Ảnh minh họa.
Một số bất cập về trường hợp được lập di chúc bằng miệng
Quy định của pháp luật Việt Nam về những trường hợp được lập di chúc miệng mặc dù khá bao quát nhưng vẫn chưa hoàn thiện do vẫn đang hạn chế đi quyền được lập di chúc miệng của một số nhóm cá nhân đặc biệt, cụ thể là các trường hợp sau:
Thứ nhất, đối với trường hợp người lập di chúc không thể nói được di chúc miệng có thể hiểu là ý chí của người để lại di sản được thể hiện bằng lời nói. Tuy nhiên nếu người để lại di sản không thể nói được thì họ không thể chuyển tải ý chí của mình đến những người khác.
Di chúc miệng được hiểu là di chúc được người lập di chúc thể hiện ý chí của họ bằng lời nói. Thông qua ngôn ngữ của mình, họ sẽ bộc lộ mong muốn định đoạt tài sản của họ và được người làm chứng ghi chép lại để lưu giữ mong muốn này. Tuy nhiên nếu chỉ hiểu di chúc miệng đúng theo diễn dịch của từng từ ngữ thì sẽ không bao quát nhiều trường hợp phát sinh. Thiết nghĩ khi giải thích quy định di chúc miệng nên hiểu theo nghĩa rộng, ngoài việc ghi nhận ý chí bằng lời nói, thông qua âm thanh còn có thể ghi nhận bằng hành vi, thông qua ngôn ngữ cử chỉ.
Pháp luật dân sự Việt Nam cần cân nhắc để ghi nhận thêm về trường hợp này. Một người không thể nói được khi nói đến vấn đề di chúc miệng dường như là hơi gượng gạo nhưng thực tế không bằng lời nói, họ vẫn có thể thể hiện ý chí của họ bằng các ngôn ngữ khác, như bằng hành vi. Tuy nhiên để người làm chứng và những người khác có thể hiểu được ý chí của người để lại di sản thì cần có điều kiện đặt ra là phải làm sao có một người trung gian có thể chuyển tải đúng nhất ý chí của người để lại di sản. Lúc này cần có người gọi là phiên dịch viên để thông dịch ngôn ngữ của người lập di chúc. Ở Việt Nam, người phiên dịch đã được quy định trong hoạt động tố tụng dân sự và hình sự để bảo vệ quyền lợi cho đương sự, bị can, bị cáo, người có quyền và lợi ích liên quan. Trong hoạt động tố tụng dân sự người phiên dịch được hiểu là người biết chữ của người khuyết tật nhìn. Hoặc người phiên dịch là người biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói. Người này phải không thuộc những trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 82 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015. Trong hoạt động tố tụng hình sự, người phiên dịch được hiểu là người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc, biết chữ của người mù và họ cũng không thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015. Có thể nói người phiên dịch có nhiệm vụ hỗ trợ cho những người không thể trình bày ý nghĩ mong muốn của mình bằng lời nói. Do vậy các quy định về quyền, nghĩa vụ cũng như điều kiện của người phiên dịch là để đảm bảo họ trung thực, khách quan trong việc chuyển tải thông tin. Nhiệm vụ của người phiên dịch được xem là tương tự như đối với nhiệm vụ của người làm chứng di chúc. Tác giả cho rằng có thể áp dụng những quy định của người làm chứng di chúc tại Điều 632 BLDS 2015 cho người phiên dịch.
Ngoài ra, nếu pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền lập di chúc miệng cho người không nói được thì nhóm người bị hạn chế về thể chất đang được liệt kê tại khoản 3 Điều 630 BLDS 2015 cần phải loại trừ những người này. Bởi lẽ người không nói được là người bị hạn chế về thể chất và hiện nay người bị hạn chế về thể chất chỉ có thể được lập di chúc bằng văn bản, có người làm chứng, có công chứng hoặc chứng thực.
Tóm lại, việc ghi nhận quyền lập di chúc miệng cho người không thể nói được là một quy định mang tính nhân văn, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc định đoạt tài sản của cá nhân sau khi chết. Khi luật đã ghi nhận quyền lập di chúc miệng cho người không thể nói được thì quy định về điều kiện trình tự thủ tục lập di chúc cho nhóm đối tượng này cần phải được bổ sung để đảm bảo di chúc ghi nhận chính xác ý chí của người lập di chúc. Do đó, tại khoản 3 Điều 630 BLDS 2015 nên được quy định “Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải…, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này” và khoản 5 Điều 630 BLDS nên được ghi nhận lại như sau “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Trường hợp người lập di chúc không thể nói được thì hai người làm chứng phải đồng thời là người phiên dịch để phiên dịch ý chí của người lập di chúc. Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ”.
Thứ hai, đối với di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi
Theo quy định tại khoản 2 Điều 630 BLDS 2015: “Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc”. Quy định này khẳng định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có quyền được lập di chúc và di chúc bắt buộc phải lập thành văn bản.
