Loạn 'thần y': Nhìn từ hiện tượng 'nhà tôi ba đời' trên nền tảng Youtube

26/07/2021 15:21 | 3 năm trước

(LSVN) - Thực trạng trên cho chúng ta thấy rằng việc quản lý thông tin trên mạng xã hội chưa được thực hiện tốt, nhiều đối tượng đã lợi dụng sơ hở này để đưa thông tin dối trá, quảng cáo lừa dối đến cộng đồng xã hội. Những người bệnh, người dân cả tin là những đối tượng bị mắc bẫy của các "thần y" mạng này. Rõ ràng, các thông tin độc, thông tin bẩn và thông tin giả vẫn đang "đầu độc" người dân, gây ra tổn thương đối với cơ thể của người bệnh, và thậm chí của cơ thể của người lành không mang bệnh. Và hàng ngày khi mở Youtube hay truy cập vào các nền tảng xã hội khác, quảng cáo của các "thần y" tự xưng vẫn nhan nhản từng giờ, từng phút. 

Ảnh minh họa.

Trao gửi niềm tin vào “thần y” Youtube, tiền mất tật mang

Đông y hay ngành y học cổ truyền từ xa xưa đã luôn chiếm vị trí cao quý trong lòng người dân nước ta, đặc biệt trong lịch sử đã xuất hiện các thầy thuốc nổi tiếng được xem là bậc tổ của nghề y Việt Nam như Hải Thượng Lãn Ông, bậc danh y Tuệ Tĩnh, hay có nhiều thầy thuốc được người người dân tín nhiệm và phong danh “thần y”, ví dụ như thần y Hoa Đà ở Trung Quốc... Thầy thuốc là một nghề cao quý bởi họ là những người thực hiện sứ mệnh cao cả và thiêng liêng đó là chữa bệnh để cứu người. Nên từ thời xa xưa đến thời hiện đại, ngay cả khi nền y học phương Tây xuất hiện và phát triển ở Việt Nam, người dân vẫn tin vào việc cải thiện sức khỏe và chữa bệnh dựa trên nền tảng của sự kết hợp lý luận y học phương Ðông với kinh nghiệm chữa bệnh của cộng đồng 54 dân tộc được lưu truyền bằng việc sử dụng các nguồn dược liệu, thảo dược phong phú trong vùng nhiệt đới của nền y học cổ truyền Việt Nam.

Gần đây, từ nông thôn đến thành thị, từ phố thị đến vùng sâu vùng xa có lẽ ai cũng đã từng nghe đến danh các thần y ba đời tự xưng… phủ sóng Youtube với tần suất áp đảo. Những quảng cáo theo kiểu "Nhà tôi 03 đời nhận chữa...", "Nhà tôi ba đời chữa khỏi...", "Nhà tôi ba đời bán thuốc..." để quảng cáo cho những loại thuốc đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, ngập tràn Youtube.

Những video có những hình ảnh người phụ nữ mặc đồ đồng bào dân tộc, hoặc để khẳng định "uy tín", các video quảng cáo này còn mạo danh các nhà đài, kênh thông tin chính thống bằng cách cắt ghép nội dung, lồng ghép những phỏng vấn của chuyên gia y khoa lẫn người đã chữa bệnh và khỏi bệnh. Hiện tượng này trên mạng xã hội như nền tảng Facebook đã xuất hiện ở vài năm trước như quảng cáo giới thiệu chữa được tức thời các bệnh về gan, thận, yếu sinh lý... khỏi 100% chỉ sau vài liệu trình, hay chữa khỏi cả những ca bệnh nặng mà bệnh viện trả về gia đình. Nhưng sự thật về những "nhân vật" trong các video quảng cáo trên thật khó xác minh!

Các quảng cáo này đã đánh vào tâm lý lo lắng, cùng quẫn, bất an của người bệnh, “có bệnh thì vái tứ phương” và tâm lý tin tưởng thuốc nam, thuốc dân tộc, thuốc cổ truyền, thuốc thảo mộc lành tính, nhiều người bệnh đã không thực hiện kiểm chứng khoa học mà bất chấp mua về uống. Không những thế, dư luận thường gắn mác và truyền miệng về những "thần y", "thần dược" khiến người bệnh dễ dàng tin theo, phó thác sức khoẻ và tính mạng cho những "lang băm mạng". Nhiều người bệnh hoang mạng tìm đến tận “thần y” để được chữa bệnh, cầu mong một cơ hội “sống” mong manh.

Các “thần y” Youtube, “thần y” mạng xã hội tự xưng này đã lợi dụng niềm tin của người bệnh đối với y học cổ truyền để kiếm tiền một cách dễ dàng. Và cái giá phải trả của việc trao niềm tin dễ dàng không chỉ là mất mát tiền bạc, thời gian, công sức, và không ít trường hợp rước thêm họa, bệnh tật vào thân.

Thực trạng trên cho chúng ta thấy rằng việc quản lý thông tin trên mạng xã hội chưa được thực hiện tốt, nhiều đối tượng đã lợi dụng sơ hở này để đưa thông tin dối trá, quảng cáo lừa dối đến cộng đồng xã hội. Những người bệnh, người dân cả tin là những đối tượng bị mắc bẫy của các “thần y” mạng này. Rõ ràng, các thông tin độc, thông tin bẩn và thông tin giả vẫn đang “đầu độc” người dân, gây ra tổn thương đối với cơ thể của người bệnh, và thậm chí của cơ thể của người lành không mang bệnh. Và hàng ngày khi mở Youtube hay truy cập vào các nền tảng xã hội khác, các quảng cáo của các “thần y” tự xưng vẫn nhan nhản từng giờ từng phút. 

Quảng cáo trên Youtube và lỗ hổng kiểm duyệt

Youtube  là một “gã khổng lồ” mạng xã hội video với hơn 02 tỉ người dùng, phù hợp tiếp thị cho hầu hết tất cả các lĩnh vực từ du lịch & khách sạn, thời trang, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe… Tại Việt Nam, với hơn 96 triệu dân số, có khoảng 72 triệu người ở Việt Nam hoạt động trên mạng xã hội, và chiếm 73,7% dân số cả nước.

Dữ liệu về sử dụng mạng xã hội trực tuyến và dịch vụ tin nhắn. Ảnh: Hootsuite & Wearesocial.

YouTube được thống kê là nền tảng mạng xã hội đạt lượng truy cập nhiều nhất tại Việt Nam với tỉ lệ người dùng là 92%, theo báo cáo mới nhất tháng 01/2021 của GWI - Global Web Index.com.

Các nền tảng mạng xã hội trực tuyến được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Ảnh: Hootsuite & Wearesocial.

Quảng cáo trên Youtube là một dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Google, được hiển thị trên Youtube. Đây là dạng quảng cáo mất phí để hiển thị những đoạn video giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ đến những đối tượng khách hàng tiềm năng trên Youtube. Theo phân tích của Kepios, công bố vào tháng 01/2021, hiện có 55,7 triệu người Việt Nam là khách hàng tiềm năng đối với các quảng cáo trên Youtube.

Thống kê khách hàng tiềm năng đối với quảng cáo trên Youtube tại Việt Nam. Ảnh: Hootsuite & Wearesocial.

Tuy nhiên, lỗ hổng trong kiểm duyệt nội dung đang dần khiến Youtube trở thành nền tảng "quảng cáo trá hình" cho các loại thuốc đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Theo Luật Dược 2016 của Việt Nam, thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vaccine và sinh phẩm. 

Các thuốc (bao gồm cả thuốc cổ truyền) bị cấm quảng cáo tại Việt Nam bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn nhưng thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Các loại thuốc được phép quảng cáo tại Việt Nam phải thỏa mãn các điều kiện: Thuộc danh mục thuốc không kê đơn và không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; và có giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam). Đồng thời, việc quảng cáo thuốc (đối với loại thuốc được phép quảng cáo) phải tuân thủ quy trình chặt chẽ trong Luật Dược 2016 và các quy định pháp luật về quảng cáo có liên quan, trong đó nội dung quảng cáo thuốc phải được Bộ Y tế cấp giấy xác nhận nội dung trước khi truyền tải quảng cáo thuốc đến công chúng.

Như vậy, để có thể quảng cáo đối với thuốc cổ truyền tại Việt Nam, xét về loại thuốc, thuốc cổ truyền phải thuộc danh mục là thuốc không kê đơn và không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc không thuộc trường hợp sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cũng như thõa mãn các quy định khác về quy trình thủ tục quảng cáo.

