Ảnh minh họa.
1. Đặt vấn đề
Tổ chức kinh tế là chủ thể thành lập hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận, và đất đai là nguồn lực quan trọng, là yếu tố đầu vào, là tài sản có giá trị và giá trị sử dụng đối với tổ chức kinh tế. Thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với tổ chức kinh tế vừa là một trong những cách để tiếp cận đất đai bằng con đường thứ cấp, vừa là hoạt động hiện thực hoá lợi nhuận và có vai trò quan trọng tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng, đến đời sống kinh tế-xã hội nói chung ở Việt Nam hiện nay.
2. Mục tiêu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Mục tiêu
Nghiên cứu quy định dự thảo Luật Đất đai so sánh với quy định pháp luật hiện hành về giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế.
Phân tích và chỉ ra những vướng mắc, hạn chế của quy định Luật Đất đai 2013 về giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, những vấn đề đặt ra đối với dự thảo Luật Đất đai cần phải giải quyết.
Phân tích những quy định trong dự thảo Luật Đất đai, dự kiến những vấn đề phát sinh trong thực tiễn áp dụng và đưa ra khuyến nghị định hướng hoàn thiện Dự thảo nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật đất đai đồng bộ, liên thông, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo tính khả thi, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản ở Việt Nam.
2.2. Phương pháp
Phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp khoa học pháp lý, đánh giá, suy luận, dự báo.
3. Thảo luận
3.1. Chưa đồng bộ và thống nhất về khái niệm tổ chức kinh tế với các văn bản luật khác
Hiện nay, khái niệm tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được định nghĩa tại Luật Đầu tư 2020, theo đó “Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh” [khoản 21, Điều 3], còn “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông” [khoản 22, Điều 3].
Trong khi Dự thảo Luật Tổ chức kinh tế hợp tác quy định: “Tổ chức kinh tế hợp tác là tổ chức kinh tế do các cá nhân, pháp nhân đăng ký thành lập theo quy định của Luật này và hợp tác tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội. Các tổ chức kinh tế hợp tác bao gồm: tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã” [khoản 26, Điều 4].
Dự thảo Luật Đất đai đã khắc phục và thay thế quy định thuật ngữ “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” bằng “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” nhưng vẫn quy định liệt kê: “Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” [khoản 31, Điều 3].
Với cách liệt kê như trên, thì tổ hợp tác và liên đoàn hợp tác xã theo quy định của dự thảo Luật Tổ chức kinh tế hợp tác là tổ chức kinh tế, vậy đặt ra câu hỏi hai chủ thể này có phải là tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư 2020 hoặc là tổ chức kinh tế khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư theo dự thảo Luật Đất đai hay không? Tính thống nhất và liên thông giữa các quy định của các Luật nói trên là như thế nào? Phải chăng vẫn còn lúng túng trong cách gọi tên chủ thể là tổ chức kinh tế giữa các văn bản Luật?
Ngoài ra, trong nội hàm khái niệm tổ chức kinh tế của Luật Đất đai vẫn loại trừ tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà không quy định tỷ lệ sở hữu vốn trong công ty TNHH hoặc tỷ lệ nắm giữ phần trăm cổ phần trong công ty cổ phần phải chăng khá cứng nhắc và chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, sự đồng bộ, liên thông với cấu trúc vốn, với việc tham gia, quản lý, điều hành quyết định đến hoạt động quản lý kinh doanh của các chủ thể trên theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Chứng khoán 2019. Khi vẫn quy định cứng nhắc, loại trừ, không có sự thống nhất, liên ngành giữa các văn bản luật sẽ vẫn dẫn đến việc lách luật, xé rào như thực tiễn xảy ra hiện nay, thậm chí “vô hiệu hoá” quy định pháp luật đất đai khi thực hiện giao dịch bản chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì các chủ thể vận dụng quy định Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập cá nhân bằng các hình thức giao dịch khác như phát hành cổ phần, bổ sung thành viên, tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp cùng với các thủ thuật chia tách, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí, thời gian, trình tự, thủ tục và tối đa hoá lợi nhuận khi thực hiện các giao dịch về đất đai.
3.2. Chưa thể chế hoá toàn bộ chủ trương của Đảng thành quy định pháp luật, quy định chưa rõ ràng, thiếu cơ chế kiểm soát đối với quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế
Thứ nhất, chưa thể chế hoá đường lối chỉ đạo của Đảng về cơ chế thoả thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”[1]. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, cả 02 phương án đưa ra lấy ý kiến đều không cho phép thực hiện đối với dự án đô thị, nhà ở thương mại là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.
Thứ hai, dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại vừa thuộc đối tượng thu hồi đất, vừa thuộc đối tượng nhận chuyển nhượng [khoản 1, Điều 66] nhưng chưa có quy định cụ thể khi nào thực hiện thu hồi đất, khi nào thực hiện nhận chuyển nhượng; đồng thời giải quyết đồng bộ các vướng mắc từ thực tiễn liên quan đến chế độ sử dụng đất đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, văn phòng…
Thứ ba, quy định chưa rõ ràng về loại đất nhận chuyển nhượng (là đất nông nghiệp hay phi nông nghiệp, đất trồng lúa hay đất khác) trong trường hợp nếu không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư là người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật để thực hiện dự án đầu tư [khoản 1, Điều 138] dễ dẫn đến tình trạng gom mua đất nông nghiệp giá rẻ, bồi thường giá rẻ để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn và bán lại cho dân với giá cao, thất thoát lớn về thuế đối với ngân sách Nhà nước.