Ngoài ra, việc lập di chúc cần có sự đồng ý của người giám hộ hoặc cha, mẹ. Với quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải lập di chúc bằng văn bản nguyên nhân xuất phát từ quan điểm của nhà lập pháp xác định độ tuổi từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi là độ tuổi vẫn chưa có đủ sự nhận thức chín chắn nhất định. Do đó việc lập di chúc bằng văn bản để đảm bảo những người để lại di sản đã có sự chuẩn bị và suy nghĩ thấu đáo. Do vậy để bảo vệ quyền lợi cho người lập di chúc, việc lập di chúc phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Tuy nhiên, quy định này cũng sẽ hạn chế đi quyền được lập di chúc bằng miệng của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi. Giả sử trong trường hợp người trong độ tuổi từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi ở vào hoàn cảnh cận kề cái chết, họ không thể lập di chúc bằng văn bản nhưng muốn bằng lời nói để định đoạt tài sản của mình. Lúc họ thể hiện ý chí có sự đồng ý về việc lập di chúc của cha mẹ hoặc người giám hộ và có sự hiện diện của những người làm chứng khác thì họ vẫn không thể lập di chúc miệng.
Quy định tại khoản 4 Điều 21 và khoản 2 Điều 625 BLDS 2015 ghi nhận cho cá nhân từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được quyền lập di chúc khi đã có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật tức là ghi nhận quyền tự do định đoạt tài sản của họ sau khi họ chết. Khi đã ghi nhận cho người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được quyền lập di chúc dựa trên sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ thì không có lý do gì phải hạn chế đi quyền lựa chọn hình thức di chúc mà họ muốn lập. Độ tuổi có thể là thước đo của sự chín chắn nhưng không phải chưa đủ tuổi thành niên là người không chín chắn. Mặt khác, ý muốn định đoạt tài sản dù thể hiện bằng văn bản hay bằng lời nói cũng chưa chắc là sự thể hiện mong muốn nhất thời, chưa được suy nghĩ thấu đáo của người lập di chúc. Một người mong muốn để lại tài sản cho ai, cho bao nhiêu có thể đã được suy nghĩ cẩn trọng nhưng họ vẫn chưa lập di chúc. Khi họ ở vào hoàn cảnh chỉ có thể lập di chúc miệng thì bằng lời nói, ý chí của họ sẽ được ghi nhận. Nếu vậy, loại trừ người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không được lập di chúc miệng là không hợp lý.
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về lập di chúc bằng miệng
Thứ nhất, thời điểm để người làm chứng ghi chép lại di chúc miệng là “ngay sau khi” người để lại di sản thể hiện ý chí của mình được xác định khó khả thi. Không phải trong mọi trường hợp ngay khi người để lại di sản thể hiện ý chí của mình thì người làm chứng đều có các điều kiện để ghi chép lại. Trí nhớ của hai người làm chứng vẫn có thể lưu giữ trong một khoảng thời gian ngắn. Mặt khác, bên cạnh trí nhớ của người làm chứng thì việc ghi âm, ghi hình cũng là một phương thức để tạm lưu giữ lại ý chí của người để lại di sản. Do vậy, tác giả kiến nghị thời điểm ghi chép lại di chúc miệng là trong khoảng thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày người để lại di sản thể hiện ý chí cuối cùng.
Thứ hai, hình thức bản ghi chép lại ngoài thể hiện bằng bản giấy có thể ghi nhận thêm bản ghi âm và hình dựa trên thực tiễn xét xử đã có. Bản ghi âm và hình có lời nói và hình ảnh của người lập di chúc định đoạt tài sản của mình, có hình ảnh và lời chứng xác thực của người làm chứng dưới sự chứng kiến và có xác nhận của công chứng viên có thể thay thế cho bản giấy được viết của người làm chứng.
Thứ ba, để đảm bảo quyền bình đẳng trong việc định đoạt tài sản cho người có tài sản trước khi họ chết, quy định di chúc miệng nên bổ sung thêm các trường hợp sau. Người lập di chúc rơi vào hoàn cảnh không thể lập di chúc bằng văn bản, cận kề cái chết mà không thể nói được thì nên ghi nhận cho họ quyền lập di chúc miệng thông qua việc thể hiện ý chí ra bên ngoài bằng hành vi và người thông dịch sẽ thông dịch và ghi chép lại vào văn bản. Do đó để thuận lợi khi lập di chúc trong hoàn cảnh này người thông dịch viên chính là người làm chứng để đảm bảo sự khách quan, trung thực khi ghi nhận lại ý chí của người để lại di sản thừa kế. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi đã được luật ghi nhận cho quyền lập di chúc bằng văn bản để định đoạt tài sản thì không có lý do gì khi họ lâm vào tình trạng cận kề cái chết không thể lập di chúc bằng văn bản lại không được phép lập di chúc miệng.
Thứ tư, với những phân tích trên, theo quy định tại khoản 2 Điều 630 BLDS 2015 nên được ghi nhận theo hướng như sau “Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc”. Hướng quy định này sẽ không yêu cầu người lập di chúc từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi chỉ có thể lập di chúc bằng văn bản. Quy định này ghi nhận quyền tự do ý chí của những người lập di chúc trong nhóm độ tuổi đặc biệt được lựa chọn hình thức di chúc sao cho phù hợp với hoàn cảnh của họ cũng như đảm bảo quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử trong quyền tự định đoạt tài sản của cá nhân sau khi chết.
ĐẶNG ĐÌNH THÁI
Tòa án Quân sự khu vực quân khu 4
Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất