/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ

Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ

04/01/2022 16:02 |

(LSVN) - So với Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công thì Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ đã có nhiều sửa đổi để đảm bảo rà soát quy định về chuyển mục đích sử dụng đất. Những quy định này góp phần giảm thiểu thất thoát tài sản công; đẩy mạnh phân cấp, quy định rõ thẩm quyền, rõ chủ thể; quản lý chặt chẽ, thông thoáng, sử dụng hiệu quả...

  Ảnh minh họa. 

Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công được ban hành đã bỏ quy định về việc về việc không thực hiện sắp xếp lại đối với “nhà, đất của công ty cổ phần được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp sau thời điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa” nhằm rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa. Đồng thời, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ hơn về phạm vi áp dụng, trong đó bổ sung một số nội dung hướng dẫn để hiểu rõ những trường hợp nhà, đất khác không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP là những trường hợp nào để đảm bảo chặt chẽ về cơ sở pháp lý, không trùng lặp với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Giao thông đường bộ...

Đất (bao gồm cả tài sản gắn liền với đất (nếu có) thuộc trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật về đất đai; nhà, đất của các ngân hàng thương mại mà các ngân hàng thương mại này được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại bắt buộc hoặc chuyển giao bắt buộc theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quyết định của cấp có thẩm quyền... là một số trường hợp nhà, đất khác không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP. 

Điều chỉnh, bổ sung đối tượng áp dụng

Nghị định số 67/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm một số đối tượng doanh nghiệp phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, mở rộng đối tượng áp dụng đến doanh nghiệp cấp II và doanh nghiệp cấp III do đây là các công ty thành viên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang quản lý, sử dụng rất nhiều nhà, đất. 

Cụ thể, doanh nghiệp cấp I là Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước, công ty độc lập do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ngân hàng Chính sách xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ; công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có vốn góp chiếm trên 50% vốn điều lệ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cấp II là doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp cấp I, trong đó tỷ lệ % vốn nhà nước tại doanh nghiệp cấp I nhân với (x) tỷ lệ % vốn góp của doanh nghiệp cấp I vào doanh nghiệp cấp II chiếm trên 50% vốn điều lệ. Doanh nghiệp cấp III là doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp cấp II trong đó tỷ lệ % vốn nhà nước tại doanh nghiệp cấp I nhân với (x) tỷ lệ % vốn góp của doanh nghiệp cấp I vào doanh nghiệp cấp II nhân với (x) tỷ lệ % vốn góp của doanh nghiệp cấp II vào doanh nghiệp cấp III chiếm trên 50% vốn điều lệ.

Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định số 67/2021/NĐ-CP

Bên cạnh thực trạng rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa như nêu trên, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP đã điều chỉnh, sửa đổi Điều 28 của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP theo hướng cho phép các bộ, ngành, địa phương được chủ động hơn trong việc đề xuất và trình Chính phủ các phương án xử lý, sắp xếp lại đối với từng tài sản công trong các dự án cụ thể. Điều này là cần thiết khi những dự án đầu tư kinh doanh bất động sản có xen cài đất công trong dự án như kênh rạch, đường đi vào các thửa đất hộ dân cũng gặp khó trong việc giải phóng mặt bằng bởi theo pháp luật đất đai, đất do nhà nước trực tiếp quản lý phải đấu giá, nhưng những phần đất trên rất khó để đấu giá vì đa phần đây là phần diện tích đất do nhà nước quản lý có diện tích nhỏ.

Nghị định số 67/2021/NĐ-CP đã sửa đổi khoản 1, khoản 3 Điều 28 của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có liên quan đến nội dung trên như sau: 

Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2021/NĐ-CP: Đối với nhà, đất thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này đang thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, các quyết định sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn mà đến ngày 01/01/2018 chưa được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý (Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Tài chính đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý; Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với nhà, đất thuộc địa phương quản lý có ý kiến bằng văn bản về phương án xử lý nhà, đất) thì tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo của quy trình quy định tại Nghị định này.

Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2021/NĐ-CP: Công ty cổ phần thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập mà doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trước khi cổ phần hóa đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, không phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định này đối với nhà, đất đã được xác định giá trị doanh nghiệp. Trường hợp thay đổi phương án đã phê duyệt thì thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định này; trường hợp chưa hoàn thành việc thực hiện phương án thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp sau khi phê duyệt, không còn thuộc phạm vi hoặc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thì không thực hiện theo phương án đã phê duyệt; việc quản lý, sử dụng nhà, đất trong trường hợp này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Như vậy, có thể thấy, so với quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công thì Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ đã có nhiều sửa đổi để đảm bảo rà soát quy định về chuyển mục đích sử dụng đất để không thất thoát tài sản công; đẩy mạnh phân cấp, quy định rõ thẩm quyền, rõ chủ thể; quản lý chặt chẽ, thông thoáng, sử dụng hiệu quả; không gây phiền hà, ách tắc; không mất cơ hội khai thác, sử dụng tài sản công và không trái với pháp luật hiện hành.

Luật sư VŨ THỊ LỆ QUỲNH

Công ty Luật TNHH Vietthink

Thành viên độc lập Hội đồng quản trị: Đã đảm bảo ‘độc lập’?

Lê Minh Hoàng