Thứ tư, việc mở rộng chủ thể là tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận [khoản 4, Điều 211] nhưng không có quy định căn cứ, trình tự, thủ tục để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời, không có cơ chế để giám sát việc thực hiện phương án sử dụng đất nói trên của tổ chức kinh tế dễ dẫn đến tuỳ tiện, tiêu cực trong cơ chế hành chính xin-cho, và diện tích đất nhận chuyển nhượng không nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp nói chung, thậm chí dẫn đầu cơ, không đưa đất vào sử dụng thì cần thiết có quy định, cơ chế kiểm soát việc sử dụng nguồn lực đất nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nói riêng.
3.3. Điều kiện chuyển nhượng “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm”
Với chủ trương “có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp” được ghi nhận trong Nghị quyết 18-NQ/TW nhằm thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất hàng năm, Điều 198, Điều 212 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã quy định: “mua, bán” quyền thuê. Tuy nhiên, chưa làm rõ khái niệm “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm”, và là “chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng” hay “mua” và “bán” và phân biệt giữa “mua, bán”, “chuyển nhượng” quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê như dự thảo Luật đã quy định.
3.4. Thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Nghiên cứu và thực tiễn thực hiện quy định Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Luật Công chứng 2014 có sự không tương thích trong quy định về thời điểm có hiệu lực của giao dịch CNQSDĐ nói chung và giao dịch kinh doanh QSDĐ nói riêng cũng như giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà ở.
Thứ nhất, chưa thống nhất quy định về nội hàm thời điểm có hiệu lực của hợp đồng CNQSDĐ giữa Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai.
Nếu như theo quy định chung về hợp đồng của pháp luật dân sự thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác [khoản 1, Điều 401], thì cùng trong Bộ luật Dân sự tại Mục 7- Hợp đồng về quyền sử dụng đất trong Chương XVI - Một số hợp đồng thông dụng quy định hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật Đất đai [Điều 503], Luật Đất đai 2013 cũng quy định việc chuyển nhượng phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính” [khoản 3, Điều 188].
Theo như hai văn bản luật trên thì vẫn tách rời hai thời điểm có hiệu lực của hợp đồng CNQSDĐ và thời điểm CNQSDĐ, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng CNQSDĐ là từ thời điểm giao kết còn việc CNQSDĐ kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Thứ hai, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng CNQSDĐ của tổ chức kinh tế trong trường hợp công chứng, chứng thực
Luật Đất đai quy định, theo nguyên tắc, hợp đồng CNQSDĐ phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh BĐS thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
Đến đây sẽ xuất hiện hai thời điểm khác nhau, thậm chí khác xa nhau là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng CNQSDĐ và thời điểm có hiệu lực của của hợp đồng CNQSDĐ được công chứng dẫn đến nhiều vướng mắc, thậm chí phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn.
Thứ ba, chưa thống nhất quy định giữa thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà, thời điểm chuyển quyền sử dụng đất giữa các văn bản luật
Việc này trở thêm phức tạp và phát sinh nhiều vướng mắc khi trên đất có nhà, trong khi việc CNQSDĐ phải bắt buộc đăng ký biến động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chuyển nhượng thì việc chuyển quyền sở hữu nhà không bắt buộc đăng ký. Từ đây phát sinh thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua bán nhà gắn với CNQSDĐ với thời điểm có hiệu lực của hợp đồng CNQSDĐ là hai thời điểm khác nhau, trong khi đã có quyền sở hữu nhà nhưng chưa có quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, dẫn chiếu sang quy định Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì lại không thống nhất khi quy định hợp đồng kinh doanh bất động sản phải lập thành văn bản, việc công chứng, chứng thực do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên [10, § 10.2] thì phải công chứng, chứng thực. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng. Trường hợp hợp đồng có công chứng, chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, không có công chứng, chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm các bên ký kết hợp đồng [khoản 2, Điều 17].
Dự thảo Luật Đất đai quy định “Hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất có hiệu lực theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật công chứng” [khoản 3, Điều 57].
Quy định này vẫn tách biệt giữa thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với thời điểm có hiệu lực của việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chưa giải quyết được những mâu thuẫn và vướng mắc hiện hành của các quy định pháp luật nói trên, vẫn có thể gây bất lợi và rủi ro cho bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì việc thanh toán thường thực hiện tại thời điểm ký kết hợp đồng, giao dịch trong khi đó thời điểm này việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa có hiệu lực. Việc không tương thích, đồng bộ trong các quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển QSDĐ với hợp đồng kinh doanh QSDĐ và hợp đồng về giao dịch nhà ở gây cản trở đến việc thực thi pháp luật về CNQSDĐ của tổ chức kinh tế.
