/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Hội thảo giải thích, bình luận Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư kinh nghiệm của Nhật Bản và bài học cho Việt Nam

Hội thảo giải thích, bình luận Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư kinh nghiệm của Nhật Bản và bài học cho Việt Nam

29/10/2024 21:34 |

(LSVN) - Sáng ngày 29/10/2024, tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo: “Giải thích, bình luận Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Kinh nghiệm của Nhật Bản và bài học cho Việt Nam”.

Tham dự tại Hội thảo có Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam; Tiến sĩ, Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật; ông Tsukahara Masanori, Chuyên gia Dự án JICA; cùng sự tham gia của các Luật sư trong Ban Thường vụ Liên đoàn, Hội đồng Luật sư toàn quốc. Tại các điểm cầu, Đoàn Luật sư các tỉnh phía Bắc tham gia trực tuyến.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, ý tưởng về triển khai giải thích Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được triển khai ngay từ khi ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam vào năm 2019. Theo đó, có sự học tập, tham khảo cách làm của Hiệp hội Luật sư Nhật Bản (Nichibenren) khi thực hiện giải thích về quy định đạo đức nghề nghiệp luật sư Nhật Bản; nhưng do đại dịch Covid-19 và nhiều yếu tố khách quan khác cho nên năm 2024, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam mới tiếp tục triển khai công việc này. Tuy vậy, những nội dung về việc học tập, quán triệt Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã được Liên Đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư triển khai trong nhiều năm vừa qua. Qua đó, cũng tạo sự nhận thức thống nhất về Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam và tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Do vậy, nếu ban hành được Cuốn giải thích Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng để Liên Đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ luật sư Việt Nam xây dựng, hoàn thiện những giá trị chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Về định hướng nội dung của buổi hội thảo, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh cho biết tại hội thảo ngày hôm nay, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam sẽ lấy ý kiến đóng góp của các Luật sư đối với dự thảo các nội dung giải thích, hướng dẫn Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam do tổ công tác được Ban Thường vụ Liên đoàn phân công dự thảo. Sau Hội thảo, Tổ soạn thảo văn bản giải thích, hướng dẫn Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam sẽ tổng hợp, nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện sách/văn bản giải thích, hướng dẫn Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trình Thường trực và Ban Thường vụ Liên đoàn để ban hành.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại Hội thảo.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại Hội thảo.

Trong phần trình bày về một số ý kiến bước đầu về biên soạn và xuất bản cuốn sách giải thích Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được sửa đổi, bổ sung và ban hành theo Quyết định số 201/QĐ- HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc, gồm có 06 chương, 32 Quy tắc, đã đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh các hành vi đạo đức và ứng xử cho đội ngũ luật sư Việt Nam. Tuy nhiên, để có sự nhận thức và hiểu một cách đúng đắn, thống nhất tinh thần và nội dung từng Quy tắc, cần có một cuốn sách giải thích cụ thể, làm cơ sở cho việc áp dụng và thực hiện trong thực tế hành nghề của các luật sư”.

Theo Luật sư Nguyễn Minh Tâm, từ tháng 01/2019, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam đã cử một đoàn đại biểu sang trao đổi và làm việc với Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản, trong đó có một nội dung rất quan trọng là tham khảo và học tập kinh nghiệm của Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản về quá trình ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Có thể nói, việc soạn thảo cuốn sách ở Nhật Bản là một quá trình rất công phu (từ năm 2005 đến 2017), thể hiện sự cẩn trọng của Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản, phải qua 03 lần với 03 phiên bản, cuốn sách mới được hoàn chỉnh và trở thành tài liệu chính thức giải thích các điều khoản trong bản Quy định cơ bản về công việc của luật sư Nhật Bản.

Tham khảo kinh nghiệm của Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam đã thành lập một Nhóm biên soạn, gồm một số luật sư có kinh nghiệm hành nghề, đã tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng luật sư về Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, do Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam làm trưởng nhóm, tiến hành soạn thảo cuốn sách giải thích. Đến nay, từng tác giả được phân công đã bước đầu có bản thảo sơ bộ, đang được tiến hành biên tập bảo đảm tính thống nhất của kết cấu, nội dung giải thích... Do cuốn sách được nhiều người tham gia biên soạn nên việc tập hợp biên tập để bảo đảm tính thống nhất về nội dung, cơ cấu, cách trình bày diễn đạt, văn phong… của các chương, các quy tắc, cần phải có thời gian, sự cẩn trọng mới có thể đưa ra hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các luật sư để từng bước hoàn chỉnh.

Phát biểu về một số nội dung giải thích những quy tắc về Quan hệ của Luật sư với khách hàng, Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam đã giải thích một số quy tắc cụ thể trong Chương II Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư về quan hệ với khách hàng. Trong bài phát biểu của mình, Luật sư Nguyễn Hải Nam đã phân tích rõ về như thế nào là “bảo vệ tốt nhất” cho khách hàng và “bảo vệ tốt nhất” bằng cách nào. Theo Luật sư Nam, mục đích của Khách hàng và mục tiêu của Luật sư không được mâu thuẫn nhưng cũng không nhất thiết phải đồng nhất.

Luật sư Lê Cao Long, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo.

Luật sư Lê Cao Long, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo.

Tiếp nối ý kiến của Luật sư Nguyễn Hải Nam, Luật sư Lê Cao Long, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh nêu ý kiến: “Ban soạn thảo nên lưu ý trong giải thích từ ngữ nên viện dẫn những trường hợp luật sư bị kỷ luật cụ thể (giống như án lệ), thì sẽ dễ hiểu và áp dụng trên thực tế”.

