Lịch sử và ý nghĩa của ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3

06/03/2018 17:07 | 6 năm trước

LSVNO – Hàng năm, cứ đến tháng 3, ai cũng sẽ nhắc đến ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3, nhưng không phải ai cũng hiểu hết về lịch sử và ý nghĩa của ngày này. Nhân kỷ niệm 108 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 (0...

LSVNO – Hàng năm, cứ đến tháng 3, ai cũng sẽ nhắc đến ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3, nhưng không phải ai cũng hiểu hết về lịch sử và ý nghĩa của ngày này. Nhân kỷ niệm 108 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 (08/3/1910 - 08/3/2018), chúng ta hãy tìm hiểu lại lịch sử để thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của ngày lễ này.

Lịch sử hình thành ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3

Lịch sử ngày 08/3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Ngày 08/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New York (của nước Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm.

Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc bọn chủ tư sản phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động Mỹ.

Ðến tháng 02/1909, lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức "Ngày phụ nữ" mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tại New York đã có 3.000 phụ nữ dự cuộc họp phản đối chính phủ công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.

Sau những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, châm ngòi và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.

Đến Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ II (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức ngày 08/3/1910, có 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin, phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới.

Hội nghị đã quyết định chọn ngày 08/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.

Từ đó, ngày 08/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

Ảnh minh họa.

Ý nghĩa ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3

Ở một số nước trên thế giới, ngày 08/3 được coi là ngày lễ chính trong năm và tổ chức rất lớn. Trong những xã hội này, đàn ông tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái,...

Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ, mang nặng đẻ đau những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia.

Tại một số quốc gia, ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm bằng những hoạt động liên hoan, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới, ở các vấn đề thực tiễn như mức lương, cơ hội giáo dục đào tạo và thăng tiến trong nghề nghiệp, hay là điều kiện an sinh xã hội, chống mại dâm và bạo lực đối với phụ nữ,...

Ngày Quốc tế Phụ nữ ở Việt Nam

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong đó, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu. Ngày 08/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.

Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa.

Cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành thắng lợi.

Từ nền tảng đó, phụ nữ Việt Nam luôn có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị... Đặc biệt, những năm gần đây, Việt Nam được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong những nước có "Phụ nữ tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới".

Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã có nhiều chương trình phối hợp hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”,... thông qua việc phát động phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; phong trào 5 không - 3 sạch; tích cực nắm bắt dư luận xã hội và tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ cả nước.

Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vận động hội viên tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, từ đó phát huy vai trò phụ nữ tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang.

Trong 365 ngày của một năm, phụ nữ có riêng một ngày để được xã hội quan tâm và bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong cuộc sống. Họ luôn âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và quan tâm hơn nữa từ một nửa kia còn lại của thế giới, chia sẻ với họ những khó khăn trong công việc và gia đình.

Minh Hồng (tổng hợp)