/ Kết nối
/ Lựa chọn SGK theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT: Xuất hiện những bất cập

Lựa chọn SGK theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT: Xuất hiện những bất cập

18/05/2021 03:54 |4 năm trước

(LSVN) - Việc triển khai công tác lựa chọn sách giáo khoa (SGK) Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 đã và đang được đánh giá là có nhiều thay đổi hơn so với năm học trước. Tuy nhiên, khi kết quả việc lựa chọn SGK của một số tỉnh, thành phố được công bố thì cũng là lúc xuất hiện những bất cập và điều đó có thể khiến cho việc lựa chọn SGK này không đạt được mục tiêu như đề ra.

Tờ trình đề nghị phê duyệt danh mục SGK lớp 02, lớp 06 của Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ.

Theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2021-2022 sẽ áp dụng thay SGK lớp 02 và lớp 06. Khác với việc lựa chọn SGK lớp 01, năm học 2020-2021 do các trường tự quyết định thì với SGK lớp 02 và lớp 06, năm học 2021-2022 thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh.

Cụ thể, việc lựa chọn SGK năm học 2021-2022 được thực hiện theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 28/6/2020 của Bộ GD&ĐT. Song song với đó, việc lựa chọn SGK này còn dựa trên một số tiêu chí đặc thù và thực tiễn giáo dục tại địa phương. Mục đích của thông tư này là nhằm giúp cho các địa phương chủ động lựa chọn mỗi môn học ở một khối lớp một hoặc một số bộ SGK với nguyên tắc lựa chọn công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Theo đó, mỗi cơ sở giáo dục sẽ chọn ít nhất 01 bộ SGK cho mỗi môn học và gửi Sở GD&ĐT tổng hợp, chuyển cho hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh thảo luận, đánh giá mỗi SGK theo các tiêu chí được UBND cấp tỉnh ban hành, bỏ phiếu và lựa chọn sách cho mỗi môn học. Kết quả lựa chọn của các hội đồng được chuyển cho Sở GD&ĐT để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Danh mục SGK lớp 2, lớp 6 kèm theo Tờ trình của Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ.

Sách được lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có sách nào đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn.

Trên cơ sở kết quả bỏ phiếu của hội đồng cấp tỉnh, UBND các tỉnh, thành phố sẽ phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.

Mặc dù, thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT có những quy định mang tính chuyển tiếp và kế thừa để việc chọn SGK dù của UBND cấp tỉnh cũng sẽ không phủ nhận việc chọn SGK của cấp trường trước đó, bảo đảm SGK được dùng ổn định, không bị xáo trộn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy trình lựa chọn SGK cũng bộc lộ một số bất cập.

Theo bạn đọc N.T.T.L. (tên đã được thay đổi theo yêu cầu), việc thực hiện một chương trình, nhiều SGK hướng tới 02 mục tiêu lớn là phù hợp với thực tiễn vùng miền và đặc điểm của từng cơ sở giáo dục. Việc dạy học cần phân hóa các nhóm đối tượng khác nhau để có phương pháp, cách tổ chức dạy học phù hợp. Muốn thế thì cần đa dạng hóa các tài liệu dạy học để vừa sức với từng nhóm đối tượng. Do đó, cần có nhiều SGK biên soạn dựa trên chương trình chung đã được công bố.

Quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 02 của UBND tỉnh Yên Bái.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, mỗi địa phương có thể lựa chọn 01 bộ SGK cho mỗi môn học. Và thực tế tại một số địa phương, có môn học cũng chỉ chọn duy nhất 01 bộ SGK. Điều này vô hình chung đã làm mất đi ý nghĩa của việc lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhất là nhận thức của học sinh mỗi nhà trường.

Một mắt xích quan trọng trong việc lựa chọn SGK chính là sự lựa chọn của hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh. Thành viên hội đồng được yêu cầu là những người có năng lực, kinh nghiệm dạy học và quản lý. Trong đó, 2/3 là Tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo viên (GV) trực tiếp đứng lớp và có đại diện cho từng địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau.

