(LSO) - Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là biện pháp cưỡng chế mới được đề xuất bổ sung vào Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Chiều 22/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ đọc tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để, còn một số lượng không nhỏ quyết định chưa được chấp hành. Nguyên nhân là do quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của luật chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa bảo đảm tính khả thi.
Do đó, dự thảo sửa luật bổ sung biện pháp cưỡng chế mới là "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ".
Một vướng mắc khác trong thực tiễn được ông Long chỉ ra: Các phương tiện, kỹ thuật được sử dụng khá phổ biến, từ camera đặt xung quanh các trụ sở cơ quan, vườn hoa, công viên, phố đi bộ, các thiết bị giám sát hành trình của phương tiện giao thông… đều có thể ghi nhận được các hành vi vi phạm hành chính, nhưng pháp luật hiện hành chưa cho phép việc sử dụng kết quả thu được từ những thiết bị này để làm căn cứ xử phạt.
Thẩm tra Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết có 2 luồng ý kiến xoay quanh việc ngừng cấp điện, nước. Ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung thành biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ý kiến thứ hai đề nghị quy định thành biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng điện, nước là nhu cầu thiết yếu, là "nguyên liệu" quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như một biện pháp cưỡng chế để buộc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải thực hiện quyết định xử phạt (nộp tiền phạt) là chưa phù hợp, không tương xứng, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Nhất là khi điện, nước không phải là công cụ, phương tiện vi phạm.
Quy định như vậy là bảo đảm đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm, tương tự như biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính quy định tại Điều 125 của Luật hiện hành, góp phần bảo đảm nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm phải được ngăn chặn kịp thời”.
Quy định này cũng luật hóa biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đã từng được quy định ở văn bản dưới luật (Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2027 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng) để đình chỉ thi công công trình xây dựng trái phép.
Hơn nữa, ông Tùng cho biết Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành đã quy định nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có tính "trực tiếp" để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
LSO (t/h)