/ Nghề Luật sư
/ Hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)'

Hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)'

17/08/2024 08:00 |

(LSVN) - Ngày 16/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Góp ý đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)”.

Chủ tọa buổi Hội thảo Tiến sĩ, Luật sư Hà Hải, Uỷ viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội thảo gồm có: Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thế Phong, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; Tiến sĩ, Luật sư Hà Hải, Uỷ viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; cùng đông đảo các Luật sư, giảng viên và các chuyên gia pháp lý tham dự.  

Tại Hội thảo, các Luật sư, chuyên gia sẽ trao đổi hai chuyên đề đó là tiêu chuẩn đào tạo và tập sự Luật sư và hoạt động tổ chức và quản lý nghề Luật sư.

Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc.

Khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước những hạn chế, bất cập, nhu cầu phát sinh trong thực tiễn cũng như cơ hội cho sự phát triển của nghề luật sư, Bộ Tư pháp đã xây dựng Đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và các Đoàn Luật sư trên cả nước nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động hành nghề luật sư. Tiến sĩ  Lê Trường Sơn hy vọng các Luật sư, chuyên gia sẽ có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý kiến góp ý từ nhiều góc độ khác nhau cho dự thảo Luật Luật sư (sửa đổi). 

Tại hội thảo, Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trình bày một số nội dung cần quan tâm trong đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) về tiêu chuẩn, đào tạo và tập sự luật sư.

Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài nhận định, Đề cương đã đưa ra được một số nội dung sửa đổi có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ các khái niệm và tiêu chuẩn về Luật sư, dịch vụ và kinh doanh dịch vụ pháp lý của Luật sư, nguyên tắc quản lý và nguyên tắc hành nghề luật sư. Tuy nhiên, nhiều vấn đề bất cập liên quan các quy định hành chính, tố tụng thành rào cản, gây khó khăn cho việc các luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, cơ chế đảm bảo cho các luật sư hành nghề với tư cách cá nhân chưa được tháo gỡ và giải quyết một cách triệt để, nội hàm của một số khái niệm chưa được làm rõ về tiêu chuẩn “bản lĩnh chính trị” của Luật sư. 

Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Cũng tại hội thảo, Luật sư Hoài góp ý Đề cương cần tính đến việc tăng cường khả năng cho người dân tiếp cận với công lý, xác định rõ phạm vi nội dung quản lý Nhà nước bảo đảm không làm thay công việc của tổ chức xã hội-nghề nghiệp luật sư, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động hành nghề luật sư. Đồng thời phải bảo đảm các thiết chế và thủ tục quản lý phải theo hướng giảm bớt sự rườm rà, nhiều tầng nấc quan liêu, làm bất lợi cho vai trò tự quản và hoạt động của tổ chức xã hội-nghề nghiệp luật sư. Việc xác định vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của Luật sư nhằm thực hiện chức năng xã hội và chức năng tố tụng tư pháp cần được đánh giá và xem xét lại một cách căn bản cả về mặt lý luận và thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất tháo gỡ các thủ tục hành chính đang cản ngại luật sư khi tham gia tố tụng hình sự.

Luật sư Nguyễn Thế Phong, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, bản lĩnh chính trị của một cá nhân là năng lực phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài mới hình thành, thể hiện rõ. Và tiêu chuẩn bản lĩnh chính trị phù hợp với việc đánh giá để cơ cấu nhân sự vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư. Vì vậy, “tiêu chuẩn luật sư” cần giữ nguyên như Điều 10 Luật Luật sư hiện hành. 