Xem xét riêng chính sách quảng cáo của Google, Google hạn chế quảng cáo thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, một số nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe chỉ được quảng cáo hạn chế và chỉ được phép khi quốc gia chấp thuận.  Cụ thể thuốc kê đơn chỉ được phép quảng cáo hạn chế tại 03 quốc gia chấp thuận, không có Việt Nam và thuốc không kê đơn chỉ được quảng cáo ở hơn 20 quốc gia, không có Việt Nam.

Như vậy, Việt Nam không cho phép việc quảng cáo thuốc (bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn) trên nền tảng Youtube. Tóm lại, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo, thuật ngữ “thuốc” không được cho phép quảng cáo trên Youtube tại Việt Nam.

Để lách khỏi chính sách kiểm duyệt siết chặt các quảng cáo có nội dung liên quan về thuốc của Youtube - Google, các tài khoản muốn đăng quảng cáo trên Youtube đã lách kiểm duyệt bằng cách khi khai báo thông tin thì sẽ không khai báo là thuốc, mà thay vào đó là thực phẩm chức năng, sản phẩm đông y, sản phẩm gia truyền... Dù trong đoạn video quảng cáo có nội dung đây là sản phẩm có tác dụng “chữa khỏi”, “chữa dứt điểm” vô số bệnh. Từ đó các quảng cáo thuốc đông y, bài thuốc gia truyền, hay thực phẩm chức năng này dễ dàng tiếp cận một lượng lớn người dùng của Youtube.

Các quảng cáo này đã lừa dối người tiêu dùng về công dụng, chức năng sản phẩm, đồng thời lách được thuật toán kiểm duyệt của Google. Đồng thời, khi người đăng quảng cáo không xem xét các sản phẩm quảng cáo là thuốc, thì các quy định về quảng cáo thuốc cũng không thể áp dụng cho các trường hợp quảng cáo này. Theo các chuyên gia y tế, các sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh như lời quảng cáo. Các bệnh mãn tính như xương khớp, tiểu đường, thoái hóa cột sống… không thể chữa khỏi hoặc chỉ đỡ một thời gian, như vậy các lời quảng cáo “nhà tôi ba đời chữa khỏi”, “dùng một liệu trình là khỏi hoàn toàn”, “ chữa khỏi bệnh sau khi bệnh nhân điều trị tại bệnh viện không hiệu quả”, “không lấy tiền nếu chữa bệnh không khỏi”… đều thổi phồng công dụng sản phẩm, nói sai sự thật về sản phẩm, có tính chất lừa dối người tiêu dùng.

Ngoài ra, đối với quảng cáo thực phẩm chức năng, mặc dù sản phẩm chức năng không thuộc trường hợp cấm quảng cáo, nhưng việc quảng cáo thực phẩm chức năng cũng chỉ được thực hiện sau khi các cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo như Cục Quản lý dược, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế. Vậy, liệu các sản phẩm quảng cáo cam kết “chữa khỏi”, “dứt điểm” tràn lan trên mạng xã hội liệu có được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo bởi cơ quan chức năng hay không sẽ là câu hỏi cần được trả lời bởi cơ quan quản lý trong thời gian sớm!

Nhận diện quảng cáo lừa dối và tăng cường việc xử phạt

Quảng cáo luôn được coi là một công cụ hữu hiệu trong việc thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của mình. Kinh doanh trên không gian mạng, đặc biệt là Youtube, nhiều đơn vị đăng kí kinh doanh thực phẩm chức năng đang mặc sức lừa dối người tiêu dùng về sản phẩm của mình, và người tiêu dùng ở vị trí yếu thế hơn đang là đối tượng dễ dàng bị lợi dụng. Mặc dù “quảng cáo lừa dối” chưa được định nghĩa cụ thể trong văn bản pháp luật, nhưng Luật Quảng cáo 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đề cập tới hành vi này thông qua quy định liệt kê một số hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo với nhiều thuật ngữ đa dạng: “Quảng cáo thương mại sai sự thật” trong Luật Thương mại 2005, “Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn” trong Luật Cạnh tranh, “Quảng cáo thuốc sai sự thật hoặc nhầm lẫn” trong Luật Dược, “Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn” trong Luật An toàn thực phẩm, “Thông tin quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối”… trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa”…

Luật Quảng cáo 2012 cấm các hành vi quảng cáo trên, cụ thể tại khoản 9, Điều 8: "Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố".

Như vậy, các quảng cáo “nhà tôi ba đời” là các hành vi lừa dối người tiêu dùng, có thể khiến người tiêu dùng hiểu sai, hiểu chưa đúng về công dụng sản phẩm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về tính năng, tác dụng của sản phẩm. Từ đó, người tiêu dùng thực hiện việc giao dịch, mua sản phẩm, sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng.

Tăng nặng mức độ xử phạt hành vi vi phạm

Hành vi quảng cáo lừa dối tùy theo mức độ vi phạm và mức độ gây thiệt hại, người vi phạm pháp luật về quảng cáo có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo mới ban hành vào ngày 29/3/2021, có hiệu lực từ 01/6/2021 đã tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo lừa dối, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, bên cạnh yêu cầu người vi phạm có trách nhiệm tháo gỡ, tháo dỡ, hoặc xóa quảng cáo vi phạm, và buộc cải chính thông tin bị sai. Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì còn có thể bị tuy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Quảng cáo gian dối", với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

Như vậy, đối với các video quảng cáo lừa dối trên Youtube, những người vi phạm pháp luật quảng cáo bao gồm: Người quảng cáo (chủ tài khoản Google Ads); Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; Người phát hành quảng cáo (Youtube); Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (cá nhân, MC, hay nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng công chúng… tham gia trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng như giới thiệu về sản phẩm quảng cáo trong các video) đều có thể bị xử phạt hành chính bởi cơ quan chức năng hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, cơ quan chức năng yêu cầu Youtube và những người vi phạm tháo gỡ các video quảng cáo lừa dối trên nền tảng này.

Tăng cường phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước

Mới đây nhất, vào ngày 31/3/2021, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp với tình trạng loạn "thần y" tự xưng trên mạng xã hội hiện nay. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để sớm xử lý hiện tượng này là rất cần thiết, cấp bách, và cần sự phối hợp linh hoạt, cẩn trọng nhận dạng chính xác hành vi vi phạm để có biện pháp xử phạt phù hợp. Càng ngày các đối tượng vi phạm tinh vi, tìm cách để tránh khỏi sự ràng buộc chặt chẽ của quy định pháp luật về quảng cáo thuốc, thay vào đó là quảng cáo sản phẩm gia truyền, quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng và từ đó thoát khỏi các thuật toán kiểm duyệt Youtube.

Do đó, các quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, dịch vụ khám chữa bệnh... phải được cấp phép chứ không phải chỉ chịu sự "kiểm duyệt" của nền tảng mạng của Youtube, Google như hiện nay.

Do đó, cơ quan Bộ Y tế và các cơ quan chức năng của Bộ như Cục Khám chữa bệnh, Cục quản lý dược, Cục An toàn thực phẩm, và cơ quan quản lý thị trường - Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương và các cơ quan khác nên tiến hành trao đổi, nhận diện chính xác các loại hành vi vi phạm, từ đó các cơ quan xác lập rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn, và phương thức phối hợp để kịp thời xử lý những trường hợp quảng cáo "thần y", "thần dược" sai sự thật.

Đối với Google, các lỗi vi phạm đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và thuốc được xem là các lỗi rất nghiêm trọng và "nếu phát hiện thấy các lỗi vi phạm chính sách này, Youtube sẽ tạm ngưng tài khoản Google Ads của người quảng cáo ngay khi phát hiện và không có cảnh báo trước, đồng thời sẽ không cho phép tài khoản vi phạm của người quảng cáo tiếp tục quảng cáo với Youtube nữa". 

Hiện nay, chủ tài khoản Google Ads rất linh hoạt, khi tài khoản này vi phạm, ngay lập tức sẽ có rất nhiều tài khoản khác được thiết lập và yêu cầu quảng cáo, do đó để xử lý số trường hợp các quảng cáo gian dối ngày càng gia tăng rầm rộ trên nền tảng Youtube, cơ quan chức năng cần trao đổi trực tiếp với nền tảng này và thiết lập các yêu cầu pháp lý cần thiết, các kênh trao đổi nhanh chóng ngay khi phát hiện vi phạm để Youtube nâng cao các thuật toán, tự nhận diện các trường hợp quảng cáo vi phạm pháp luật tại thị trường Việt Nam, và có các hành động ngưng quảng cáo kịp thời, tháo gỡ các video quảng cáo nói trên.

BẠCH THỊ NHÃ NAM

Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, NCS Đại học Griffith, Úc

Nên mở rộng đối tượng đặc xá, tha tù trước thời hạn nhằm chống dịch