(LSO) - Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ việc đương sự tự tử, dọa tự tử tại trụ sở tòa án cho thấy niềm tin của một bộ phận người dân đã giảm sút, đặc biệt là sau khi đương sự tự tử, dọa tự tử thì kết quả bản án, quyết định đó đã bị thay đổi bởi tòa án cấp trên. Nhiều câu hỏi đặt ngược lại là nếu họ không phản ứng ở góc độ tiêu cực, đến mức tiêu cực như vậy thì liệu bản án có được thay đổi để đảm bảo công bằng hay không?
Có rất nhiều cách để phản đối bản án, quyết định của tòa án, trong đó cách hợp pháp nhất là kháng cáo, khiếu nại, thậm chí tố cáo theo quy định của pháp luật. Ngoài các hình thức phản đối nêu trên, các hình thức phản đối khác đều không phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó hình thức tấn công lại lực lượng thi hành công vụ, tấn công lại các đương sự khác hoặc tự tử là các hành vi phản ứng tiêu cực đối với hoạt động tư pháp cũng như đối với bản án, quyết định của tòa án, đây là những hành vi không khuyến khích và thường gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Theo quy định của hiến pháp và pháp luật thì tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là cơ quan duy nhất được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý. Các cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm phối hợp, phục vụ, hỗ trợ tòa án để thực hiện quyền tư pháp và bảo vệ công lý. Việc ban hành bản án, quyết định của tòa án để quyết định một vấn đề tranh chấp là hoạt động tư pháp. Việc quyết định đó có ý nghĩa quan trọng đến việc giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, thậm chí cả quan hệ pháp luật hình sự. Trong các nhánh quyền lực nhà nước thì quyền tư pháp là một trong những quyền quan trọng, quyền tư pháp có thể phán xét tính hợp pháp hay không hợp pháp của quyền lập pháp và hành pháp, quyết định số phận pháp lý của tổ chức, cá nhân. Bởi vậy, để ban hành một quyết định, bản án giải quyết một vụ án không đơn giản chỉ là cách thức giải quyết một vụ việc mà còn là thực hiện quyền lực nhà nước, uy tín của nhà nước và thực hiện chức năng của nhà nước để quản lý xã hội.
Một bản án có ý nghĩa là một bản án thấu tình, đạt lý, có tính khả thi, có tính giáo dục và thể hiện sự công bằng. Nếu một bản án chỉ đúng luật thôi thì chưa đủ mà phải có tình, có lý, thể hiện lẽ công bằng mà bất cứ ai cũng phải chấp nhận. Đôi khi kết quả giải quyết vụ án còn có thể vượt lên trên luật, không chỉ căn cứ vào luật thực định mà còn có thể căn cứ vào niềm tin nội tâm, niềm tin vào công lý của thẩm phán.
Về nguyên tắc, một bản án trước tiên phải đòi hỏi đúng luật, công bằng trên cơ sở pháp luật. Tuy nhiên nếu pháp luật lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với thực tại xã hội nữa thì bản án cũng có thể “khác luật”, là một phán quyết thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, lẽ phải và là nguồn của pháp luật, bản án đó có thể trở thành án lệ hoặc là tư tưởng để xây dựng pháp luật. Nói cách khác, pháp luật thường lạc hậu hơn đời sống xã hội nên nếu áp dụng pháp luật một cách máy móc có thể hạn chế tác dụng của nó và không đảm bảo được yếu tố nhân văn, dẫn đến những phản ứng tiêu cực. Nếu một bản án đã không đúng luật lại còn không nhân văn, không thể hiện được sự công bằng, thậm chí còn có dấu hiệu tiêu cực thì đó là một bản án tồi tệ, là nguyên nhân nảy sinh các phản ứng tiêu cực trong xã hội.
Bởi vậy, dù giải quyết vụ án căn cứ vào quy phạm pháp luật, bằng niềm tin nội tâm, tập quán hay bằng bất cứ thứ gì khác thì cũng không thể trái được nguyên tắc cơ bản, không thể tự do, tùy tiện được.
Chính vì thế mà nhiều quan điểm cho rằng thẩm phán không phải là công nhân xét xử, không phải một người thợ, một cái máy xét xử lạnh lùng vô cảm, mà phải là một “bộ luật biết nói”. Việc giải quyết vụ án cũng là một cách thức tuyên truyền pháp luật, một cách thức giải thích pháp luật và duy trì sự ổn định xã hội, cho thấy sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật.
Khi thẩm phán (hội đồng xét xử) xét xử các vụ án mà để cho các đương sự phản đối quyết liệt, chửi bới, la hét, tự tử... chứng tỏ bản án đó chưa làm cho người dân tâm phục, khẩu phục, chưa thấu tình đạt lý. Dù bản án có xét xử đúng luật, nhưng thái độ, cách lý giải bản án của thẩm phán, của hội đồng xét xử không thuyết phục thì cũng có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực trong xã hội và gây ra những hệ lụy xấu trong xã hội.
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ việc đương sự tự tử, dọa tự tử tại trụ sở tòa án cho thấy niềm tin của một bộ phận người dân đã giảm sút, đặc biệt là sau khi đương sự tự tử, dọa tự tử thì kết quả bản án, quyết định đó đã bị thay đổi bởi tòa án cấp trên. Nhiều câu hỏi đặt ngược lại là nếu họ không phản ứng ở góc độ tiêu cực, đến mức tiêu cực như vậy thì liệu bản án có được thay đổi để đảm bảo công bằng hay không?
Nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra thì chắc chắn uy tín của ngành tư pháp giảm sút, sẽ tạo ra một làn sóng dư luận không tốt, tạo ra những tiền lệ xấu cho hoạt động tư pháp. Để bị cáo, đương sự phản ứng tiêu cực với bản án bằng cách tự tử cho thấy bản án đó chưa thấu tình đạt lý, chưa làm cho người dân tâm phục, khẩu phục.
Qua những sự việc này thì hệ thống tòa án cần có những quán triệt, chấn chỉnh, đồng thời xem xét lại công tác cán bộ. Có những biện pháp nghiêm khắc đối với các cán bộ áp dụng pháp luật sai lầm hoặc gây ra những phản ứng tiêu cực cho đương sự. Đồng thời, các cơ quan chức năng, các cơ quan tố tụng, những người tham gia tố tụng, những người hiểu biết pháp luật cần phải tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân tuân thủ pháp luật, thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đúng quy định pháp luật, không khuyến khích và cần phải ngăn chặn những hành động tiêu cực, phản ứng tiêu cực đối với bản án, quyết định của tòa án để tránh những cái chết không đáng có, những cái chết thương tâm làm xấu đi hình ảnh nền tư pháp Việt Nam.
Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG