Vụ kiện đòi nhà đất tại Lâm Đồng: Khi Tòa không tôn trọng sự thật khách quan

28/07/2022 09:03 | 1 năm trước

(LSVN) - Tranh chấp nhà đất, một bên hầu như chỉ "nói vo" lại được Tòa luôn "gật"; trong khi bên kia, có những giấy tờ, sổ đỏ thì Tòa "lắc"... Như vậy, phải chăng những người "cầm cân" đã không tôn trọng sự thật khách quan?

Ngôi nhà và mảnh đất tranh chấp.

Nguồn gốc ngôi nhà và khởi kiện

Ngày 30/6/1991, vợ chồng ông Nguyễn Văn Mẽ (đã mất) viết giấy bán cho ông Nguyễn Thới (trong giấy ghi thêm tên em ruột ông Thới là ông Hùng) 02 căn nhà gỗ nhỏ và “sang nhượng thành quả lao động” trên lô đất rộng gần 8.100m2 tại thôn An Hiệp, xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng), với giá 20 lượng vàng 24k. Năm 1995, ông Thới được cấp sổ đỏ. Kể từ ngày mua bán cũng như được cấp sổ không ai tranh chấp, mãi 27 năm sau (2018), 01 phụ nữ từ Mĩ về Việt Nam khởi kiện. Đó là bà Nguyễn Thị Diệu, nguyên đơn là bà Diệu cho rằng, bất động sản trên do bà bỏ tiền ra mua và nhờ cháu họ (con em trai bà), là anh em ông Thới đứng tên giùm.

Cũng theo bà Diệu, tháng 06/1991, bà về nước trực tiếp giao dịch, trả 20 lượng vàng 4 số 9 cho vợ chồng ông Mẽ. Nhận chuyển nhượng xong bà giao toàn bộ nhà, đất cho anh em ông Thới rồi trở lại Mĩ và còn gửi tiền về xây ngôi nhà như hiện nay. Năm 1995, ông Thới được cấp sổ đỏ có điện báo cho bà biết. Thời gian sau, khi bà về nước ông Thới đưa sổ và bà cất vào tủ, không mang sang Mĩ. Năm 2004, anh em ông Thới tự ý lấy sổ thế chấp ngân hàng vay 200 triệu. Thế nhưng, do chăn nuôi không hiệu quả, "đến hạn không trả được nên bị phát mãi". Vì vậy, "tôi phải nhờ cháu tôi là Lê Thị Tuyết Ngọc (ở TP. Thủ Đức) bỏ tiền ra trả, lấy sổ đỏ về giao cho Ngọc giữ". Năm 2017, sau khi báo mất sổ, ông Thới được cấp sổ mới, bà phát hiện nên đưa đơn kiện.

Tòa trọng cung hơn trong chứng?

Giấy mua bán ghi rõ vợ chồng ông Mẽ nhận 20 lượng vàng 24k, từ ông Thới, không phải vàng 4 số 9 như bà Diệu nói.

Để chứng minh nhà đất của mình, bà Diệu hầu như không đưa ra được bằng chứng nào. Ngay cả phiên hòa giải tại xã, trong đơn khởi kiện và bản tự khai bà không ghi được chính xác họ tên người bán nhà và không nói mua giá bao nhiêu, bằng tiền mặt hay bằng vàng, cũng như thời điểm mua lúc thì từ 1991, khi lại tháng 7/1990...

Chứng cứ duy nhất bà Diệu có là giấy "cam kết chuyển quyền sử dụng đất", do anh em ông Thới kí ngày 19/9/2003: "Ngôi nhà hoàn toàn là tiền của cô tôi mua nay tôi chuyển quyền sử dụng cho cô tôi. Tôi không có quyền buôn bán, thế chấp". Tuy nhiên, thời gian lập giấy bà Diệu cũng bất nhất: Lúc, giấy viết trước thời điểm được cấp sổ, năm 1995; khi, sau ngày bà Ngọc đưa tiền nộp ngân hàng để lấy sổ thế chấp ra, tức tháng 4/2004...

Phản bác, ông Thới khẳng định, việc vay 200 triệu là để cho em ông (ông Hùng) và ông viết giấy cam kết không phải sang nhượng cho bà Diệu (nên ghi chung chung, không rõ cô nào) mà viết để ông Hùng "không còn dòm ngó khối tài sản này, luôn đòi thế chấp"... Hơn thế, bà Diệu bảo, bà trực tiếp giao dịch và đưa 20 lượng vàng 4 số 9 cho vợ chồng ông Mẽ, trong khi thời đó chưa có thương hiệu vàng này, đồng thời trên giấy sang nhượng nhà (có xác nhận của trưởng thôn và UBND xã) lại ghi là vàng 24k. Hơn thế, điều quan trọng nhất: Khi vợ chồng ông Công - bà Ngọc (người môi giới và dẫn ông Thới đi mua đất) cam đoan: Không hề biết bà Diệu là ai. Khi mua bán chỉ có mình ông Thới và ông Thới trả 20 lượng vàng 24k cho ông Mẽ!

Về nguồn gốc vàng, ông Thới quả quyết: Bà nội ông (cụ Trần Thị Liệu, đã mất) cho cháu đích tôn, là ông, 18 lượng. Năm 1985, khi từ quê Quảng Ngãi vào Lâm Đồng lập nghiệp ông gửi vàng cho cô là Nguyễn Thị Hòa giữ (bà Hòa xác nhận việc này). Sau khi đi làm kiếm thêm tiền, ông được vợ chồng ông Công giới thiệu, dẫn đến ông Mẽ mua nhà... 

Với chứng cứ mỗi bên như thế, không hiểu sao Tòa lại nghiêng hẳn về bà Diệu để bác ông Thới, với suy diễn: Gia đình bà Liễu nghèo thì lấy đâu ra 18 lượng vàng 24k cho cháu! Đồng thời, Tòa cũng không làm rõ bà Diệu mang vàng "4 số 9" nhập cảnh Việt Nam như thế nào, bà gửi tiền về xây nhà ra sao, bằng đường bưu điện hay nhờ người thân? Tương tự, bà Diệu từ Sài Gòn lên Lâm Đồng trực tiếp mua nhà, trả vàng thì tại sao bà phải "điều" anh em ông Thới vượt gần 300 km xuống Thủ Đức nhận vàng (song chỉ nhận "khoảng 12 lượng", khi bà đang ở Mĩ)... và...

Luật sư phía bị đơn cho rằng, việc xử cho nguyên đơn thắng, chủ yếu dựa vào những lời khai bất nhất, mâu thuẫn của bà Diệu và các nhân chứng là hết sức khiên cưỡng, thiếu thuyết phục. Hơn thế, trong hồ sơ vụ án còn những tài liệu có dấu hiệu tạo dựng, khá rõ ràng, cũng bị "ngó lơ" không xem xét...

Rất cần kháng nghị giám đốc thẩm

Điều đáng nói nữa, tại phiên phúc thẩm ngày 30/3/2022, theo bà Thu (vợ ông Thới, người được chồng ủy quyền) do có triệu chứng Covid-19 phải đi test nhanh nên bà xin hoãn. Thế nhưng, ngay trong buổi sáng 30/3, Tòa không chấp nhận mà tức thì ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm (do vắng mặt lần 2, không có lí do chính đáng, và như thế, đương nhiên án sơ thẩm có hiệu lực), bất chấp Luật sư xin khất đến chiều sẽ cung cấp kết quả xét nghiệm.

"Đầu giờ chiều khi Luật sư của tôi mang đơn kèm kết quả xét nghiệm nộp cho Thư kí và văn thư song không ai nhận. Họ bảo, đã có quyết định đình chỉ rồi. Thế là, thêm lần nữa tôi rơi vào tuyệt vọng", bà Thu bức xúc.

Quyết định đình chỉ được ra ngay trong buổi sáng, không đợi hết giờ hành chính buổi chiều nếu bà Thu không nộp được kết quả xét nghiệm thì mới ban hành!

Theo chúng tôi, việc bà Thu dương tính không tham dự Tòa thuộc trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan. Vì vậy, không thể khẳng định bà "vắng mặt không lí do, xem như từ bỏ quyền kháng cáo" để tước bỏ quyền tham gia tranh tụng, bảo vệ quyền lợi của mình tại Tòa!...

Kết quả xét nghiệm dương tính của bà Thu ngày 30/3/2022.

Thiết nghĩ, những nhận định khiên cưỡng, thiên lệch và việc bỏ qua không làm rõ nhiều tình tiết mà đã vội tuyên ở phiên sơ thẩm cũng như việc nhanh chóng đình chỉ xét xử ở phiên phúc thẩm là những bất thường, khó hiểu. Vì thế, rất cần cấp có thẩm quyền ra kháng nghị giám đốc thẩm. Từ đó, hủy án sơ thẩm và quyết định đình chỉ phúc thẩm để xét xử lại, nhằm có những phán quyết công bằng, khách quan, đúng luật.

Để kết thúc bài viết, xin dẫn lời một lãnh đạo TAND tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận: "Nó (Thẩm phán phiên sơ thẩm) xử sai rồi. Sáng nay tôi kêu nó lên báo cáo tại sao lại xử thế?", trích băng ghi âm gia đình bị đơn cung cấp.

LẼ HỮU -  HỒNG KỲ

TP. Phan Thiết, Bình Thuận: Những dấu hiệu oan sai trong vụ án ‘Cưỡng đoạt tài sản’