Ảnh minh họa.
Khái quát chung của pháp luật hình sự về lỗi cố ý
Khái niệm về lỗi cố ý
Ở góc độ pháp lý, trong mỗi ngành luật cũng có định nghĩa về lỗi khác nhau, mà tiêu biểu là trong hai lĩnh vực khoa học luật lớn là khoa học luật hình sự và khoa học luật dân sự; trong khoa học luật dân sự, lỗi là điều kiện để những người không thực hiện nghĩa vụ, hoặc thực hiện không đúng không đầy đủ nghĩa vụ, cũng như những người đã gây thiệt hại về vật chất phải chịu trách nhiệm dân sự.
Trong luật dân sự, lỗi cũng có thể có hai hình thức là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, thông thường nếu không có lỗi sẽ không có trách nhiệm dân sự, người nào không thực hiện nghĩa vụ của mình, hoặc đã cố ý gây thiệt hại (lỗi cố ý), hoặc có thể tránh khỏi thiệt hại nhưng do thiếu sự quan tâm cần thiết và không phòng xa (lỗi vô ý), bị coi là có lỗi trong dân sự. Dưới góc độ khoa học luật hình sự, cũng có nhiều điểm khác nhau về lỗi, tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu đều cho quan rằng lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do người đó thực hiện và đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
Từ những phân tích nêu trên có thể đưa ra khái niệm về lỗi cố ý như sau: “Lỗi cố ý là hành vi của một người khi đặt trong các trường hợp và hoàn cảnh cụ thể, trong trạng thái nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm do hành vi đỏ gây ra, mặc dù có khả năng và có đầy đủ điều kiện lựa chọn một hành vi xử sự khác ít nguy hiểm cho xã hội hơn, nhưng vẫn chọn hành vi xử sự đó”.
Đặc điểm về lỗi cố ý
Về bản chất, lỗi cố ý thuộc mặt chủ quan, là phạm trù thuộc ý thức của người phạm tội. Phản ánh thái độ và cách xử sự của con người. Là sản phẩm của quá trình phản ánh của con người trước những gì xảy ra bên ngoài thế giới khách quan, đang tác động đến họ. Về hình thức biểu hiện, lỗi cố ý được biểu hiện ra bên ngoài, được mọi người đánh giá, nhận biết thông qua việc chủ thể thực hiện các hành vi khách quan, trong đó có các hành vi nguy hiểm cho xã hội được mô tả trong các quy định của Bộ luật Hình sự, và các hành vi biểu hiện thái độ của mình đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà mình thực hiện và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra.
Yếu tố lỗi cố ý mang tính chủ thể và gắn liền với mối chủ thể nhất định, nghĩa là để đánh giá một người là có lỗi cố ý hay không phải phụ thuộc vào chủ thể thực hiện các hành vi phạm tội có khả năng nhận thức và điều khiển được hành vi của mình hay không. Vì bản chất của lỗi có ý là thái độ, là phản ứng của con người trước một hiện tượng, sự vật khách quan.
Yếu tố lỗi cố ý mang tính hoàn cảnh và phải phụ thuộc vào hoàn cảnh để đánh giá. Cụ thể, nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong hoàn cảnh có khả năng lựa chọn được cách xử sự khác, mà vẫn lựa chọn cách xử sự gây nguy hiểm cho xã hội thì người đó được coi là có lỗi cố ý, Hoàn cảnh khách quan còn phụ thuộc vào định kiến xã hội vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở mỗi thời kỳ, mà xã hội quy định những chuẩn mực cư xử trong mỗi hoàn cảnh khác nhau.
Lỗi cố ý luôn được thể hiện trên các mặt lý trí và ý chí. Lý trí, thể hiện khả năng nhận thức của một người đối với những yêu cầu đòi hỏi của xã hội khi thực hiện một hành vi nhất định. Ý chỉ, thể hiện khả năng lựa chọn điều khiển hành vi của một người, khi thực hiện hành vì nào đó, trên cơ sở khả năng nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi của mình.
Lỗi cố ý gián tiếp theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Cố ý gián tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Như vậy, lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (Điều 10 Bộ luật Hình sự).
Giống như phạm tội do lỗi cố ý trực tiếp, phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp không chỉ bao gồm trường hợp người phạm tội thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình có thể xảy ra, mà còn bao gồm trường hợp người phạm tội thấy trước hậu quá đó tất yếu sẽ xảy ra. Nhưng khác với trường hợp phạm tội do lỗi cố ý trực tiếp, trường hợp phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp người phạm tội không mong muốn cho hậu quả xảy ra, nghĩa là hậu quả phạm tội xảy ra không nằm trong mục đích hành động của người phạm tội, cũng không phải là phương tiện cần thiết mà người phạm tội mong muốn thực hiện để đạt đến mục đích phạm tội nào đó khi người đó thấy trước hậu quả tất yếu sẽ xảy ra mà thái độ tâm lý của người phạm tội trong trường hợp phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp là không quan tâm đến hậu quả xảy ra. Đối với người phạm tội hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra hay không xảy ra đều không có ý nghĩa gì.
Nói cách khác, thái độ tâm lý của người phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp là thờ ơ, bàng quan, chấp nhận đối với hậu quả xảy ra, mặc dù đã thấy trước hậu quả đó có thể xảy ra hoặc tất yếu xảy ra. Điều 10 Bộ luật Hình sự quy định chủ thể “tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc...”. Khi đã để mặc hay chỉ là chấp nhận hành vi thì bao giờ cũng có hai khả năng, hành vi sẽ xảy ra hoặc không xảy ra - tức là hành vi sẽ được thực hiện hoặc không được thực hiện.
