Ảnh minh họa.
Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã dự liệu một số trường hợp và đưa vào quy định. Quy tắc 9, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam quy định Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng: “Gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư” (Quy tắc 9.2).
Bộ Quy tắc quy định trường hợp cá nhân Luật sư không được nhận tiền, tài sản của khách hàng và không được tác động để người thân có thể được nhận tiền, tài sản của khách hàng khi việc tặng, cho tiền, tài sản đó gắn với việc gợi ý hoặc ép buộc để khách hàng phải tặng cho tiền, tài sản (kể cả dưới hình thức quà tặng).
Gợi ý, đặt điều kiện được ở đây có thể được hiểu là việc Luật sư chủ động có hành vi, cử chỉ, lời nói, yêu cầu trực tiếp hoặc gián tiếp để khách hàng hiểu rằng nếu khách hàng không thỏa mãn bằng cách tặng, cho tiền, tài sản hoặc lợi ích khác cho Luật sư hoặc người thân của Luật sư thì việc cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư có thể bị trở ngại, mức độ, chất lượng, kết quả việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có thể bị hạn chế. Hoặc việc gợi ý đó chỉ đơn giản là sự ám chỉ để khách hàng thấy rằng Luật sư có thể cảm thấy không thỏa mái, thiếu sự hài lòng nếu không có món quà tặng đó… Với tâm lý và kỳ vọng của khách hàng vào Luật sư cũng như tính chất sự phụ thuộc của khách hàng vào hoạt động của Luật sư, khách hàng có thể sẽ phải miễn cưỡng đáp ứng các yêu cầu của Luật sư mà các yêu cầu đó ngoài phạm vi hợp đồng dịch vụ pháp lý. Do đó, các hành vi này bị nghiêm cấm thực hiện theo quy định Bộ Quy tắc.
Ví dụ, trường hợp trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, Luật sư nhiều lần đề cập việc vợ mình thích một món đồ với khách hàng, do đó khách hàng đã phải mua món đồ đó tặng cho vợ Luật sư. Trường hợp này cũng có thể hiểu là Luật sư đã gợi ý để khách hàng tặng cho tài sản cho người thân của mình. Việc Luật sư chủ động nhắc đến việc vợ mình thích món đồ đó nhiều lần, và liên tục đề cập trong buổi trao đổi với khách hàng được coi là một hành vi chủ động gợi ý để khách hàng tặng quà cho.
Tuy nhiên, cũng cần phân biệt việc Luật sư gợi ý, ép buộc để khách hàng tặng quà cho bản thân mình hoặc người thân khác với việc khách hàng chủ động tặng quà. Việc Luật sư gợi ý, ép buộc khách hàng tặng quà, tặng tài sản cho mình hoặc người thân Luật sư được hiểu là giữa luật sư với khách hàng có sự trao đổi thỏa thuận hoặc ngầm trao đổi thỏa thuận việc có quà tặng thì mới có thể thực hiện hoặc không thực hiện công việc, hành vi liên quan đến hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa Luật sư và khách hàng.
Trên thực tế, việc khách hàng chủ động tặng quà cho Luật sư không hiếm gặp, vì ngoài quan hệ Luật sư với tư cách là người cung cấp dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của khách hàng, trong một số trường hợp, giữa Luật sư với khách hàng còn có tình cảm bạn bè thân thiết hoặc có giao lưu trong cuộc sống. Mặt khác, khách hàng cũng thường có tâm lý, thói quen tặng quà cho những người mình yêu quý, tôn trọng, kính trọng trong một số thời điểm. Do đó, việc tặng và nhận quà đôi khi chỉ là thói quen, tình cảm và không gắn với yêu cầu, đòi hỏi liên quan đến công việc của Luật sư.
Đôi khi ranh giới của việc khách hàng chủ động tặng quà với việc có sự gợi ý của Luật sư đôi khi khó phân định. Thậm chí có khi Luật sư rơi vào tình trạng “tình ngay lý gian”, vì khi tặng và nhận quà các bên còn đang thắm thiết tình cảm nhưng sau đó phát sinh mâu thuẫn, bất đồng và khách hàng có thể lấy đây là lý do để khiếu nại Luật sư.
Do đó, câu hỏi đặt ra nếu khách hàng chủ động tặng quà thì Luật nên nhận hay không nên nhận quà tặng từ khách hàng khi Luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng? Theo quan điểm cá nhân tôi, Luật sư cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ trước khi quyết định nhận hay không nhận quà tặng của khách hàng. Đôi khi Luật sư quá cứng nhắc từ chối quà tặng từ khách hàng cũng làm giảm sự tin tưởng của khách hàng với Luật sư, nhưng đôi khi chính việc nhận quà tặng cũng sẽ làm giảm niềm tin của khách hàng với Luật sư hoặc đó sẽ là hành vi vi phạm như Bộ Quy tắc đã quy định.
Do đó, đánh giá thực chất động cơ, mục đích của khách hàng khi tặng quà, giá trị của món quà tặng cũng như bối cảnh khách hàng tặng quà để quyết định có nhận quà tặng của khách hàng hay không. Khi quà tặng có giá trị vật chất không lớn, thể hiện tình cảm, lời cảm ơn, động viên của khách hàng đối với Luật sư, đối với sự hỗ trợ, giúp đỡ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư cho họ thì Luật sư có thể xem xét việc nhận món quà đó. Ngược lại, nếu quà tặng có giá trị vật chất cao, tình cảm, quan hệ giữa khách hàng và Luật sư không thật sự bền chặt; đặc biệt khi tặng quà Khách hàng có những lời nói, cử ý, ám chỉ đến các điều kiện như kết quả vụ việc, công việc Luật sư phải làm… thì Luật sư nên kiên quyết từ chối và giải thích rõ cho khách hàng biết Luật sư cung cấp dịch vụ không căn cứ vào việc được tặng quà hay không được tặng quà.
Pháp luật cũng quy định rõ Luật sư không được nhận tiền, tài sản từ khách hàng khi thực hiện Trợ giúp pháp lý. Mặt khác, về nguyên tắc, mối quan hệ giữa Luật sư và khách hàng là quan hệ cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ, giữa một bên trả thù và một bên cung cấp dịch vụ. Tiền, lợi ích vật chất Luật sư nhận được khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng được thể hiện qua số thù lao mà khách hàng thanh toán cho Luật sư/Tổ chức hành nghề Luật sư khi hai bên ký kết, thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý. Vậy nên việc Luật sư nhận những món quà có giá trị vật chất cao có thể khiến khách hàng hiểu lầm về đạo đức, lối sống của Luật sư, cho dù Luật sư không có gợi ý, ép buộc.
Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam đã nghiêm cấm Luật sư gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho Luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của Luật sư.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam
Luật sư có trách nhiệm giải thích cho khách hàng về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng