Một góc làng quê kinh đô cổ

27/12/2017 18:19 | 6 năm trước

LSVNO - Khu di tích Cổ Loa, khu di tích quốc gia đặc biệt, Kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương thế kỷ III-II trước Công nguyên. Nơi cung cấm xưa đã thành đền thờ An Dương Vương và việc thờ...

LSVNO - Khu di tích Cổ Loa, khu di tích quốc gia đặc biệt, Kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương thế kỷ III-II trước Công nguyên. Nơi cung cấm xưa đã thành đền thờ An Dương Vương và việc thờ cúng được giao cho “Bát xã Loa Thành”, gồm 5 thôn của xã Cổ Loa và 3 thôn của xã khác (Đông Anh, Hà Nội) bây giờ.

Đình thôn Cầu Cả.

Các thôn thờ cúng An Dương Vương, từ xưa được đủ thiết chế văn hóa tương tự xã, mỗi thôn có một ngôi đình và một ngôi chùa. Những thôn khác không được thế. Như xã Cổ Loa có 14 thôn, chỉ 5 thôn nằm trong “Bát xã Loa Thành” được đủ thiết chế chùa và đình, các thôn khác không có mà thậm chí từng lúc chỉ được gọi là xóm.

Theo sử sách, Thành Cổ Loa có 9 vòng, nay còn 3 vòng. Từ đền thờ An Dương Vương trong thành nội, đi về phía nam đoạn ngắn là đã qua thành trung và thành ngoại (mạn này 3 vòng thành khá gần nhau, vì hồi xưa xây dựng nương theo thế đất tự nhiên) gặp ngay thôn Mạch Tràng của xã Cổ Loa. Truyền thuyết từ thời Âu Lạc, An Dương Vương đem giống lúa mạch dạy dân cày cấy và đặt kho lương thực tại đây nên có tên Mạch Tràng. Đến thời Ngô Quyền, mở trường dạy học quốc gia tại thôn Mạch Tràng.

Chùa thôn Cầu Cả.

Từ thôn Mạch Tràng đi tiếp về phía nam mấy trăm mét là đến thôn Cầu Cả cũng của xã Cổ Loa, nằm bên sông Hoàng. Nhiều người dân thôn Cầu Cả cho biết, theo sử sách lưu truyền, xưa kia nếu thôn Mạch Tràng là nơi học hành thi cử quốc gia thì thôn Cầu Cả là nơi phục vụ thí sinh ứng thí nên có cầu quán, chợ búa trên bến dưới thuyền sầm uất. Hoàng Giang là con sông bảo vệ Kinh đô nên tàu chiến thường qua lại và có bến thuyền chiến của triều đình. Lịch sử ngàn năm, khi thành Cổ Loa không còn là kinh đô thì Cầu Cả cũng như Mạch Tràng chỉ là vùng đất nông nghiệp.

Phó bí thư Chi bộ thôn Cầu Cả, nguyên Trưởng thôn chục năm, ông Nguyễn Ngọc Tú cho biết, thôn hiện có 504 hộ với trên 1.800 người. Nay ít người làm nông, hầu hết làm việc ở các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp trong vùng hoặc thầu xây dựng, mở cơ sở kinh doanh. Từ thôn Mạch Tràng khi đến đầu thôn Cầu Cả đã thấy cửa hàng buôn bán, và con đường chính qua thôn nhộn nhịp hàng quán cho đến cuối thôn. Nhà cửa dăm chục năm trước chủ yếu mái ngói thấp và nhỏ, dần dần mọc lên nhà hai tầng và nay đã thịnh hành nhà ba tầng.

Cổng nhà ông giáo Đồng Đạo Phúc vẫn giữ được vẻ đẹp xưa cũ.

Ông Tú chỉ ngôi nhà hai tầng khang trang của ông, nói: “Tôi đang chuẩn bị nối tầng nữa”. Mới nãy, ông kể là ngôi nhà hai tầng nhưng gia đình ông sử dụng chưa hết, còn để trống một phòng nên chúng tôi hỏi: “Ông cất thêm tầng làm gì?”. Thì ông cười: “Vì nhà của người anh và em hai bên đã ba tầng nên nhà tôi cũng phải ba tầng”.

