/ Pháp luật - Đời sống
/ Luật sư của Thủy Tiên - Công Vinh nói gì về căn cứ vụ nộp đơn tố cáo hành vi vu khống liên quan đến tiền từ thiện

Luật sư của Thủy Tiên - Công Vinh nói gì về căn cứ vụ nộp đơn tố cáo hành vi vu khống liên quan đến tiền từ thiện

26/09/2021 10:35 |

(LSVN) - Đánh giá về quy định, mức xử phạt của pháp luật liên quan đến các hành vi xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, Luật sư cho rằng, các hành vi này không chỉ gây ra những tác động tiêu cực về mặt đạo đức mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt pháp lý.

Luật sư Phan Vũ Tuấn (phải) cùng vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh tại buổi sao kê số tiền từ thiện kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung.

Vừa qua, liên quan đến vụ việc Thủy Tiên - Công Vinh đã vụ nộp đơn tố cáo hành vi vu khống liên quan đến tiền từ thiện lên Bộ Công an, Luật sư Phan Vũ Tuấn (Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam), đại diện pháp lý của vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh đã có những trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số thông tin diễn biến vụ việc cũng như các vấn đề pháp lý liên quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Trước đó, Luật sư Tuấn cho biết đã hoàn thiện 03 bộ hồ sơ tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an và đang khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị khởi kiện tại Tòa án.

Theo Luật sư Tuấn, tại Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận và việc thực hiện quyền tự do ngôn luận do pháp luật quy định. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ chế độ xã hội; bảo vệ Nhà nước và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Bởi lẽ, Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình và Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Nếu quyền tự do ngôn luận được thực hiện trên không gian mạng thì điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

“Trước những phát ngôn xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống của ông bà Lê Công Vinh – Trần Thị Thủy Tiên, chúng tôi đã gửi 03 bộ hồ sơ tố giác tội phạm đến các cơ quan Công an. Theo đó, chúng tôi sẽ phối hợp với vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh sẵn sàng cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng sau khi nhận đơn sẽ xem xét các hành vi bị tố cáo, tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm sẽ xử lý đơn theo quy định của pháp luật. Chúng tôi bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào sự kịp thời và công tâm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm rõ sự việc”, Luật sư Tuấn thông tin.

Đánh giá về quy định, mức xử phạt của pháp luật liên quan đến các hành vi xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, Luật sư Tuấn cho rằng, các hành vi này không chỉ gây ra những tác động tiêu cực về mặt đạo đức mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt pháp lý.

Ở khía cạnh đạo đức, trong vụ việc của ca sĩ Thủy Tiên, cá nhân ca sĩ Thủy Tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng về danh dự, uy tín, cũng như đang phải gánh chịu những tổn thất to lớn về tinh thần do những lời lẽ tấn công mang tính bôi nhọ, vu khống. Không những vậy, mà gia đình, những tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên cũng như những nhãn hàng mà ca sĩ Thủy Tiên đang là đại diện thương hiệu cũng đều đang bị ảnh hưởng.

Ở khía cạnh pháp lý, hành vi xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác tùy vào mức độ gây hại mà có thể bị xử lý hành chính, hình sự, dân sự. Theo đó:  

Về hành chính, điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác (nhân đôi mức phạt đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm).

Điểm l khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân khác (nhân đôi mức phạt đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm).

Về hình sự, điểm a khoản 1, điểm e khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định người nào thực hiện hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức thì thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Về dân sự, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Cá nhân bị người khác xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp và có tổn thất phát sinh có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu người thực hiện hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.

“Chúng tôi khẳng định chúng tôi lựa chọn áp dụng các biện pháp pháp lý phù hợp để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Thủy Tiên - Công Vinh trước tình trạng các tổ chức, cá nhân có những hành vi vu khống, nói xấu, đăng tải, lan truyền các thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nữ ca sĩ, trong đó có doanh nhân Phương Hằng. Con đường tố tụng tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chính là con đường giải quyết vụ việc một cách thỏa đáng, công khai, minh bạch trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của ca sĩ Thủy Tiên cùng tất cả cá nhân, tổ chức khác có liên quan”, Luật sư Tuấn chia sẻ.

Ngoài Công Vinh - Thủy Tiên, trước đó, nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng đã gửi đơn tố cáo bà Phương Hằng. Nhiều người cho rằng việc các nghệ sĩ quyết định lựa chọn biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của bản thân như nêu trên là phù hợp.

PHƯƠNG HOA

Thủy Tiên - Công Vinh nộp đơn tố cáo hành vi vu khống liên quan đến tiền từ thiện lên Bộ Công an

Lê Minh Hoàng