Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.
Đến hẹn lại lên, Hà Nội đã bình yên bước vào sự nhẹ nhàng của sắc thu. Trời thu xua bớt đi cái oi bức, nóng nực và hối hả của mùa hạ. Tính ra, tôi đã vào nghề và hành nghề Luật sư ngót nghét cũng 15 năm. Từ một anh chàng sinh viên luật mới ra trường với bao hoài bão, dự định cho đến một Luật sư có thể nói là “lành nghề” là cả một quá trình nỗ lực với biết bao kỉ niệm. Cứ đến Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10 hàng năm, bản thân tôi lại có cảm giác bồi hồi, một chút tự hào, một chút kích động về chính bản thân mình, về nghề nghiệp của mình.
Theo dòng lịch sử, nghề Luật sư cũng gắn bó cùng với sự phát triển của dân tộc qua các thời kỳ. Ngày 10/10/1945, Sắc lệnh số 46/SL quy định cho duy trì các tổ chức đoàn thể Luật sư. Sau này, ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam. Nghề Luật sư phát triển, hỗ trợ theo sự phát triển của đất nước, góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật cũng như bảo vệ các quyền của con người, quyền công dân.
Là một Luật sư, tôi tự hào về nghề của mình và gắn bó với sự tự hào đó lâu dài. Nghề nào cũng vậy, có khó khăn nhưng cũng có thuận lợi và niềm vui. Năm 2020 và năm 2021 có thể nói là một trong những cơ hội và thách thức rất lớn đối với các Luật sư. Dịch bệnh diễn ra ở nhiều địa phương với quy mô và mức độ nghiêm trọng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động hành nghề của Luật sư. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động tư vấn, tố tụng gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù nghề Luật sư là một trong những ngành nghề được liệt kê vào những ngành nghề dịch vụ được phép hoạt động, tuy nhiên với sự “thay đổi chóng mặt” của các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội và “áp dụng máy móc” của một vài địa phương thì hoạt động hành nghề của Luật sư bị trì trệ. Các phiên tòa hầu hết bị tạm hoãn, cơ quan nhà nước cũng khó gặp gỡ để trao đổi trong các vụ việc. Hoạt động tư vấn không thể trực tiếp trao đổi với khách hàng…
Dịch bệnh diễn ra phức tạp dẫn đến nhu cầu về dịch vụ pháp lý tăng nhanh, từ những dịch vụ đơn giản cho đến có độ khó cao hơn. Luật sư vừa phải cân bằng giữa tư vấn cho khách hàng, đảm bảo hoạt động tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng, phải nhanh chóng tiếp cận và thực hiện dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên, với những hạn chế của tình hình dịch bệnh thì phần lớn các dịch vụ khó đạt hiệu quả cao, đôi khi bị tồn đọng. Vì thế, khi các địa phương trở lại trạng thái “bình thường mới”, Luật sư sẽ phải đối diện đối với lịch làm việc giày gấp vài lần bình thường, lịch tham gia phiên tòa chồng chéo, gặp bị can bị cáo cũng khó khăn hơn.
Hơn hết, nghề Luật sư không chỉ cần cái tâm, cái tầm mà còn cần cả sự sáng tạo và tiếp thu. Cái tâm thể hiện ở tận tình với công việc, giúp đỡ khách hàng nhiều nhất có thể, không quản ngại khó khăn để gắn bó cùng nghề; cái tầm thể hiện ở sự chuyên nghiệp, tự tin, vốn kiến thức sâu rộng. Luật sư không phải chỉ là “thầy cãi”, lúc nào cùng đọc, nêu những căn cứ pháp luật khô khan mà còn là sự thấu hiểu về cuộc sống, thấu hiểu hoàn cảnh của những con người khác nhau trong xã hội. Bên cạnh đó, nghề nào cũng vậy, sự sáng tạo và tiếp thu không bao giờ là không cần thiết, đó là con đường vững chắc để phát triển hơn nữa.
Với tôi, làm Luật sư không chỉ là tham gia phiên tòa, không chỉ là làm việc với đối tác, khách hàng mà còn trách nhiệm tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với người dân. Người dân khi biết đến các quy định, hiểu được các quy định sẽ góp một phần nào đó vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền. Sự phát triển muốn bền vững thì cần phải có trật tự phù hợp, vì thế mà pháp luật chính là đạo đức tối thiểu mà mỗi chúng ta hướng đến.
Luật sư HOÀNG TÙNG
Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa
Bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến những nhóm chủ thể nào?