Ảnh minh họa.
Theo điểm b khoản 4 Điều 2 Quyết định 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân quy định: “Các chương trình đào tạo trình độ Đại học tiếp nhận người đã tốt nghiệp trung học phổ thông; người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng”. Quy định này đã được cụ thể hóa trong nhiều quy định khác như: Tại khoản 1 Điều 5 Quy chế tuyển sinh Đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non (được ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định đối tượng dự tuyển thi Đại học tại thời điểm xét tuyển (trước khi công bố kết quả xét tuyển chính thức) gồm: “Người đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương; Người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật”.
Mặt khác, đối tượng để dự tuyển thi Thạc sĩ phải có một trong các điều kiện: “Đã tốt nghiệp hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp Đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; đối với chương trình định hướng nghiên cứu yêu cầu hạng tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu” (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Thạc sĩ được Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, và đối tượng dự tuyển thi Tiến sĩ cũng phải đáp ứng một trong các điều kiện là: “Đã tốt nghiệp Thạc sĩ hoặc tốt nghiệp Đại học hạng giỏi trở lên ngành phù hợp, hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành đào tạo Tiến sĩ” (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Tiến sĩ được Ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì một cá nhân phải tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện dự tuyển học Đại học, phải có văn bằng tốt nghiệp Đại học mới đủ điều kiện học Thạc sĩ và phải có văn bằng tốt nghiệp Thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp Đại học hạng giỏi trở lên mới đủ điều kiện tuyển sinh và đào tạo Tiến sĩ. Nếu không tốt nghiệp THPT thì sẽ không đủ điều kiện để dự thi Đại học cũng như học Thạc sĩ và Tiến sĩ.
Việc sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để dự thi tuyển sinh Đại học là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giáo dục năm 2019 và khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục Đại học năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2019: “Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh”.
Khi phát hiện hành vi gian lận của người học thì cơ sở đào tạo Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ sẽ buộc người học phải thôi học và văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp thì sẽ bị thu hồi, hủy bỏ.
Cụ thể, đối với trình độ Đại học: “Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, huỷ bỏ” (theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Quy chế Đào tạo trình độ Đại học được ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Đối với trình độ Thạc sĩ: “3. Học viên vi phạm một trong các quy định sau đây sẽ bị buộc thôi học; bằng Thạc sĩ nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: a) Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ” (theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Quy chế Tuyển sinh và Đào tạo trình độ Thạc sĩ được Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/08/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Đối với trình độ Tiến sĩ: “Nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng Tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp: Hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo; sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án và bị Hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu quy định của Quy chế này; luận án của nghiên cứu sinh không được Hội đồng thẩm định thông qua theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này” (theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 21 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Tiến sĩ được ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/06/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Ngoài ra, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người phạm tội sẽ phải chịu mức hình phạt từ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất là 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Khi nào người tố cáo hành vi tiêu cực được pháp luật bảo vệ?