3.5. Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Với chủ trương “bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường…” theo tinh thần chỉ đạo Nghị quyết 18-NQ/TW. Tuy nhiên, vấn đề giá đất vẫn còn nhiều lúng túng, thẩm quyền quyết định vẫn thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, thiếu cơ chế kiểm soát độc lập từ bên ngoài và từ xã hội cũng như cơ chế đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực thi của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc “định giá”. Việc đảm bảo công khai, minh bạch trong việc định giá đất, đại diện tham gia định giá đất gồm các bên tham gia: đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, tài sản công, tài chính, ngân hàng, nhà đầu tư, bên có nhu cầu có liên quan… cần điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá thị trường, giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai, áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp mới có thể xác định được giá đất cụ thể.
Khoản 20, Điều 3, dự thảo Luật Đất đai quy định “giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất xuất hiện với tần suất nhiều nhất trong một khoảng thời gian nhất định không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đầu cơ”. Khái niệm “giá đất phổ biến trên thị trường” chỉ có thể áp dụng, soi chiếu đối với từng thửa đất riêng lẻ, ở khu vực có nhiều giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn đối với khu vực ít có giao dịch chuyển nhượng, thửa đất trong dự án đầu tư kinh doanh nhà ở thì khó xác định, với việc kê hai giá, với việc không có cơ chế kiểm soát đối với hoạt động công chứng, chứng thực giá trị giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Việc xác định giá đất cụ thể và công cụ, khả năng đo lường, xác định “giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất xuất hiện với tần suất nhiều nhất” và “không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đầu cơ” là như thể nào để bảo đảm tính khả thi khi triển khai áp dụng trên thực tế?
4. Khuyến nghị
Thứ nhất, cần đồng bộ và thống nhất đảm bảo tính liên thông giữa quy định pháp luật đất đai với các quy định pháp luật khác có liên quan về khái niệm tổ chức kinh tế.
Thứ hai, thể chế hoá toàn bộ, hoàn thiện quy định về quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 18-NQ/TW.
Thứ ba, hoàn thiện quy định về khái niệm, điều kiện chuyển nhượng “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm”. Cần làm rõ khái niệm “quyền thuê”, thống nhất tên gọi mua, bán hay chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng “quyền thuê”, điều kiện của chủ thể, trách nhiệm ràng buộc đối với của chủ thể được nhận chuyển giao “quyền thuê” trong hợp đồng thuê, trình tự, thủ tục chuyển giao quyền thuê.
Thứ tư, hoàn thiện quy định về thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Cần rà soát, sửa đổi các quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với QSDĐ và hợp đồng CNQSDĐ giữa Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Luật KDBĐS 2014. Theo đó, các quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với QSDĐ của Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014 phải tương thích với quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và thời điểm chuyển quyền sử dụng đất.
Thứ năm, hoàn thiện, liên thông quy định về nghĩa vụ tài chính và giá đất đối với giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cần sửa đổi, bổ sung và quy định chặt chẽ hơn các quy định pháp luật đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật KDBĐS, Luật Đầu tư và pháp luật về thuế nhằm đảm bảo kiểm soát được các giao dịch giả tạo che đậy hoạt động chuyển nhượng BĐS để trốn thuế, tránh thất thoát tài sản nhà nước. Trong đó, cần thay thế quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng BĐS bằng thuế đánh trên giá trị BĐS hàng năm. Từ đó, doanh nghiệp nắm giữ BĐS sẽ phải nộp thuế BĐS sẽ loại trừ được những hành vi trốn thuế từ hoạt động chuyển nhượng BĐS hiện nay.
Kết luận
Để hoàn thiện quy định pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng của tổ chức kinh tế theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 18-NQ/TW, nhà làm luật cần đặt lợi ích Nhà nước, nhân dân và xã hội lên trước hết, đảm bảo phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Với quyết tâm sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, cải cách toàn bộ hệ thống cơ quan Nhà nước nói chung, cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai nói riêng, kiên quyết đấu tranh phòng chống mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, trốn thuế, xé rào, lách luật, góp phần lành mạnh hoá quan hệ chuyển nhượng quyền sử dụng của tổ chức kinh tế nói riêng, thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất nói chung phát triển, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Danh mục tài liệu tham khảo: 1. Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; 2. Luật Đầu tư 2020; 3. Dự thảo Luật Tổ chức kinh tế hợp tác, truy cập ngày 17/10/2022, http://duthaoonline.quochoi.vn/pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=7407#; 4. dự thảo Luật Đất đai, truy cập ngày 20/10/2022, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-119220729070748081.htm 5. Bộ luật Dân sự 2015; 6. Luật Đất đai 2013; 7. Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; 8. Luật Công chứng 2014; 9. Luật Nhà ở 2014; 10. Luật Kinh doanh bất động sản 2014. |
GVC.NCS. NGÔ THỊ HỒNG ÁNH
Khoa Luật Kinh tế, ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh