Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, KPI là chữ cái viết tắt của cụm từ Key Performance Indicator. KPI được hiểu là chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc. KPI thường được thể hiện qua số liệu, tỉ lệ, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ảnh hiệu quả hoạt động của các nhóm hoặc bộ phận của doanh nghiệp.
Các chỉ số KPI giúp doanh nghiệp theo dõi, đánh giá được việc thực hiện công việc của người lao động một cách minh bạch, rõ ràng, cụ thể, công bằng nhờ các số liệu cụ thể.
Dựa trên mức độ hoàn thành KPI, doanh nghiệp sẽ thực hiện các chế độ thưởng khác nhau cho từng cá nhân người lao động.
Ngoài ra, KPI còn giúp người lao động hiểu được mức độ hoành thành công việc, tạo động lực để họ làm việc và phấn đấu thực hiện mục tiêu nhất định.
Vai trò của KPI trong doanh nghiệp như thế nào?
KPI là công cụ quản lý rất đắc lực dành giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất của người lao động, từ đó đạt được các mục tiêu mà mình đề ra. Nhìn chung, các chỉ số KPI đóng góp những vai trò sau:
- Đánh giá chính xác năng lực người lao động.
Hầu hết các doanh nghiệp đều dùng chỉ số KPI để đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên. Vì vậy, khi xây dựng KPI, doanh nghiệp phải phải căn cứ vào tình kinh doanh của mình, cũng như vị trí công việc của từng cá nhân, phòng ban để đưa ra chỉ số KPI rõ ràng, cụ thể, phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Hoạch định lại chiến lược kinh doanh.
Khi đánh giá hiệu quả của các chiến lược kinh doanh, ngoài doanh số, doanh nghiệp cũng cần xem xét kênh nào đang có tỷ lệ khách hàng sử dụng sản phẩm nhiều nhất? Kênh nào nên đầu tư và kênh nào nên cắt bỏ? Những câu hỏi này chỉ có thể được giải đáp khi doanh nghiệp đo được chỉ số KPI chi tiết cho chiến lược.
- Tạo ra môi trường học hỏi.
Bằng các chỉ số KPI, doanh nghiệp còn có thể tạo ra một môi trường học tập ngay chính trong công ty của mình. Theo kinh nghiệm của các nhà quản lý, khi đưa ra các chỉ số KPI cho cá nhân, tổ chức sẽ tạo ra nhiều cuộc hội thoại quan trọng ở nơi làm việc, thúc đẩy các cá nhân tiến hành việc trao đổi, học hỏi lẫn nhau để đạt được các chỉ số KPI do doanh nghiệp đề ra.
Không đạt KPI, doanh nghiệp có được trừ lương người lao động?
Luật sư cho biết, ngoài việc đặt ra cơ chế thưởng khi hoàn thành các chỉ tiêu KPI, nhiều doanh nghiệp còn quy định cả cơ chế phạt đối với nhân viên của mình. Theo đó, tùy vào mức độ không hoàn thành nhiệm vụ mà người lao động sẽ bị trừ một số tiền nhất định.
Tuy nhiên, việc làm này là không đúng quy định của pháp luật bởi theo khoản 1, Điều 102, Bộ luật Lao động năm 2019, chỉ có duy nhất một trường hợp được trừ lương người lao động đó là: "Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này".
Như vậy, nếu vì người lao động không hoàn thành nhiệm vụ mà trừ lương cứng của người đó là trái luật.
Trường hợp khấu trừ lương không đúng quy định, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Theo khoản 2, Điều 17, Nghị định 12, tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm mà người sử dụng lao động sẽ bị phạt theo các mức sau:
- Vi phạm từ 01 - 10 người lao động: Phạt 05 - 10 triệu đồng.
- Vi phạm từ 11 - 50 người lao động: Phạt 10 - 20 triệu đồng.
- Vi phạm từ 51 - 100 người lao động: Phạt 20 - 30 triệu đồng.
- Vi phạm từ 101 - 300 người lao động: Phạt 30 - 40 triệu đồng.
- Vi phạm từ 301 người lao động trở lên: Phạt 40 - 50 triệu đồng.
Những mức phạt trên là mức phạt dành cho người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm phải trả lại đủ tiền lương cho người lao động.
HOÀNG QUÝ