/ Kết nối
/ Một số điều cần lưu ý khi hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Một số điều cần lưu ý khi hòa giải, đối thoại tại Tòa án

03/11/2024 18:22 |

(LSVN) - Hòa giải, đối thoại là một trong những thủ tục quan trọng được tiến hành tại Tòa án nhằm giải quyết tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh-thương mại, lao động và hành chính. Thủ tục hòa giải, đối thoại tại tòa không chỉ giúp các bên tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giúp đạt được sự thỏa thuận, đồng thuận, từ đó tránh việc kéo dài các tranh chấp. Tuy nhiên, hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng đặt ra một số vấn đề mà các bên tranh chấp cần nắm rõ. Dưới đây là những điều cần biết khi tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Mục đích của việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm mục đích khuyến khích các bên tự nguyện giải quyết tranh chấp trên cơ sở thương lượng, đồng thuận, từ đó tránh được việc đưa ra bản án cưỡng chế hay quyết định của Tòa án. Việc hòa giải, đối thoại sẽ giúp giảm bớt sự căng thẳng, xung đột giữa các bên, đồng thời mở ra cơ hội cho mối quan hệ tương lai của họ tiếp tục được duy trì, đặc biệt trong các vụ án về hôn nhân gia đình hoặc tranh chấp giữa các đối tác kinh doanh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, một mục đích quan trọng khác của hòa giải, đối thoại là giúp giảm thiểu số lượng vụ án phải đưa ra xét xử. Khi các bên đạt được thỏa thuận thông qua hòa giải, đối thoại Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận đó, tạo sự kết thúc nhanh chóng và hợp pháp cho vụ việc.

Trình tự, thủ tục và thời gian thực hiện việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Trình tự, thủ tục thực hiện việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án được chia làm 04 giai đoạn như sau

Giai đoạn 1: Tiến hành phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án:

Khi các bên đồng ý gặp nhau để thống nhất phương án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, hòa giải, đối thoại viên ấn định thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại và thông báo cho các bên, người đại diện, người phiên dịch chậm nhất là 05 ngày trước ngày mở phiên hòa giải, đối thoại. Việc thông báo có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc hình, thức khác thuận tiện cho các bên.

Giai đoạn 2: Tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án:

Khi các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, hòa giải, đối thoại viên ấn định thời gian, địa điểm mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

Phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại có thể được tổ chức ngay sau phiên hòa giải, đối thoại hoặc vào thời gian phù hợp khác.

Hòa giải, đối thoại viên phải thông báo cho những người quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Hòa giải, đối thoại viên tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại trụ sở Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Giai đoạn 3: Ra biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án:

Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại được lưu vào hồ sơ hòa giải, đối thoại và giao cho các bên có mặt.

Trường hợp những người quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật này vắng mặt thì hòa giải, đối thoại viên phải gửi biên bản cho họ để họ có ý kiến.

Giai đoạn 4: Ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành, đối thoại thành tại Tòa án:

Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, hòa giải, đối thoại viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu.

Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo.

Hết thời hạn quy định tại, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:

- Trường hợp có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành, đối thoại thành;

- Trường hợp không có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do. Thẩm phán chuyển quyết định, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành, đối thoại thành được gửi cho các bên và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

Thời gian thực hiện

Thời gian tiến hành hòa giải, đối thoại phụ thuộc vào tính chất và mức độ phức tạp của vụ việc. Trong hầu hết các trường hợp, hòa giải, đối thoại được thực hiện trong vòng từ 2 đến 3 tháng sau khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện. Tuy nhiên, nếu vụ việc phức tạp hoặc các bên yêu cầu thêm thời gian để thương lượng, phiên hòa giải, đối thoại có thể kéo dài hơn.

Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa

Chi phí hòa giải, đối thoại, tại Tòa án sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ các chi phí sau:

- Chi phí hòa giải, đối thoại đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;

- Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải, đối thoại viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;

- Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

Tuy nhiên nếu bạn muốn tiến hành phiên hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án thì phải chịu các chi phí được quy định cụ thể tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định 16/2021/NĐ-CP bao gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của hòa giải, đối thoại viên; chi phí thuê địa điểm và chi phí khác trực tiếp phục vụ việc hòa giải, đối thoại theo thực tế phát sinh.

Căn cứ Điều 5 Nghị định 16/2021/NĐ-CP quy định nghĩa vụ nộp chi phí cho việc hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở của Tòa án do các bên tham gia thỏa thuận theo tỉ lệ. Trường hợp không thỏa thuận được thì có nghĩa vụ nộp chi phí với tỉ lệ như nhau.

Nên hay không nên hòa giải, đối thoại tại Tòa án?

Hòa giải và đối thoại tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp rất hữu ích giúp các bên có thể tự nguyện thỏa thuận để giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả mà không cần phải đưa vụ việc ra xét xử. Tuy nhiên, việc có nên hòa giải, đối thoại hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tính chất của tranh chấp, thái độ của các bên và mục tiêu chung mà các bên hướng tới.

Nên hòa giải, đối thoại khi nào?

- Khi các bên có mong muốn đạt được thỏa thuận và duy trì mối quan hệ lâu dài:

Một trong những tình huống mà hòa giải, đối thoại đặc biệt hiệu quả là khi các bên tranh chấp vẫn còn có mong muốn hợp tác và giữ gìn mối quan hệ sau khi tranh chấp được giải quyết. Điều này thường thấy trong các vụ án ly hôn, nơi mà việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp sau khi chia tay, đặc biệt là vì lợi ích của con cái, là rất quan trọng. Hòa giải, đối thoại giúp các bên tránh được sự căng thẳng, xung đột không cần thiết và giữ lại sự tôn trọng lẫn nhau, điều này rất hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con cái sau ly hôn.

Tương tự, trong các tranh chấp kinh doanh, việc duy trì mối quan hệ hợp tác giữa các đối tác là rất quan trọng. Việc hòa giải, đối thoại thành công có thể giúp các bên duy trì lòng tin và tiếp tục làm ăn với nhau, trong khi vẫn giải quyết được các xung đột hiện tại.

- Khi tranh chấp không quá nghiêm trọng và các bên sẵn sàng nhượng bộ:

Trong các vụ án mà bản chất của tranh chấp không quá phức tạp hoặc liên quan đến quyền lợi kinh tế lớn, các bên có xu hướng dễ dàng đạt được thỏa thuận hơn. Những tranh chấp như tranh chấp hợp đồng lao động, hợp đồng dân sự, hoặc những vấn đề nhỏ liên quan đến quyền sở hữu tài sản có giá trị thấp thường là những vụ việc có thể giải quyết nhanh chóng thông qua hòa giải và đối thoại. Trong những trường hợp này, các bên đều hiểu rằng việc kéo dài tranh chấp chỉ gây thêm chi phí và mất thời gian, nên họ có xu hướng nhượng bộ và đạt được sự đồng thuận với nhau.

- Khi các bên muốn tiết kiệm thời gian và chi phí:

Một trong những lợi ích lớn nhất của việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án là tiết kiệm được chi phí và thời gian so với quá trình xét xử chính thức. Thủ tục hòa giải thường diễn ra nhanh chóng và gọn gàng hơn, không đòi hỏi các bên phải tham gia nhiều phiên Tòa và cung cấp hàng loạt bằng chứng, lập luận pháp lý phức tạp như trong một vụ xét xử chính thức. Điều này đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân muốn nhanh chóng khắc phục tranh chấp để tiếp tục các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc sinh hoạt cá nhân.

Hơn nữa, việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án không thu phí, điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các bên, đặc biệt là khi so với các khoản chi phí phát sinh trong quá trình xét xử thông thường.

Không nên hòa giải, đối thoại khi nào?

- Khi tranh chấp mang tính nghiêm trọng, phức tạp và các bên không thể đạt được thỏa thuận.

Trong các vụ án phức tạp, tranh chấp có liên quan đến quyền lợi kinh tế lớn hoặc các tài sản có giá trị cao, hòa giải và đối thoại có thể không phải là lựa chọn phù hợp. Ví dụ, trong các vụ tranh chấp về di sản thừa kế lớn, tranh chấp đất đai hay các hợp đồng kinh doanh có giá trị cao, nếu các bên không tin tưởng lẫn nhau hoặc có quan điểm khác biệt sâu sắc về quyền lợi, việc hòa giải, đối thoại có thể sẽ không thành công. Các bên có thể không sẵn sàng nhượng bộ và muốn dùng quá trình xét xử để chứng minh quyền lợi của mình.

