/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Hợp đồng cộng tác viên và hợp đồng dịch vụ với cá nhân dưới góc nhìn pháp lý

Hợp đồng cộng tác viên và hợp đồng dịch vụ với cá nhân dưới góc nhìn pháp lý

06/03/2024 06:43 |

(LSVN) - Sau đây là một số phân tích của tác giả về Hợp đồng CTV và Hợp đồng DV với cá nhân – những loại Hợp đồng hay phát sinh trên thực tế (bên cạnh HĐLĐ) nhằm đóng góp thêm một góc nhìn pháp lý về các loại hợp đồng này cho các doanh nghiệp và các cá nhân tham gia vào các loại hợp đồng này.

Ảnh minh họa.

Khi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng với cá nhân, bên cạnh Hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì trên thực tế có phát sinh một số loại hợp đồng khác, như: Hợp đồng cộng tác viên (Hợp đồng CTV), Hợp đồng dịch vụ (Hợp đồng DV).

Hợp đồng CTV

Hợp đồng CTV thường được doanh nghiệp vận dụng trong trường hợp muốn thuê cá nhân thực hiện các công việc “bán thời gian” và mang tính chất “thời vụ” như: PG, thực hiện các hoạt động khuyến mại hàng hoá, giới thiệu sản phẩm…

Có một câu hỏi đặt ra là các cộng tác viên (CTV) ký kết Hợp đồng CTV với các doanh nghiệp có phải là người lao động (NLĐ) của doanh nghiệp không?

Đương nhiên, trên thực tế, CTV sẽ không được coi là NLĐ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn từ Bộ luật Lao động 2019 (đã có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021), trường hợp Hợp đồng CTV thể hiện về việc làm có trả công và sự quản lý, điều hành, giám sát của doanh nghiệp thì được coi là HĐLĐ. Mà về cơ bản thì CTV được trả công và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của doanh nghiệp. Nên có thể nói, về cơ bản, theo Bộ luật Lao động 2019, CTV chính là NLĐ của doanh nghiệp. Có điều, CTV thường KHÔNG làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường theo Nội quy lao động của doanh nghiệp. 

Như vậy, về cơ bản, theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, Hợp đồng CTV trong trường hợp này là HĐLĐ xác định thời hạn.

Ví dụ như: một công ty muốn thuê 04 người làm PG theo ca 04 tiếng/ngày tại cửa hàng của Công ty theo sự phân công của Công ty, thực hiện các công việc theo yêu cầu của Công ty, có quản lý giám sát và được trả công. Trong trường hợp này, cần hiểu rằng hợp đồng giữa cá nhân và Công ty là HĐLĐ, dù hai bên có đặt tên là Hợp đồng CTV hay một tên gọi nào khác.

Hợp đồng DV với cá nhân

Theo quy định pháp luật hiện hành, cá nhân cung cấp dịch vụ được chia làm hai loại:

Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (Trong trường hợp này, cá nhân được coi là “Thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại 2005).

Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh (Trong trường hợp này, cá nhân không được coi là “Thương nhân”, mà được gọi là “Cá nhân hoạt động thương mại” theo quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16/03/2007 của Chính phủ về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh). Trong đó, Cá nhân hoạt động thương mại bao gồm các trường hợp như: Người buôn bán rong không có địa điểm cố định, bán quà vặt, đánh giày, bán vé số, chữa khoá, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc… Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh (Sau đây gọi chung là “Dịch Vụ Không Phải Đăng Ký Kinh Doanh”), trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Như vậy, Hợp đồng DV với cá nhân có đăng ký kinh doanh thực chất là Hợp đồng DV với đơn vị mà cá nhân đó làm chủ (như: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc hộ kinh doanh). Còn Hợp đồng DV với cá nhân không đăng ký kinh doanh có thể gây nhầm lẫn với HĐLĐ. Tuy nhiên, Hợp đồng DV với cá nhân không đăng ký kinh doanh và HĐLĐ có thể phân biệt nhờ các đặc điểm sau đây:

Như vậy, trước khi doanh nghiệp quyết định ký kết Hợp đồng DV với cá nhân không đăng ký kinh doanh thì cần xem xét các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, dịch vụ cung cấp có thuộc các loại Dịch Vụ Không Phải Đăng Ký Kinh Doanh (như đã nêu trên) hoặc có thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện? Trường hợp cá nhân cung cấp các dịch vụ không thuộc các Dịch Vụ Không Phải Đăng Ký Kinh Doanh hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cá nhân cần có đăng ký kinh doanh. Tức là, thực chất, trong trường hợp này, Hợp đồng DV được ký kết với đơn vị mà cá nhân làm chủ (như đã nêu trên).

Thứ hai, trong hợp đồng có sự trả công và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên không? Nếu câu trả lời là “Có” thì loại hợp đồng cần ký kết dưới góc độ pháp lý là HĐLĐ.

Ví dụ như: Công ty muốn ký hợp đồng dịch vụ với một cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn thị trường với phí dịch vụ khá cao. Mặc dù dịch vụ tư vấn thị trường không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng cũng không thuộc Dịch Vụ Không Phải Đăng Ký Kinh Doanh đã nêu trên. Như vậy, dưới góc độ pháp lý, khi công ty muốn ký kết Hợp đồng DV với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn thị trường này thì công ty có một số lựa chọn, như:

Lựa chọn thứ nhất: cá nhân cần có đăng ký kinh doanh. Và công ty sẽ ký Hợp đồng DV với đơn vị mà cá nhân làm chủ. Trường hợp này sẽ không có sự trả công và sự quản lý, điều hành và giám sát của Công ty.

Lựa chọn thứ hai: ký HĐLĐ. Trường hợp này sẽ có sự trả công và sự quản lý, điều hành và giám sát của Công ty.

Trên đây là một số phân tích về Hợp đồng CTV và Hợp đồng DV với cá nhân – những loại Hợp đồng hay phát sinh trên thực tế (bên cạnh HĐLĐ) nhằm đóng góp thêm một góc nhìn pháp lý về các loại hợp đồng này cho các doanh nghiệp và các cá nhân tham gia vào các loại hợp đồng này.

Luật sư ĐẶNG QUANG MINH

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Bàn về hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã

Nguyễn Hoàng Lâm