Ảnh minh họa.
Các công việc hỗ trợ, phục vụ thực hiện hợp đồng
Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được ký kết hợp đồng để thực hiện các công việc hỗ trợ, phục vụ sau:
- Lái xe, bảo vệ.
- Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
- Công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
Loại hợp đồng được sử dụng
Hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng lao động, trong đó, ưu tiên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định 111.
Trường hợp không có đơn vị cung cấp dịch vụ đáp ứng được yêu cầu (không có hoặc không bảo đảm theo yêu cầu hoặc không thỏa thuận được nội dung) thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng lao động với cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 111 để thực hiện công việc trên.
Số lượng lao động hợp đồng, thẩm quyền ký kết hợp đồng
Về số lượng lao động hợp đồng, đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 31), đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4): Số lượng lao động hợp đồng hỗ trợ, phục vụ được xác định tại Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 21/3/2023 của UBND Thành phố2). Trường hợp chưa có đề án vị trí việc làm nêu trên thì số lượng lao động hợp đồng hỗ trợ, phục vụ sẽ do UBND Thành phố tạm giao, làm căn cứ bố trí kinh phí theo quy định.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2): Số lượng lao động hợp đồng do đơn vị tự quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng nhân lực, khả năng chi trả của đơn vị và Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp đơn vị chưa có đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc có khó khăn vướng mắc, giao Sở Nội vụ có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp.
Về thẩm quyền ký kết hợp đồng, đối với cơ quan hành chính: Giám đốc sở và tương đương, chi cục trưởng và tương đương, chủ tịch UBND cấp huyện là người có thẩm quyền ký hợp đồng và quyết định số lượng hợp đồng hoặc có thể phân cấp, ủy quyền bằng văn bản cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc hoặc trực thuộc thực hiện.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là người có thẩm quyền ký hợp đồng. Trường hợp không trực tiếp ký hợp đồng thì có thể ủy quyền bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị thuộc hoặc trực thuộc thực hiện.
Quyền lợi của người lao động
Người lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ được hưởng tiền lương và các chế độ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động ký kết với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Tiền lương trong hợp đồng lao động được lựa chọn một trong hai hình thức:
- Một là áp dụng mức tiền lương theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật lao động. Trường hợp này, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (người sử dụng lao động) có trách nhiệm nghiên cứu, thực hiện theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm Bộ luật Lao động, Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội3 (hướng dẫn về mức lương theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động; phụ cấp lương; chế độ nâng bậc, nâng lương...).
- Hai là áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp này, các loại phụ cấp được hưởng (nếu có) được tính vào tiền lương của người lao động; chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến tiền lương thực hiện như công chức, viên chức.
Ngoài ra, người lao động được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Các trường hợp cần lưu ý khi tổ chức triển khai
Người đang thực hiện các công việc hỗ trợ, phục vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 111 nếu chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động theo quy định của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP4 và cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không ký hợp đồng dịch vụ thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định 111 có hiệu lực5, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải chuyển sang ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định 111 với người lao động (trừ trường hợp người lao động còn dưới 24 tháng đến thời điểm nghỉ hưu tính từ ngày Nghị định 111 có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện công việc và chế độ, chính sách đang hưởng mà không phải ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định này). Hợp đồng lao động ký kết phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp về tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp một trong các bên không có nhu cầu thì giải quyết chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp ký kết hợp đồng dịch vụ, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ ưu tiên ký kết hợp đồng với người đang ký hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP6 và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP , bảo đảm chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ khác mà người lao động đang được hưởng. Trường hợp người lao động không có nhu cầu tiếp tục ký hợp đồng thì giải quyết chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật.
Lái xe phục vụ chức vụ, chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên hoặc người đã được tuyển vào biên chế trước ngày Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ có hiệu lực7 và đang làm các công việc quy định tại Điều 4 của Nghị định 111 thì không chuyển sang thực hiện chế độ hợp đồng.
THU HƯƠNG
Dấu hiệu nhận diện và biện pháp phòng tránh lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online