Trong những vụ việc như vậy, các bên thường tin rằng việc giải quyết qua xét xử sẽ đảm bảo công bằng và rõ ràng hơn, đặc biệt khi có sự tranh chấp gay gắt về quyền sở hữu hoặc giá trị tài sản.

- Khi một bên cố tình kéo dài quá trình giải quyết thông qua hòa giải, đối thoại mà không có thiện chí.

Trong một số trường hợp, một bên tham gia hòa giải chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian, cố tình không có thiện chí thương lượng, điều này khiến quá trình hòa giải không thể đạt được kết quả. Ví dụ, một bên có thể sử dụng hòa giải như một công cụ để trì hoãn việc thi hành các nghĩa vụ tài chính, hoặc nhằm mục đích gây áp lực đối với bên kia mà không có ý định thực sự giải quyết tranh chấp.

Khi gặp phải tình huống này, việc tiến hành hòa giải, đối thoại chỉ làm lãng phí thời gian của cả hai bên và không mang lại lợi ích thực sự. Lúc này, việc trực tiếp đưa vụ việc ra xét xử sẽ là lựa chọn tốt hơn để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Những điểm lưu ý khi tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Hòa giải, đối thoại chỉ thành công khi các bên sẵn lòng nhượng bộ và tìm kiếm giải pháp thỏa đáng. Việc giữ thái độ hợp tác, tôn trọng trong quá trình thương lượng sẽ giúp quá trình hòa giải diễn ra suôn sẻ và đạt kết quả tốt hơn. Các bên cần phải xác định rõ ràng mình muốn đạt được điều gì từ quá trình hòa giải, đối thoại. Điều này giúp bạn không bị lạc hướng trong quá trình thương lượng và đảm bảo rằng bạn đạt được thỏa thuận phù hợp với lợi ích của mình.

Hòa giải, đối thoại tại Tòa có bắt buộc không

Căn cứ theo Điều 19, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm:

- Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

- Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng;

- Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;

- Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại;

- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi xác định rõ ràng được rằng việc hòa giải, đối thoại không thể thành công mà chỉ gây mất thêm thời gian thì bạn hoàn toàn có quyền từ chối hòa giải đối thoại bằng cách đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại. Lúc này vụ việc sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính.

Hòa giải và đối thoại là quá trình tự nguyện, dựa trên sự đồng ý của các bên. Nếu một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại, Tòa án sẽ tôn trọng yêu cầu này và không thực hiện quá trình hòa giải, đối thoại. Đây là quyền hợp pháp của mỗi bên và nếu một bên không muốn tham gia hòa giải, vụ việc sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy trình tố tụng thông thường. Điều này giúp tránh việc kéo dài thời gian không cần thiết, đặc biệt khi các bên không có thiện chí hoặc khi việc hòa giải, đối thoại không còn là lựa chọn khả thi.

Khi không thực hiện quá trình hòa giải, đối thoại, vụ sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, tùy theo loại vụ việc. Điều này bảo đảm rằng quyền lợi của các bên sẽ được giải quyết một cách công bằng và theo quy trình pháp lý nghiêm ngặt.

Kết luận

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, giúp các bên tự nguyện thương lượng và đạt thỏa thuận mà không cần phải trải qua quá trình xét xử kéo dài. Phương thức này mang lại nhiều lợi ích, như tiết kiệm thời gian, chi phí và duy trì mối quan hệ giữa các bên. Tuy nhiên, không phải lúc nào hòa giải, đối thoại cũng thành công, đặc biệt trong những trường hợp tranh chấp phức tạp, các bên không có thiện chí hoặc không đạt được sự đồng thuận. Do đó, việc cân nhắc kỹ lưỡng và hiểu rõ quy trình là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các bên khi tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong trường hợp không hòa giải thành, vụ việc sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng, đảm bảo sự công bằng và hợp pháp.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Các tin khác