Luật sư Nguyễn Thế Phong, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Về việc miễn đào tạo nghề luật sư, theo Luật sư Phong, không nên quy định việc miễn đào tạo nghề luật sư mà chỉ quy định về cơ chế đào tạo nghề luật sư rút ngắn chương trình (khoảng 03 tháng) cho một số chức danh tư pháp nhất định hoặc học hàm, học vị cao trong ngành luật như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên,… Về miễn thời gian tập sự, tán thành chỉ miễn thời gian tập sự đối với: Giáo sư, Phó Giáo sư luật, Tiến sĩ luật; Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên trung cấp trở lên, Chuyên viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật hoặc các chức danh tương đương trong ngành Thi hành án dân sự, Thanh tra nhà nước nhưng phải có thời gian đảm nhiệm chức danh ít nhất 5 năm. Đồng thời, việc giảm thời gian tập sự chỉ ở mức 1/3. Không nên phân chia và áp dụng giảm 2/3 thời gian tập sự như một số trường hợp hiện nay. Ngoài ra, Luật sư còn góp ý về chế định tập sự hành nghề luật sư, về việc cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, hình thức tổ chức hành nghề luật sư, hình thức hợp đồng dịch vụ pháp lý, thù lao Luật sư, cơ cấu tổ chức đối với Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. 

Quang cảnh buổi hội thảo.

Theo Luật sư Hà Hải, về phạm vi của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, Điều 70 Luật Luật sư 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 quy định về phạm vi hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài: “Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, không được cử Luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam, được cử Luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam". Có thể thấy, quy định của Luật Luật sư hiện hành mới chỉ quy định theo hướng khái quát, chưa quy định rõ về phạm vi thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật, các dịch vụ pháp lý khác của một tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài bao gồm các hoạt động pháp lý nào. Việc định nghĩa các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam tại Điều 70 Luật Luật sư 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 cũng chưa được hướng dẫn cụ thể. Hiện tại, Đề Cương vẫn theo hướng kế thừa các quy định của Luật Luật sư hiện hành mà chưa đưa ra được quy định cụ thể nhằm khắc phục vấn đề này. Bên cạnh đó, trong Luật hiện hành và Đề Cương quy định tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cử Luật sư Việt Nam trong tổ chức mình tham gia tư vấn pháp luật Việt Nam nhưng lại không có quy định cụ thể về việc một tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài có được trực tiếp tư vấn pháp luật Việt Nam hay không? Hậu quả của việc tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tư vấn pháp luật Việt Nam nếu có sai phạm như thế nào. 

Luật sư Hà Hải đề xuất Đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các hoạt động hành nghề mà một tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được phép tham gia tại Việt Nam. Đồng thời, cần phải quy định rõ việc một tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài không được phép tham gia tư vấn pháp luật Việt Nam để tránh các hậu quả không đáng có và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các đại biểu, khách mời chụp hình lưu niệm.

Chia sẻ một số vấn đề về dịch vụ pháp lý của Luật sư ở Việt Nam, nhóm tác giả Nguyễn Văn Trí và Huỳnh Thị Hồng Nhiên, Trường Đại học Luật TP. HCM, cho rằng nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý của Luật sư từ khách hàng đang không ngừng tăng lên và trở thành nhu cầu khách quan, tất yếu trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Ở Việt Nam, dịch vụ pháp lý có thuộc độc quyền của Luật sư hay không? Vấn đề này chưa được quy định rõ trong Luật Luật sư hiện hành và được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau, trong đó, Luật sư là chủ thể hành nghề luật chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Vì thế, cần thiết phải tiêu chuẩn hóa và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ Luật sư – người cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, đảm bảo phúc đáp yêu cầu của đời sống xã hội.

Tại hội thảo, các chuyên gia, Luật sư đã dành nhiều thời gian trao đổi, góp ý chi tiết các vấn đề còn hạn chế của Đề cương góp phần xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) được hoàn thiện hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của nghề luật sư.

Bế mạc hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tổng kết lại các ý kiến góp ý.

Luật sư Trung cho biết, đây mới là dự kiến Đề cương chi tiết Luật Luật sư, khi có đề cương chính thức, Đoàn Luật sư sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo để tiếp tục góp ý.

HỒNG NHÍ

 

Trần Văn Duẩn