/ Kinh tế - Pháp luật
/ Lâm Đồng: CADASA lao đao vì dự án tại TP. Đà Lạt

Lâm Đồng: CADASA lao đao vì dự án tại TP. Đà Lạt

22/04/2021 02:41 |4 năm trước

(LSVN) - Lấy lý do doanh nghiệp chậm nộp tiền thuê đất, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi dự án đem bán cho cá nhân mặc dù đây là đất công. Sau đó, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đã khởi kiện doanh nghiệp với lý do chậm nộp tiền thuê đất mặc dù thực tế doanh nghiệp sau gần 10 năm vẫn chưa nhận đủ tài sản cho thuê.

Tháng 10/2005, ông Nguyễn Thế Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo Nghiên cứu & Ứng dụng công nghệ thông tin CADASA (Công ty CADASA) tham gia đấu giá giành quyền thuê 50 năm cụm biệt thự cổ đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, gồm 13 căn biệt thự và 02 lô đất trống số 17 và 19. 

Ngày 16/11/2005, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố kết quả đấu giá thành số 2287/QĐ-UBND của CADASA đối với dự án trên. CADASA sau đó đã tiến hành khởi công dự án.

Ngay từ khi tiếp nhận CADASA đã mời các chuyên gia nước ngoài, các kiến trúc sư trong và ngoài nước có uy tín, kinh nghiệm về kiến trúc biệt thự cổ để tổ chức nhiều cuộc hội thảo định hình cho việc trùng tu. 

Tháng 12/2009, việc trùng tu 12 căn biệt thự hoàn thành, riêng căn biệt thự số 15 do UBND tỉnh Lâm Đồng chưa bàn giao cho CADASA do có một cán bộ của tỉnh về hưu đang ở. Đối với 02 lô đất trống số 17 và 19, CADASA sẽ xây Trung tâm hội nghị và khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi. Đầu năm 2010, CADASA đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng với tên gọi Khu nghỉ dưỡng cao cấp biệt thự cổ Đà Lạt (DaLat CADASA Resort). Dự án có tổng số vốn đầu tư hơn 200 tỉ đồng, gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Đem đất đã giao cho doanh nghiệp đi bán

Năm 2011, CADASA bắt đầu trả tiền thuê khu biệt thự cho chu kỳ thứ hai với số tiền 20 tỉ đồng. Nhưng cũng bắt đầu từ đây những nảy sinh bất cập giữa CADASA và chính quyền địa phương bắt đầu xuất hiện.

“Thời điểm đó, chúng tôi cũng đã bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính cũng như nhiều doanh nghiệp khác, và do hậu quả của việc đầu tư quá lớn nên CADASA cũng lâm vào tình trạng khó khăn, chúng tôi phải xin gia hạn việc đóng tiền thuê nhà và tiền thuê đất. Nhưng cũng bắt đầu từ đó cách ứng xử của địa phương cũng khác”, ông Hùng cho biết. 

Theo ông Hùng, sau khi tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động được một thời gian không lâu, UBND tỉnh Lâm Đồng đã mời CADASA họp với các sở, ban, ngành nhiều lần và thắc mắc tại sao CADASA không xây tiếp công trình trên 02 lô đất trống số 17 và 19. Theo đó, CADASA giải thích đã trùng tu 12 căn biệt thự theo tiêu chí cao nhất và sẽ tiếp tục thu xếp tài chính để xây dựng trung tâm hội nghị và khu vui chơi cho thiếu nhi trên 02 lô đất trống này. 

Tuy nhiên, đến ngày 24/9/2012, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2006/QĐ-UBND thu hồi lô đất số 17, 19 với tổng diện tích 3.019,18m2 với lý do CADASA không đưa đất vào sử dụng, vi phạm quy định tại khoản 12 Điều 38 Luật Đất đai. 

Căn cứ vào nội dung Quyết định số 2287/QĐ-UBND và hợp đồng thuê đất không có điều khoản nào buộc chủ đầu tư phải xây dựng cho xong công trình trên hai lô đất trống này trong khoảng thời gian nào.

Phía CADASA cho rằng, việc UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi lô đất số 17 và 19 đã làm phá sản dự án và tê liệt toàn bộ hoạt động cho đến thời điểm hiện tại. 

Ngay sau khi có Quyết định thu hồi, CADASA đã nhiều lần đề nghị xem xét lại nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng đều có công văn trả lời là không xem xét lại việc thu hồi hai lô đất nêu trên. 

Trái lại, ngày 16/5/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 2619/UBND-ĐC phê duyệt chủ trương bán đấu giá lô đất 17 và 19, với điều kiện giữ nguyên quy mô diện tích từng hộ, không được phân lô, tách thửa. Trong khi đó, theo Tờ trình số 2371/TTr-STNMT ngày 24/4/2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng về việc đề nghị chấp thuận chủ trương bán đấu giá hai lô đất nêu trên, thì về quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì 02 lô đất được xác định thuộc quy hoạch bảo tồn kiến trúc. 

Đến ngày 31/7/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng và UBND thành phố Đà Lạt về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc đối với lô đất số 17 và 19. 

Tuy là đất bảo tồn kiến trúc, nhưng sau khi được đưa ra đấu giá thì cả hai lô đất 17 và 19 được chuyển đổi thành đất ở đô thị. Trong đó, lô đất số 17 có Giấy chứng nhận quyền sử đất số CC298033, đứng tên ông Huỳnh Đức T. và bà Nguyễn Ngọc Bảo N. (đều sinh năm 1985); lô đất số 19 có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CC298028, đứng tên ban đầu là ông Nguyễn Tân H. và vợ là bà Hồ Thị Kim T., sau đó được tặng cho bà Nguyễn Hồ Thanh T. và chồng là ông Huỳnh Đức K. (sinh năm 1982). 

Một vấn đề được dư luận quan tâm vì sao UBND tỉnh Lâm Đồng lại vội vàng thu hồi 2 lô đất số 17 và 19 mang ra đấu giá, bất chấp đây là đất bảo tồn kiến trúc, nhưng được chuyển đổi thành đất ở đô thị và ai đã được trúng đấu giá?. 

Ông Hùng cho biết: “Điều nghịch lý là ở chỗ UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, CADASA chúng tôi đã vi phạm Luật Đất đai do không xây dựng trên đất được giao đúng thời hạn, nhưng ngay UBND tỉnh vi phạm hợp đồng cho thuê đất khi chỉ giao được 12 biệt thự, còn thiếu một căn. Thực tế, sau gần 10 năm ký hợp đồng thuê đất thì đến ngày 04/12/2014 Sở Tài nguyên và Môi trường mới cắm mốc bàn giao đất tại số 15 đường Trần Hưng Đạo cho CADASA. Như vậy, không chỉ bị thu hồi hai lô đất biệt thự mà tỉnh còn giao thiếu biệt thự số 15, nhưng Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng vẫn ép CADASA phải trả đủ số tiền theo như hợp đồng đã ký từ ban đầu”. 

Sau nhiều lần không thỏa thuận được, đến ngày 07/10/2016 Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đã có thông báo về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà thuộc sử hữu nhà nước với CADASA vì việc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính, vi phạm việc cho thuê lại một phần tài sản thuê mà không thông báo với bên cho thuê, vi phạm chậm nộp tiền thuê đất và các khoản thuế tính đến ngày 30/9/2016. 

Sau đó, CADASA đã nhiều lần có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài chính, Chi cục Thuế thành phố Đà Lạt đề nghị tính toán tiền thuế đất và khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ nguồn tài để trả nợ tiền đất nhưng vẫn không chấp thuận. 

Không dừng lại ở đây, ngày 08/02/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định số 229/QĐ-UBND về việc thu hồi 13 biệt thự đường Trần Hưng Đạo, phường 10, thành phố Đà Lạt và giao UBND thành phố Đà Lạt quản lý.

UBND tỉnh Lâm Đồng “né” hầu tòa?

Tháng 03/2017, CADASA đã khởi kiện hành chính Quyết định số 229/QĐ-UBND tại TAND tỉnh Lâm Đồng, và khởi kiện Sở Tài chính về thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng. 

Đến ngày 31/8/2017, TAND tỉnh Lâm Đồng đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên hủy quyết định thu hồi toàn bộ dự án gồm 13 căn biệt thự của CADASA. 

Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có kháng cáo, ngày 23/8/2018 TAND Cấp cao tại TP. HCM đã ban hành Bản án số 333/2018/HC-PT quyết định không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 08/01/2018, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng tiếp tục khởi kiện (bổ sung) CADASA  ra TAND TP. Đà Lạt theo Quyết định số 405 và yêu cầu CADASA nộp các khoản nợ ngân sách và tiền phạt tính đến 31/12/2017 là hơn 19,8 tỉ đồng. Sau hơn 1 năm tham gia tố tụng, CADASA luôn yêu cầu phải đưa UBND tỉnh Lâm Đồng vào tham gia tố tụng với tư cách là bên liên quan. TAND thành phố Đà Lạt thấy rằng vụ án phức tạp nên đã chuyển hồ sơ lên TAND tỉnh Lâm Đồng thụ lý. 

Trong quá trình giải quyết, TAND tỉnh Lâm Đồng đã xác định việc Sở Tài chính khởi kiện là không phù hợp mà phải đảm bảo chủ thể đứng đơn khởi kiện là UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo TAND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài chính chỉ là cơ quan chuyên môn giúp cho UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện quyền quản lý nhà nước thuộc sở hữu nhà nước của địa phương. Do đó, TAND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu bổ sung giấy ủy quyền của UBND tỉnh Lâm Đồng cho Sở Tài chính nhưng không được UBND tỉnh chấp nhận. UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng yêu cầu của Tòa án là không có cơ sở, đề nghị Tòa tiếp tục giải quyết vụ án theo đơn khởi kiện của Sở Tài chính mà Tòa án đã nhận. 

Về phía CADASA, trong suốt thời gian tranh luận tố tụng từ năm 2018 tới nay luôn yêu cầu TAND tỉnh Lâm Đồng phải mời UBND tỉnh Lâm Đồng vào tham gia tố tụng vì đã thu hồi 02 lô đất số 17 và 19 và có trách nhiệm trong việc giao chậm biệt thự số 15 cho CADASA sau 09 năm. CADASA cho rằng, chính những yếu tố này đưa đến việc CADASA chậm nộp tiền thuê nhà của chu kỳ thứ 2 từ 2011 đến 2015. Việc UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 02 lô đất số 17 và 19 đang cho CADASA thuê 50 năm rồi lại tổ chức bán đấu giá vĩnh viễn, chuyển tài sản công thành tài sản tư là việc cần phải làm rõ trước Tòa liên quan đến việc khởi kiện của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng. 

Ngày 17/6/2019, TAND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 119/CV-TA gửi TAND Tối cao để xin ý kiến giải quyết những vướng mắc trong vụ án. Theo TAND tỉnh Lâm Đồng, nguyên đơn khởi kiện phải là UBND tỉnh Lâm Đồng chứ không phải là Sở Tài chính. Đến ngày 18/8/2020, TAND tỉnh Lâm Đồng lại tiếp tục có Văn bản số 697/BC-DS gửi TAND Tối cao đề nghị cho ý kiến giải quyết những vướng mắc của vụ án. 

Liên quan đến vấn đề này, tháng 7/2019, lãnh đạo TAND Tối cao đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến vấn đề chủ thể khởi kiện, yêu cầu có đơn khởi kiện hoặc văn bản ủy quyền khởi kiện của UBND tỉnh Lâm Đồng, nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn giữ nguyên quan điểm là Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng được quyền khởi kiện. 

Ngày 08/4/2021, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 03/QĐ-GQKN. 

Quyết định nêu rõ, tại Quyết định số 3287/QĐ-UBND ngày 16/11/2005, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kết quả đấu thầu quyền thuê 13 biệt thự và 02 lô đất biệt thự tại đường Trần Hưng Đạo, phường 10, thành phố Đà Lạt. Theo đó, Công ty CADASA là đơn vị trúng thầu, được quyền thuê 13 biệt thự và 02 lô đất biệt thự nêu trên. Cũng tại Quyết định này, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài chính thực hiện việc ký hợp đồng thuê biệt thự với Công ty CADASA. Như vậy, nhà đất nêu trên là tài sản thuộc quyền quản lý của Nhà nước, mà cụ thể là UBND tỉnh Lâm Đồng. 

Theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. Cụ thể trong trường hợp này, Sở Tài chính thực hiện việc cho Công ty CADASA thuê 13 căn biệt thự trên cơ sở ủy quyền của UBND tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, chủ thể tham gia xác lập giao dịch với Công ty CADASA là UBND tỉnh Lâm Đồng nên cần xác định là nguyên đơn trong vụ án. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng là nguyên đơn là không đúng pháp luật. 

Ngoài ra, tại nội dung của Quyết định giải quyết khiếu nại nhận định Sở Tài chính có quyền khởi kiện hoặc không có quyền khởi kiện do Hội đồng xét xử xem xét, là không đúng pháp luật. Bởi lẽ, việc xác định tư cách người tham gia tố tụng không thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử, mà khi thụ lý vụ án Tòa án cần phải xác định đúng tư cách người tham gia tố tụng. Từ đó, mới có cơ sở giải quyết vụ án đúng theo quy định của pháp luật, cũng như nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án. 

Vì vậy, từ những căn cứ nêu trên, Tòa quyết định chấp nhận khiếu nại của Công ty Cổ phần đào tạo nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin CADASA. Đồng thời, tuyên hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 07/2021/QĐ-GQKN ngày 29/3/2021 của Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng. Yêu cầu TAND tỉnh Lâm Đồng xác định lại tư cách người tham gia tố tụng theo đúng quy định của pháp luật. 

PV

Lê Minh Hoàng