Về ý chí, người phạm tội không mong muốn hậu quả đó mà họ có thái độ để mặc cho hậu quả xảy ra (hậu quả xảy ra cũng được, không xảy ra cũng được). Tuy nhiên, họ đã mong muốn hành vi nguy hiểm được thực hiện để đạt được mục đích khác của họ. Và cũng vì lẽ đó họ chấp nhận hậu quả xảy ra khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Ở trường hợp phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp, sự thấy trước hậu quả chi là thấy trước hậu quả có thể xảy ra, không thể có trường hợp người phạm tội đã thấy trước hậu quả tất nhiên xảy ra mà họ có thái độ để mặc, không mong muốn hậu quả đó khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mặt khác, hậu quả nguy hiểm đã xảy ra không phù hợp với mục đích của người phạm tội mà chỉ phần nào đáp ứng mục đích của người phạm tội.
Khác với cố ý trực tiếp, đối với cố ý gián tiếp hậu quả không phải là kết quả tất yếu của hành vi phạm tội, không phải là mục đích cuối cùng, cũng không phải là điều kiện, biện pháp để đạt được mục đích cuối cùng. Đối với người phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp thì hậu quả nguy hại là kết quả phụ, đi theo của hành vi nhằm đạt được mục đích khác (mang tính chất tội phạm hoặc không). Định nghĩa cố ý gián tiếp tại Điều 10 Bộ luật Hình sự giới hạn đặc điểm được chủ thể chấp nhận là hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó, định nghĩa cố ý trực tiếp cùng gắn với hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Điều này chỉ làm cho định nghĩa tại Điều 10 Bộ luật Hình sự chỉ đúng với các tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất. Trong thực tế, chủ thể của tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức có thể mong muốn (có ý trực tiếp) hoặc chấp nhận (cố ý gián tiếp) hành vi phạm tội trên cơ sở mong muốn hoặc chấp nhận đặc điểm nhất định mà không phải là đặc điểm hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Thấy trước tính chất hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi đó, đó là trường hợp người phạm tội đã có suy nghĩ, đã hiểu bản chất của hành vi phạm tội là trái pháp luật, trái đạo đức, bị xã hội lên án, bị xử lý theo pháp luật, hành vi ấy sẽ gây ra hậu quả tác hại. Người phạm tội đã hình dung, tiên đoán, dự liệu trước hậu quả sẽ xảy ra một cách tương đối chính xác, tuy nhiên họ đã mong muốn hoặc đề mặc cho thiệt hại xảy ra. Mong muốn thiệt hại xảy ra là trường hợp người phạm tội cỏ ý muốn, quyết tâm gây ra hậu quả tác hại nhằm đạt được mục đích của mình khi phạm tội. Để mặc cho hậu quả xảy ra là trường hợp người phạm tội không mong muốn gây ra hậu quả tác hại, nhưng họ đã coi thường hậu quả cho rằng hậu quả ấy không ảnh hưởng gì đến họ hoặc họ biết hậu quả tác hại sẽ xảy ra nhưng cứ để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Giải pháp nâng cao hiệu quả việc áp dụng chế định về lỗi cố ý
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiên theo hướng mô tả rõ dấu hiệu cố ý hay vô ý trong các cấu thành tội phạm. Hiện nay, mới chỉ có 21 cấu thành tội phạm được nêu rõ lỗi cố ý hay vô ý điều này chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Chính vì vậy những nhà làm luật cần sửa đổi bổ sung theo hướng mô tả rõ dấu liệu lỗi cố ý hay vô ý trực tiếp tại các điều luật. Đối tượng chủ yếu và trước hết của luật hình sự là các tội phạm cố ý, số tội cố ý được quy định luôn chiếm đa số. Xuất phát từ việc các cấu thành tội phạm với lỗi vô ý ít hơn lỗi cố ý do đó Bộ luật Hình sự cần sửa đổi theo hướng quy định rõ cấu thành tội phạm nào là cấu thành tội phạm với lỗi vô ý. Và những cấu thành tội phạm còn lại thì mặc nhiên hiểu rằng đó là cấu thành tội phạm có lỗi cố ý.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện theo hướng đặt tội danh đòi hỏi trước hết phải rõ ràng về loại tội là cố ý hay vô ý. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 cũng đã có điều luật quy định rõ là lỗi cố ý hay vô ý ví dụ như tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" (Điều 135). Việc mô tả rõ lỗi khi đặt tội danh tức là xác định lỗi đi kèm với tội danh như vậy chỉ cần nhìn vào điều luật có thể biết đó là tội với lỗi cố ý hay vô ý.
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm theo đường lối, chính sách của Đảng pháp luật nhà nước và xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về lỗi cố ý thì vấn đề nâng cao trình độ, nhận thức về lỗi cố ý của đội ngũ cán bộ làm công tác tiến hành tụng cũng rất quan trọng. Do đó, cần nâng cao trình độ, nhận thức về lỗi cố ý của đội ngũ cán bộ làm công tác tiến hành tố tụng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tránh trường hợp oan sai.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Phần chung, Nxb. CAND, Hà Nội, 2018;
3. Nguyễn Ngọc Hoà (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, Được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần chung) Nxb. Tư Pháp, Hà Nội, 2017.
NGUYỄN PHI HÙNG
Tòa án Quân sự Quân khu 4
Trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với người nước ngoài