/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Khi tham gia phiên tòa, Luật sư phải mặc trang phục theo quy định

Khi tham gia phiên tòa, Luật sư phải mặc trang phục theo quy định

29/11/2022 02:00 |

(LSVN) - Tôi hiện là nguyên đơn trong 03 vụ án dân sự. Nhiều lần, tôi yêu cầu Luật sư của mình khi tham gia những phiên tòa xét xử các vụ án này phải mặc bộ đồ veston trắng, áo sơ mi đen, thắt cà vạt màu đen, đeo huy hiệu của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (viết tắt là Liên đoàn) vì tôi muốn Luật sư của tôi có những khác biệt, tạo điểm nhấn tại Tòa án so với các Luật sư của bị đơn. Việc này, theo tôi không trái với Nội quy phiên tòa vì đó cũng là trang phục nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, Luật sư của tôi không đồng ý và lần nào tham gia phiên tòa xét xử các vụ án này, Luật sư đều mặc trang phục giống những Luật sư của bị đơn mặc (áo veston đen, quần âu đen, áo sơ mi trắng, cà vạt màu xám lông chuột và đeo huy hiệu của Liên đoàn). Luật sư của tôi nói rằng nếu không mặc trang phục như vậy là vi phạm quy định của Liên đoàn, có thể bị xử lý kỷ luật. Vậy, Luật sư của tôi nói như vậy có đúng không, hay chỉ là “máy móc” và muốn “quan trọng hóa vấn đề”? Bạn đọc T.T.H. hỏi.

Ảnh minh họa.

Trang phục mà Luật sư của bạn và những Luật sư của bị đơn đã mặc khi tham gia phiên tòa như bạn nêu trên là trang phục Luật sư phải mặc khi tham gia phiên tòa, đã được quy định tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐLSTQ ngày 27/02/2011 của Hội đồng Luật sư toàn quốc, đến nay vẫn còn hiệu lực. Theo đó, kể từ ngày 10/10/2011, khi tham gia phiên tòa, các Luật sư (nam và nữ) bắt buộc phải mặc trang phục thống nhất là áo veston và quần âu màu đen, áo sơ mi trắng, cà vạt màu xám lông chuột do Liên đoàn may thống nhất, đeo huy hiệu có hình biểu tượng logo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam bên ngực trái áo trang phục, riêng mùa hè thì có thể không cần mặc áo veston).

Việc Luật sư tham gia phiên tòa phải mặc trang phục theo quy định của Liên đoàn cũng đã được quy định tại khoản 1 Điều 32 của Điều lệ Liên đoàn năm 2015 (Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt) và sau đó, được quy định tại khoản 1 Điều 34 của Điều lệ Liên đoàn năm 2021, Thủ tướng phê duyệt, có hiệu lực kể từ ngày 19/7/2022 (viết tắt là Điều lệ).

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam năm 2019, ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ- HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc (viết tắt là Bộ Quy tắc) quy định Luật sư không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp (Quy tắc 2) và có nghĩa vụ chấp hành Điều lệ, nghị quyết, quyết định, quy định, quy chế, nội quy của Liên đoàn, Đoàn Luật sư (Quy tắc 25.1).

Theo khoản 1 Điều 42 của Điều lệ thì Luật sư vi phạm pháp luật Luật sư, Điều lệ, Nội quy Đoàn Luật sư, Bộ Quy tắc và quy định khác của Liên đoàn, Đoàn Luật sư thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức kỷ luật quy định tại khoản 1 Điều này. Bên cạnh đó, theo Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật (ban hành kèm theo Quyết định số 203/QĐ- HĐLSTQ ngày 19/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc) thì Luật sư có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức bị xử lý kỷ luật thì Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có thể nhắc nhở bằng văn bản hoặc bằng những biện pháp phù hợp khác mà không nhất thiết phải xem xét xử lý kỷ luật.

Do đó, Luật sư của bạn nói rằng khi tham gia phiên tòa, nếu Luật sư không mặc trang phục Luật sư như trên là vi phạm quy định của Liên đoàn, có thể bị xử lý kỷ luật là đúng. Cũng do đó, khi tham gia phiên tòa, Luật sư của bạn mặc trang phục Luật sư theo quy định của Liên đoàn, mà không mặc trang phục như bạn yêu cầu thì Luật sư đó không phải là người “máy móc”, không phải là “quan trọng hóa vấn đề”, mà họ đã thực hiện đúng một trong những nguyên tắc hành nghề Luật sư, đó là: “Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”, được quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012.

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM

Phó Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam