Ảnh minh họa.
Ngày 05/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) dẫn báo cáo cho thấy qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp xem xét, xử lý. Báo cáo cũng tự đánh giá rằng Kiểm toán Nhà nước chỉ mới phát huy vai trò ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ việc chuyển còn hạn chế. Do đó, Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán làm rõ nguyên nhân và định hướng định hướng giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của Đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 05 năm qua (từ 2019-2023) đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 19 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Thế nhưng, không có nghĩa là vai trò về phòng, chống tham nhũng của cơ quan Kiểm toán hạn chế đi vì trong một trong những nhiệm vụ mà Tổng Kiểm toán Nhà nước hết sức coi trọng là việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, trong 05 năm qua, cơ quan Kiểm toán cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đến các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.
Trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp các tài liệu đầy đủ hơn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc và nâng cao nâng chất lượng các báo cáo kiểm toán để cho những phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai), qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện rất nhiều những tồn tại, hạn chế, sai phạm của các doanh nghiệp, các dự án đầu tư... Đại biểu đề nghị Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, trong trường hợp khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán không phát hiện ra sai phạm nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện ra sai phạm thì trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong trường hợp này sẽ như thế nào? Sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân hay xử lý trách nhiệm của cơ quan trong trường hợp này?
Về câu hỏi này của Đại biểu Hà Đức Minh, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra.
Trong trường hợp cơ quan thanh tra, điều tra không phát hiện sai phạm mà đến khi cơ quan chức năng vào làm tiếp mà phát hiện ra sai phạm thì tại Điều 68 đã quy định rất là cụ thể. Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà sát phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm. Nếu có lỗi thì phải xử là tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính. Đây là quy định rất là rõ về trách nhiệm và khi phát hiện ra sai phạm thì theo quy định của Luật thì phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể...
Ở một góc độ khác, Đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu) cũng đặt ra vấn đề về việc, các vụ án xảy ra trong thời gian qua cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân hết sức quan tâm, đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành quyết định số 131 (27/10/2023) về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Đại biểu Tao Văn Giót đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm toán Nhà nước trong thời gian vừa qua được thực hiện như thế nào?
Trả lời câu hỏi này của Đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, đây là nhiệm vụ được quan tâm. Trong đó, quan tâm giáo dục về chính trị, tư tưởng, kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Đảng, các văn bản mới của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời rà soát, thể chế hóa các văn bản của Đảng, văn bản pháp luật mới. Riêng năm 2022 đã rà soát 75 văn bản liên quan đến quy trình kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao vai trò của người đứng đầu, tổ trưởng tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của cơ quan thanh tra kiểm toán nhà; xử lý nghiêm những hành vi có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực…
QUÝ MINH (t/h)
Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn về kiểm toán, văn hóa, thể thao và du lịch