(LSO) - Theo quy định, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hoá mức phạt có thể lên tới 15 năm tù giam.
Ngày 27/4, theo cơ quan Công an, sau khi xác minh vụ việc theo kiến nghị của Thanh tra UBND quận Gò Vấp, cơ quan điều tra nhận thấy hành vi của ông Phạm Hữu Quốc không có dấu hiệu của tội “Đầu cơ” nên không khởi tố vụ án hình sự.
Trước đó vào giữa tháng 2/2020, ông Mã Thanh (SN 1976, ngụ quận 11) cùng một người Campuchia đặt vấn đề với ông Quốc về việc tìm mua khẩu trang y tế để làm từ thiện ở Campuchia. Sau đó, giữa hai bên thỏa thuận giá 220.000 đồng/hộp khẩu trang y tế (11 triệu đồng/thùng) và ông Thanh chuyển tiền đặt cọc cho ông Quốc 50.000 USD tại phòng làm việc của ông Quốc ở bệnh viện. Tiếp đó, ông Thanh còn gửi vào tài khoản của ông Quốc số tiền 3,3 tỉ đồng.
Còn ông Quốc khai có nhờ nhân viên đi mua giúp được 202 thùng khẩu trang, sau đó cho mượn tài khoản của mình để phía ông Thanh gửi tiền vào. Việc mua bán khẩu trang y tế do nhân viên thực hiện và có hóa đơn chứng từ.
Việc mua bán khẩu trang giữa hai bên không thành, nên trên mạng xã hội xuất hiện thông tin tố cáo bác sĩ Quốc thu gom khẩu trang để xuất ra nước ngoài kiếm lời tiền tỉ. Do đó ngày 28/2, ông Quốc bị Chủ tịch UBND quận Gò Vấp ra quyết định tạm đình chỉ công tác để thanh tra xác minh.
Sau đó, cơ quan thanh tra kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp điều tra dấu hiệu đầu cơ khẩu trang y tế đối với bác sĩ Phạm Hữu Quốc. Qua thời gian điều tra, cơ quan điều tra nhận thấy hành vi của ông Quốc không có dấu hiệu của tội đầu cơ nên không khởi tố vụ án hình sự.
Trao đổi với PV về vụ việc trên, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. HCM lý giải. Đầu cơ là một tội phạm kinh tế được quy định trong điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cụ thể “người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, như một số mặt hàng lúa, gạo, muối, xăng, dầu, xi măng, thép xây dựng,….nhằm bán lại để thu lợi bất chính, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tù”.
Nặng hơn, nếu hàng hoá giá trị từ 3 tỉ đồng trở lên thì sẽ bị phạt từ 1,5 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng hoặc 7 năm tù đến 15 năm tù giam.
Theo Luật Sư Bình, hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm được hiểu rõ hơn là do điều kiện hoàn cảnh nhất định như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mà một số loại hàng hóa không đủ cung ứng cho thị trường.
Vị Luật Sư cho hay, “hàng hoá đang nói tới ở đây là khẩu trang, đã trở thành mặt hàng khan hiếm không đủ cung ứng cho thị trường do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Theo đó, người phạm tội đã mua vét những hàng hóa bị khan hiếm nhằm bán lại thu lợi bất chính, đã đủ cấu thành tội phạm”.
Từ những phân tích nêu trên thì có thể thấy hành vi của vị ông Phạm Hữu Quốc đã cấu thành tội phạm có yếu tố định khung hình phạt như gom hàng trên 3 tỉ đồng.
Tuy nhiên có thể trong quá trình điều tra cơ quan chức năng đã không chứng minh được hành vi "nhằm mục đích thu lợi bất chính" của ông Quốc nên đã không thể khởi tố vụ án là đúng theo quy định của pháp luật, Luật sư Diệp Năng Bình cho hay.
T.PHONG