Vấn đề chị L. đặt ra là, vì sao một hội đồng với nhiều thành phần như vậy nhưng lại chỉ chọn được duy nhất 01 bộ SGK, bởi nếu bỏ phiếu kín, không ai chỉ đạo thì rất dễ khác nhau; sự ngẫu nhiên theo cách nhìn nhận của mỗi người khác nhau nên kết quả sẽ khác nhau.

Hiện chưa thể khẳng định, có yếu tố nào “tác động” để dẫn đến việc lựa chọn duy nhất 01 bộ SGK, nhưng sự nguy hại của việc chọn SGK nếu theo chỉ đạo hay vì lý do nào khác ắt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?

Bên cạnh đó, trách nhiệm chủ động của GV được đánh giá là yếu tố quan trọng đối với việc triển khai chương trình mới. Chính vì thế, dù năm nay quyền chọn sách thuộc về UBND các tỉnh, thành phố, nhưng cũng cần nêu cao vai trò của các nhà trường. Bởi giáo viên, nhà trường chính là người hiểu cuốn sách nào phù hợp nhất và chịu trách nhiệm chính về chất lượng giáo dục của học sinh, của nhà trường. Và SGK do chính GV chọn lựa thì họ sẽ có thiện cảm, cảm xúc trong dạy học hơn là những sách mà chính họ không đồng ý lựa chọn.

Danh mục SGK lớp 2 kèm theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Yên Bái.

Tình huống đặt ra là, nếu kết quả bỏ phiếu lựa chọn sách của hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh không đồng nhất với đề xuất của GV và các cơ sở giáo dục phổ thông thì điều gì sẽ sảy ra? Việc này có thể khiến lãnh đạo đơn vị trường học có tư tưởng cho rằng, kết quả lựa chọn SGK ở cấp cơ sở không mang tính quyết định và cũng chẳng có ý nghĩa gì nên chỉ cần tổ chức lựa chọn qua loa. Điều đó còn dẫn tới việc, các trường sẽ không chọn được SGK phù hợp với nguyện vọng của GV và phụ huynh học sinh…

Ở đây, bài toán cần giải quyết là làm thế nào để ý chí của những người đứng đầu địa phương trong việc lựa chọn SGK phải phù hợp với nguyện vọng của đa số GV trực tiếp dạy học, tránh áp đặt từ trên xuống, trong khi điều kiện dạy học của mỗi trường một khác.

Mặt khác, các bộ SGK đều đã được Hội đồng quốc gia thẩm định. Như vậy, về bản chất, các bộ sách đều đảm bảo chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT. Vậy tại sao cần phải có hội đồng cấp tỉnh lựa chọn lại khi các nhà trường đã có sự lựa chọn rồi? Tại sao UBND cấp tỉnh lại đưa ra quyết định lựa chọn 01 hoặc một vài bộ sách trong khi các bộ sách đều đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua?

"Do đó, thay vì chọn những sách đạt trên 1/2 số phiếu đồng của hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh lựa chọn, các tỉnh, thành phố nên chọn một số bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, sao cho phù hợp với đặc điểm của mỗi nhà trường, khu vực, đồng thời góp phần tránh được câu chuyện đi đêm, móc ngoặc trong chọn lựa SGK", chị L. bày tỏ quan điểm.

Những bất cập nêu trên của Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 28/6/2020 của Bộ GD&ĐT sẽ được nhìn nhận tiếp theo như thế nào, có hay không “sự luẩn quẩn nào đó” đối với vấn đề SGK mà đến giờ vẫn chưa thoát ra được và còn tiếp tục loay hoay…

MINH TUẤN - NGUYỄN THƯƠNG

Quan điểm của độc giả sau phản ánh SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start lớp 1 và lớp 2 có sai sót

Lê Minh Hoàng
LSVN