/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Khó khăn trong việc giám sát, quản lý và theo dõi bị cáo tại ngoại khi được hoãn thi hành án phạt tù

Khó khăn trong việc giám sát, quản lý và theo dõi bị cáo tại ngoại khi được hoãn thi hành án phạt tù

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Hoãn chấp hành hình phạt tù được hiểu là tạm thời chuyển thời gian chấp hành hình phạt tù của người bị kết án tù qua một thời điểm muộn hơn, chế định hoãn chấp hành hình phạt tù trong pháp luật hình sự Việt Nam là nhằm thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong việc áp dụng pháp luật, ngoài ra còn hướng đến bảo vệ quyền con người một cách triệt để và tối đa cho người bị kết án và cả chính những người thân của họ.

Ảnh minh họa.

Ví dụ, trong trường hợp người bị kết án bị bệnh nặng, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, lao động chính duy nhất trong gia đình,… việc thi hành án phạt tù sẽ kéo theo hậu quả là họ sẽ phải thi hành án tại trại giam và sẽ không được tiếp tục lao động, chu cấp kinh tế cho gia đình hay nuôi dưỡng con cái, cha mẹ, người thân khác được trong suốt thời gian chấp hành án. Như vậy, việc chấp hành án phạt tù sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến nhân thân, sức khỏe của chính người bị kết án; không những thế việc thi hành án này phần nào đó cũng sẽ có tác động lớn đến những người thân, hoàn cảnh gia đình.

Tuy nhiên, cũng chính vì chính sách hình sự của pháp luật Việt Nam mà cụ thể Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định “Hoãn chấp hành hình phạt tù” mà không ít bị cáo khi tuyên án đang được tại ngoại đã “lợi dụng” những quy định tại Điều 67 BLHS để được hoãn thi hành án phạt tù. Khi bị cáo bị kết án phạt tù đang được tại ngoại vì chưa muốn chấp hành án nên sẽ cố tình đưa ra nhiều lý do để được hoãn chấp hành án phạt tù. Cụ thể khoản 1 Điều 67 BLHS quy định như sau:

1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe phục hồi;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 1 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm;

Trường hợp thứ nhất: Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục

Theo điểm a Mục 7.1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “Bệnh nặng” được hiểu là: Người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh. Ví dụ: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu,…

- Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.

- Thời hạn hoãn: Theo điểm a Mục 7.3 Nghị quyết 01 thì: “Người bị xử phạt tù bị bệnh nặng được hoãn chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục”. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây đó là cho đến hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là “sức khỏe được hồi phục”“Cơ quan nào kết luận đánh giá về sức khỏe phục hồi và phục hồi như thế nào, ở mức độ bao nhiêu phần trăm” thì phải đi chấp hành án, thực tiễn từ trước đến nay pháp luật chỉ có kết luận giám định tỷ lệ thương tật chứ chưa có kết luận giám định về sức khỏe phục hồi, điều này sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng và xem xét về thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù cho người bị bệnh nặng.

Mặt khác, đối với những bị cáo vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn để lên bệnh viện tỉnh nằm chữa bệnh và có kết luận của bệnh viện tỉnh cũng rất khó khăn hoặc chỉ dựa vào kết luận của bệnh viện cấp tỉnh thì đã đủ khách quan hay chưa, việc không quy định rõ ràng về điều kiện trên cũng sẽ dẫn đến trường hợp sức khỏe của người bị kết án đã được hồi phục nhưng cố tình chây ỳ không đi chấp hành án, làm cho bản án của Tòa án không được tôn trọng và thực thi.

Trường hợp thứ 2:Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi

Điều kiện này được hiểu cụ thể theo hướng dẫn tại điểm b Mục 7.1 Nghị quyết số 01 như sau: “Là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không phân biệt là con đẻ hay con nuôi), nếu họ bị xử phạt tù lần đầu.”

Thời hạn hoãn: Hiện nay, có 03 quan điểm khác nhau về việc áp dụng điều kiện này:

- Thứ nhất: Quy định cho phép phụ nữ bị xử phạt tù được phép hoãn chấp hành hình phạt tù từ lúc có thai đến lúc con của họ được 36 tháng tuổi;

- Thứ hai: Ngược với quan điểm trên, quan điểm này cho rằng, cần tách 02 nội dung “có thai” và “nuôi con dưới 36 tháng tuổi” riêng biệt để hiểu được quy định này một cách công bằng. Trong thực tiễn, có trường hợp người phụ nữ bị xử phạt tù lúc đầu có thai, song sau đó vì lý do nào đó bị sảy thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng đột nhiên con chết. Chính vì vậy, nếu theo quan điểm thứ nhất thì thiếu tính chặt chẽ, thiếu công bằng, người phạm tội lẫn trách nhiệm chịu hình phạt tù trong khi họ có điều kiện chấp hành hình phạt tù.