Dưới góc nhìn của một Luật sư có kinh nghiệm nhiều năm tham gia giảng dạy môn Đạo đức nghề nghiệp Luật sư tại Học viện Tư pháp, Luật sư Lê Đăng Tùng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: “Ban soạn thảo nên tập trung vào từng chương, những quy tắc khó hiểu, gây hiểu nhầm theo nhiều cách khác nhau (như việc ký hợp đồng dịch vụ pháp lý có hứa thưởng, môi giới khách hàng cho luật sư đồng nghiệp…) để giải thích. Cuốn sách nên giải thích rõ ràng, đầy đủ, có ví dụ minh họa, so sánh với các quy tắc khác trong Bộ Quy tắc”.

Luật sư Lê Đăng Tùng phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Luật sư Lê Đăng Tùng phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Với góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước, bà Dương Thu Phương, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho hay, ở nhiều nước có nền pháp luật tiên tiến trên thế giới như Anh, Mỹ họ xây dựng cuốn sách giải thích và bình luận Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư rất đồ sộ. Tiếp thu kinh nghiệm của các nước, ban soạn thảo nên lưu tâm trong cuốn sách này nên có những phần giải thích gắn với bình luận để luật sư đọc dễ hiểu. Bình luận theo nhóm vấn đề, kết nối các quy tắc theo nhóm đặc biệt là các quy tắc thường xuyên vướng mắc trên thực tế sẽ giúp giải thích và bình luận chuyên sâu hơn.

“Cuốn sách này rất hữu ích cho giới luật sư, các cơ quan quản lý Nhà nước về luật sư, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư trong cả nước", bà Dương Thu Phương nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam góp ý kiến: “Ban soạn thảo nên tập chung trọng điểm vào các quy tắc có cách hiểu khác nhau, luật sư thắc mắc nhiều như về thù lao, quan hệ với khách hàng… Cách giải thích trong sách phải thống nhất, đồng nhất về mặt nhận thức trong các Đoàn Luật sư chuẩn hóa về mặt nhận thức, không nên dàn trải, tránh rũ tung các quy tắc từ dễ hiểu thành khó hiểu”.

Luật sư Trần Văn An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư .

Luật sư Trần Văn An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư .

Luật sư Trần Văn An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư đề xuất ý kiến: “Cuốn sách cần giải thích hết các quy tắc, không bỏ quy tắc nào bởi trong mỗi quy tắc có nhiều quy tắc nhỏ và trong các quy tắc nhỏ có nhiều tiểu mục. Ban soạn thảo giải thích và nên lấy một số vụ kỉ luật luật sư (mã hóa) để làm ví dụ, hạn chế bình luận”.

Đánh giá với vai trò của một người hành nghề lâu năm, Luật sư Lê Thị Tuyết Mai, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: “Trong 05 năm qua, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư có nhiều quy tắc gây xung đột và nhiều cách hiểu khác nhau, rất cần một cuốn sách giải thích đầy đủ, thống nhất. Kinh nghiệm từ việc giải thích của các cơ quan pháp luật cũng cho thấy, chỉ nên dừng ở việc giải thích các quy tắc, quy định chứ không nên bình luận”.

Luật sư Lê Thị Tuyết Mai góp ý tại Hội thảo.

Luật sư Lê Thị Tuyết Mai góp ý tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tsukahara Masanori, Chuyện gia Dự án JICA (Nhật Bản) cho biết: Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản thành lập ủy ban Đạo đức Luật sư để nâng cao hơn nữa chất lượng hành nghề của Luật sư và củng cố niềm tin của công chúng đối với nghề luật sư. Ngoài ra, Liên đoàn còn xây dựng cuốn sổ tay phòng tránh tình trạng Luật sư liên kết với người không phải Luật sư. Nội dung cuốn sổ tay bao gồm những câu hỏi và câu trả lời liên quan đến nội dung Luật Luật sư, hướng dẫn xử lý các sự cố không mong muốn dưới hình thức câu hỏi và câu trả lời (có khoảng 60 cặp câu hỏi và câu trả lời). Đây là những kinh nghiệm quý báu mà chúng tôi muốn giới thiệu với Ban soạn thảo.

Ông Tsukahara Masanori, Chuyện gia Dự án JICA (Nhật Bản).

Ông Tsukahara Masanori, Chuyện gia Dự án JICA (Nhật Bản).

Kết thúc buổi hội thảo, thay mặt ban soạn thảo cuốn sách Giải thích, bình luận  Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam cảm ơn Tổ chức JICA (Nhật Bản), các Luật sư tham gia trực tiếp, trực tuyến Hội thảo đã đóng góp ý kiến cho Tổ soạn thảo.

 “Đây là những ý kiến bổ ích để ban soạn thảo hoàn thiện cuốn sách này. Đa số các ý kiến nêu góp ý cuốn sách nên viết cả phần giải thích và bình luận. Nhiều ý kiến khác góp ý chỉ viết phần giải thích, đặc biệt những Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư hay gây nhầm lẫn thì giải thích kỹ. Tới đây, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tham khảo thêm ý kiến của Bộ Tư Pháp và mong muốn các Luật sư góp ý kiến bằng văn bản gửi về Liên đoàn, để chúng tôi sớm hoàn thiện cuốn sách này. Năm 2025 sẽ xuất bản cuốn sách này để chào mừng 80 năm Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam. Cảm ơn tổ chức JICA và các Luật sư tham gia hội thảo". Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh.

PV

Các tin khác