori, Chuyên gia Dự án JICA chia sẻ những kinh nghiệm xử lý luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến Luật sư Nhật Bản.

Theo đó, Đoàn Luật sư Nhật Bản xây dựng chế độ để người dân phản ánh, khiếu nại về hoạt động Luật sư, chế độ để giải quyết mâu thuẫn với Luật sư và các thủ tục yêu cầu xử lý kỷ luật đối với Luật sư. Khi có yêu cầu xử lý kỷ luật, Đoàn Luật sư sẽ nhờ Ủy ban Kỷ cương điều tra vụ việc. Ủy ban Kỷ cương ra nghị quyết về việc có cần Ủy ban Xử lý kỷ luật thẩm tra vụ việc hay không. Tuy nhiên, nếu quá thời hạn 3 năm kể từ khi phát sinh vụ việc thì không thể tiến hành thủ tục yêu cầu xử lý kỷ luật nữa.

Nếu qua kết quả điều tra, Ủy ban Kỷ cương ra nghị quyết thể hiện việc không cần yêu cầu Ủy ban Xử lý kỷ luật thẩm tra vụ việc thì Đoàn Luật sư ra quyết định không áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật đối với Luật sư.

Ủy ban Kỷ cương ra nghị quyết yêu cầu Ủy ban Xử lý kỷ luật thẩm tra vụ việc thì Đoàn Luật sư yêu cầu Ủy ban Xử lý kỷ luật tiến hành thẩm tra vụ việc. Ủy ban Xử lý kỷ luật thẩm tra để xem xét vấn đề xử lý kỷ luật đối với Luật sư. Nếu theo kết quả thẩm tra, việc xử lý kỷ luật là hợp lý, cần thiết thì Ủy ban Xử lý kỷ luật ra nghị quyết về việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật. Đoàn Luật sư dựa vào đó tiến hành xử lý kỷ luật đối với Luật sư.Nếu Ủy ban Xử lý kỷ luật ra nghị quyết cho rằng việc xử lý kỷ luật là không hợp lý, không cần thiết thì Đoàn Luật sư quyết định không áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật đối với Luật sư

Tại Nhật Bản, không thể yêu cầu Liên đoàn Luật sư Nhật Bản xử lý kỷ luật ngay từ ban đầu. Trước tiên, cần gửi yêu cầu xử lý kỷ luật đến Đoàn Luật sư mà Luật sư đó là thành viên.Người yêu cầu xử lý kỷ luật có thể nộp đơn khiếu nại đến Liên đoàn Luật sư Nhật Bản trong trường hợp Đoàn Luật sư quyết định không áp dụng biện pháp kỷ luật hoặc khi thủ tục kỷ luật không được hoàn thành trong một khoảng thời gian hợp lý, hoặc khi có căn cứ cho rằng hình thức kỷ luật đó vẫn nhẹ.

Nếu Ủy ban Kỷ cương của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản ra nghị quyết cho rằng việc gửi đơn khiếu nại là có lý do chính đáng thì Liên đoàn Luật sư gửi vụ việc đến Đoàn Luật sư (Ủy ban Xử lý kỷ luật), yêu cầu Đoàn Luật sư nhanh chóng tiến hành thủ tục xử lý kỷ luật. Nếu Ủy ban Kỷ cương của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản ra nghị quyết thể hiện rằng khiếu nại được gửi đến không có lý do chính đáng thì Liên đoàn Luật sư ra quyết định bác đơn khiếu nại. Mặt khác, nếu nghị quyết khẳng định khiếu nại là trái pháp luật thì Liên đoàn Luật sư ra quyết định từ chối tiếp nhận đơn khiếu nại.

Tại Nhật Bản, thành phần Uỷ ban Kỷ cương và Uỷ ban Xử lý kỷ luật của Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản bao gồm: Luật sư, Thẩm phán, Công tố viên và những chuyên gia có kinh nghiệm. Thành phần của Uỷ ban Thẩm tra kỷ cương bao gồm các chuyên gia có kinh nghiệm (không bao gồm Luật sư, Thẩm phán, Công tố viên đương nhiệm và những người có kinh nghiệm làm Luật sư, Thẩm phán, Công tố viên).

Khi một Đoàn Luật sư hoặc Liên đoàn Luật sư Nhật Bản tiến hành kỷ luật Luật sư thì Liên đoàn Luật sư sẽ đưa ra thông báo công khai trên trang báo chí đồng thời cũng sẽ đăng tải bản tóm tắt lý do kỷ luật.Ngoài ra, những người sử dụng hoặc có ý định sử dụng dịch vụ pháp lý của một Luật sư có thể yêu cầu tiết lộ lý lịch về xử lý kỷ luật của Luật sư đó với một số điều kiện nhất định.

Bên cạnh đó, ý kiến đóng góp của các Luật sư đối với việc xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến Luật sư tại Hội thảo cũng mang đến các góc nhìn đa dạng từ thực tiễn hành nghề và hoạt động Luật sư tại Việt Nam hiện nay, như ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Phạm Đức Hùng, Đoàn Luật sư tỉnh Long An; Luật sư Lê Văn Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bình Phước…

Luật sư Nguyễn Hải Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tổng kết Hội thảo, Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, Hội thảo diễn ra không chỉ nhằm mục đích tằng cường nâng cao chất lượng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; mà còn tạo sự thống nhất, đồng thuận giữa các Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam để giải quyết những vụ việc  xử lý kỷ luật đến Luật sư được chính xác, thấu tình hợp lý.

THẾ NGUYỄN - CÔNG THIỆN 

                                                                            

Nguyễn Mỹ Linh