Ở thôn Cầu Cả, nhà của anh em ruột và họ hàng thân tộc thường sát nhau. Do đất ở từ đời ông bà, khi con cháu đông nếu còn ở quê, chia nhau ra cất nhà. Chừng ba chục năm trước, từng cụm nhà thân tộc ấy có tường bao quanh, còn bên trong sân vẫn thông nhau, dùng chung giếng nước, có đám tiệc là bày mâm tràn từ sân nhà này sang nhà khác. Bởi thế, tính cố kết anh em, dòng họ rất mạnh. Thời đó, nhà nhà nuôi bò, lợn, gà, ngan, vịt và lại sử dụng hố xí hai ngăn; môi trường có lúc khá ô nhiễm. Bây giờ, nhà cao tầng, vệ sinh tự hoại trong nhà, cổng kín nhưng láng giềng có thể tự mở mà vào. Còn ít nhà nuôi bò, lợn nhưng nhiều nhà vẫn nuôi gà, vịt, bồ câu để có “thịt sạch”, nhà có đất thì trồng “rau sạch”.

Một gia đình còn nuôi bò, lợn là ông Nguyễn Văn Thứ năm nay 56 tuổi. Ông giải thích: nuôi bò vì cỏ mọc ngoài ruộng không cắt cũng phí, nuôi lợn vì tận dụng cơm thừa canh cặn của bà con xóm giềng. “Nuôi vậy mà đôi lúc tính ra chỉ hòa vốn”, ông cười. Đứng ở nhà của ông có thể thấy bức tranh phát triển của thôn Cầu Cả. Chuồng chăn nuôi mái ngói cùng mái tôn xi măng cũ kỹ có bó lá cho bò, nồi cám cho lợn, ấy là hình ảnh nửa thế kỷ về trước. Căn nhà hai tầng vững chãi là hình ảnh vài chục năm qua. Nhà láng giềng 3 tầng sơn màu tươi rói, mái nhiều tầng và cả mái nhọn là hình ảnh bây giờ. Chiều tà, sân nhà ông rộn ràng anh em, con cháu chạy qua chạy lại trò chuyện, biếu nhau thứ nọ thứ kia để chuẩn bị bữa tối, thật đậm đà không khí tình nghĩa cổ truyền.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải thăm cụ Nguyễn Thị Ty 100 tuổi.

Thời gian biến đổi, ngôi chùa và ngôi đình của thôn cũng được tu tạo khang trang. Dịp lễ hội đền Cổ Loa, Mồng 6 tháng Giêng Âm lịch hằng năm (ngày An Dương Vương lên ngôi Hoàng Đế kế nghiệp triều Hùng), chùa và đình thôn cũng rộn ràng. Và dẫu thời gian biến đổi, nhiều nhà ở thôn Cầu Cả vẫn giữ được nét kiến trúc cũ xưa nào đó như cái cổng, hoặc một lối thông tường qua lại các nhà. Gia đình ông giáo Đồng Đạo Phúc có cái cổng xưa rất đẹp, nay con cháu vẫn giữ, dẫu ông qua đời đã lâu, còn bà gần 90 tuổi.

Người cao niên nhất thôn Cầu Cả hiện nay là cụ Nguyễn Thị Ty, vừa tròn 100 tuổi, ở cùng con cháu được chăm sóc chu đáo, hàng xóm thường đến trò chuyện. Hôm chúng tôi đến thăm cụ, cùng lúc bà Nguyễn Thị Thanh Hải là con của thôn Cầu Cả lấy chồng xa, vừa về quê và đến thăm. Chuyện trò rôm rả bên vườn bưởi trĩu quả ngọt, bà Hải bộc bạch: “Dù sống ở đâu cũng luôn nhớ quê và tự hào là người con của thôn Cầu Cả”.

Sáu Nghệ