- Thứ ba: Vẫn áp dụng như quan điểm thứ nhất nhưng Tòa án cần cho phép hoãn chấp hành hình phạt tù nhưng cho hoãn trong từng khoảng thời gian nhất định khi mang thai hoặc từng năm một cho đến khi con của người bị kết án đủ 36 tháng tuổi để tiện theo dõi, quản lý công tác thi hành án phạt tù (trường hợp này vẫn khắc phục được những vướng mắc như quan điểm thứ hai đã nêu).

Không chỉ trường hợp thứ nhất mà ngay cả trường hợp thứ hai (điểm b, khoản 1 Điều 67 BLHS) việc cố tình để được hoãn chấp hành án cũng đã xảy ra. Cụ thể hai vụ án như sau:

Vụ án thứ nhất: Năm 2015 Tòa án quân sự Quân khu X xét xử một vụ án về“Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả” quy định tại Điều 180 BLHS 1999 trong vụ án bị cáo Vũ Thị Y bị HĐXX áp dụng khoản 3 Điều 180 BLHS xử phạt bị cáo Y là 06 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày đi thi hành án.

Tuy nhiên, bị cáo Y đã có thai và được Chánh án Tòa quân sự Quân khu X ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù đối với bị cáo Y cho đến khi con bị cáo Y đủ 36 tháng tuổi, nhưng trường hợp bị cáo Y con chưa đủ 36 tháng tuổi thì bị cáo Y lại tiếp tục có thai và theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 61 BLHS 1999 thì bị cáo tiếp tục được hoãn chấp hành án và đến nay bị cáo Y vẫn chưa chấp hành án.

Vụ án thứ hai: Năm 2018, Tòa án quân sự Khu vực Y, Quân khu X xét xử bị cáo Nguyễn Thị H phạm tội đánh bạc quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS 2015 xử phạt bị cáo H 12 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày đi thi hành án. Tuy nhiên, trường hợp này bị cáo H là con một sống cùng với bố, lao động chính trong gia đình, bố bị cáo ốm đau hay nằm viện. Khi có đơn xin hoãn chấp hành án cùng với đầy đủ các giấy tờ có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền thì Chánh án Tòa quân sự Khu vực Y ra quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù với thời hạn 01 năm đối với bị cáo H. Trong thời gian 01 năm hoãn thi hành án phạt tù bị cáo H có thai và có kết luận của bệnh viện thành phố M, sau khi xem xét kết luận của bệnh viện thành phố M cùng đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù lần hai của bị cáo H, Chánh án Tòa án quân sự Khu vực Y ra quyết định hoãn thi hành án phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Thị H cho đến khi con bị cáo H đủ 36 tháng tuổi.

Như vậy, để có thể nói rằng việc các bị cáo đang tại ngoại trong quá trình xét xử và sau khi tuyên án đi thi hành án là rất khó khăn, nhất là đối với các bị cáo nữ.

Theo quy định tại điểm b mục 7.3 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP “Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi”. Vậy, quy định hoãn phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi xuất phát từ chính sách nhân đạo của Nhà nước ưu tiên bảo vệ đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, không quy định cụ thể cho nên khiến việc thi hành bản án càng khó khăn và tạo điều kiện cho các bị cáo có thêm thời gian được hoãn thi hành án.

Giả sử bị cáo Y và bị cáo H sau khi sinh con thứ nhất chưa đủ 36 tháng lại tiếp tục có thai để được hoãn chấp hành án phạt tù thì Tòa án, cơ quan Thi hành án phải giải quyết như thế nào? Theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 các bị cáo được hoãn thi hành án phạt tù. Đây cũng là trường hợp rất khó khăn cho việc bắt bị cáo đi chấp hành án, nên cần phải có hướng dẫn cụ thể, có các chế tài đặc biệt hoặc có sự phân chia rõ ràng cho từng giai đoạn hoãn thi hành án phạt tù để việc giám sát, quản lý thật chặt chẽ, tránh trường hợp bị cáo tại ngoại đặc biệt bị cáo nữ cố tình lấy lý do trong việc chấp hành án.

Trường hợp thứ 3: Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng:

Chúng ta cần hiểu “Người lao động duy nhất” là chỉ có người này đem lại nguồn thu nhập, không có người lao động nào khác đóng góp vào thu nhập chung của gia đình.

Theo đó, để được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người lao động duy nhất thì cần phải đáp ứng các điều kiện ràng buộc theo như sau:

- Thứ nhất: Không được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người là lao động chính (người lao động đóng góp chủ yếu trong thu nhập chung của gia đình).

-Thứ hai: Không được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

- Thứ ba: Không được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Chỉ cho hoãn chấp hình phạt tù đối với người là lao động duy nhất trong gia đình, trong trường hợp người đó nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, còn trường hợp khó khăn, rất khó khăn thì không giải quyết.

Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP có hướng dẫn “Khó khăn đặc biệt” được hiểu là: “như không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm nom, nuôi dưỡng… những người thân thích của họ trong gia đình mà không có khả năng lao động”. Bên cạnh đó, tại điểm g Mục 1.3 của công văn hướng dẫn số 330/TANDTC-V1 ngày 01/11/2016 của Tòa án nhân dân tối cao cũng có hướng dẫn: “Người bị kết án có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là người lao động duy nhất trong gia đình: Là trường hợp người bị kết án có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình”.

- Thời hạn hoãn: Được hoãn đến 01 năm. Cụ thể tại Nghị quyết 01 có quy định: “Người bị xử phạt tù là người lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ được hoãn một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được hoãn tối đa là một năm”. 

Để làm rõ vấn đề này tác giả quay lại vụ án của Nguyễn Thị H khi Tòa án quân sự Khu vực Y ra quyết định cho hoãn chấp hành án phạt tù vì là lao động chính trong gia đình và thời gian được hoãn là 01 năm. Tuy nhiên trong thời gian được hoãn thi hành án bị cáo H lấy chồng và có thai cho nên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS thì bị cáo H tiếp tục được hoãn chấp án phạt tù. Có thể thấy rằng, việc cho các bị cáo tại ngoại được hoãn chấp hành án phạt tù khi có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 67 BLHS là thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật Việt Nam, không đẩy người phạm tội vào cảnh đường cùng của cuộc sống, tạo điều kiện để các bị cáo lo cho gia đình và thân nhân. Tuy nhiên qua hai vụ án tác giả đã phân tích có thể thấy rằng khi được Tòa án cho hoãn chấp hành hình phạt tù đối với các bị cáo tại ngoại khi đủ điều kiện được hoãn thì các bị cáo lại tạo ra những điều kiện khác để trốn tránh việc chấp hành án theo bản án của Tòa án. Việc giám sát, quản lý và theo dõi đối với bị cáo tại ngoại khi được hoãn chấp hành án rất là khó khăn và việc giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cử riêng một cán bộ thi hành án tháng nào cũng phải theo dõi, giám sát tình hình bị cáo cũng là một vấn đề bất cập và cần có giải pháp để khắc phục. 

Như vậy, để thấy rằng việc giám sát, quản lý và theo dõi bị cáo (đặc biệt bị cáo nữ) tại ngoại khi được hoãn chấp hành án là rất phức tạp và khó khăn, từ những phân tích tại khoản 1 Điều 67 BLHS tác giả thấy rằng còn có sự khó khăn trong việc giám sát, quản lý và theo dõi bị cáo được tại ngoại nhất là những bị cáo cố tình không thực hiện nghĩa vụ chấp hành án, lợi dụng tính nhân văn và nhân đạo của pháp luật để kéo dài thời gian được hoãn chấp hành án. Chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể như như thế nào là “sức khỏe được hồi phục”“Cơ quan nào kết luận đánh giá về sức khỏe phục hồi và phục hồi như thế nào, ở mức độ bao nhiêu phần trăm” phải chấp hành án. Các giai đoạn quản lý bị cáo nữ tại ngoại cũng khó khăn, nhất là khi bị cáo mang thai cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, dẫn đến việc kéo dài thời gian chấp hành án dẫn đến bản án của Tòa án không thi hành được và làm mất nhiều thời gian cho các cơ quan liên quan. 

Từ những phân tích và thực tiễn hai vụ án trên tác giả đề xuất kiến nghị sau: 

Thứ nhất: Trường hợp bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục, các cơ quan pháp luật cần phải ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là sức khỏe phục hồi, quy định cơ quan nào kết luận giám định sức khỏe phục hồi và kết quả bao nhiêu phần trăm thì được gọi là sức khỏe phục hồi để chấp hành án.

Thứ hai: Xuất phát từ chính sách nhân đạo của Nhà nước ưu tiên bảo vệ đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, tuy nhiên cần có văn bản quy định chặt chẽ hơn đối với bị cáo nữ, cần phân chia rõ ràng từng giai đoạn có thai và sinh con để việc giám sát, quản lý và theo dõi thuận tiện trong thời gian các bị cáo được tại ngoại, tránh lấy lý do mang thai và sinh con để trốn trách thi hành bản án của Tòa án.

Thấy rằng pháp luật cần ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng trong việc giám sát, quản lý và theo dõi đối với các bị cáo tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù, tránh tình trạng khi được tại ngoại các bị cáo cố tình đưa ra các lý do để được hoãn chấp hành án phạt tù.

Thượng úy PHAN VĂN VUI
Thư ký TAQS Khu vực Quân khu 1

/vuong-mac-va-kien-nghi-ve-quy-dinh-tha-tu-truoc-thoi-han-co-dieu-kien.html