Luật sư Trần Văn An trao đổi với các học viên khóa Đào tạo nghề Luật sư về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Thứ nhất, thời gian qua số lượng Luật sư trên toàn quốc tăng rất nhanh nhưng chưa có sự đồng đều và mất cân đối giữa các vùng miền. Số lượng Luật sư Bắc Giang trên bình quân dân số thấp chỉ bằng khoảng ¼ bình quân cả nước, bình quân khoảng 28.000 người dân có 01 Luật sư. Tỷ lệ này ở một số địa phương còn cao hơn. Nhưng pháp luật hiện chưa có các quy định ưu tiên, hỗ trợ đối với các địa phương có ít Luật sư, nghề Luật sư chưa phát triển. Trong khi đó đối với các ngành nghề, lĩnh vực khác, pháp luật đã có chính sách hỗ trợ đối với các khu vực vùng sâu, vùng xã, khu vực có điều kiện khó khăn,…
Cùng nguyên tắc cung cầu của thị trường thị pháp lý với tư cách là một nghề, pháp luật mà cụ thể là Luật Luật sư cần có quy định cụ thể để tạo điều kiện và điều tiết, phân bổ nguồn lực để nghề Luật sư phát triển đồng đều, có điều kiện phát triển tại những khu vực khó khăn.
Thứ hai, số lượng vụ việc/vụ án có Luật sư tham gia trên tổng số vụ việc/vụ án các cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết thấp, chiếm tỷ lệ chưa nhiều trong tổng số vụ án, vụ việc các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết do thói quen, ý thức người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết sử dụng dịch vụ Luật sư chưa cao. Hiện nay chưa có cơ chế sử dụng Luật sư khi thực hiện các dự án, chính sách công,… các quy định này nếu có hiện mới ở mức khuyến khích các cơ quan nhà nước sử dụng nhưng lại bị cản trở bởi quy định về Luật Ngân sách nhà nước và trên thực tế không thực hiện được. Trên thực tế, cơ quan nhà nước, đặc biệt nhóm cơ quan hành pháp không ít khi sử dụng dịch vụ Luật sư. Hiện nay, pháp luật mới chỉ quy định cơ quan nhà nước phải mời Luật sư trong các vụ án do Tòa án chỉ định.
Do vậy, việc cần quy định theo hướng bắt buộc phải có Luật sư tham gia một số hoạt động công, các hoạt động lớn trong các lĩnh vực liên quan đến quản lý nhà nước, đến dân sinh, đến tài chính, ngân sách, dự án công, vụ việc có khiếu nại, khiếu kiện kéo dài là hết sức quan trọng không chỉ với sự phát triển của nghề Luật sư. Pháp luật cần quy định rõ các lĩnh vực, nhóm công việc, loại việc,… nhà nước phải bỏ kinh phí để mời Luật sư tham gia. Điều đó góp phần bảo vệ lợi ích công, bảo vệ quyền lợi nhà nước, cho nhân dân và thức đẩy nghề Luật sư pháp triển.
Thứ ba, cần xác định rõ Luật sư có phải là một chức danh tư pháp hay Luật sư là một nghề kinh doanh có điều kiện. Việc xác định chính xác tính chất của nghề Luật sư, mới có quy định cho phù hợp. Hiện nay về quyền Luật sư như một nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng nghĩa vụ như một chức danh tư pháp. Nếu xác định Luật sư là một chức danh tư pháp (theo tôi Luật sư là một chức danh tư pháp), pháp luật cần có quy định phù hợp, thể chế hóa.
Việc quản lý nghề Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Cần phân định rõ Luật sư có phải là một chức danh tư pháp hay không, việc quản lý nghề Luật sư theo quy định về quản lý một chức danh tư pháp hay là một nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay thực tế là nghề Luật sư, Đoàn Luật sư đang được tổ chức vận hành và bị quản lý như một chức danh tư pháp, một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp nhưng chế độ, quyền lợi và vai trò lại như một doanh nghiệp, một nghề kinh doanh có điều kiện.
Thu nhập của Luật sư còn hạn chế, nhiều tổ chức hành nghề Luật sư, cá nhân Luật sư chưa thật sự sống được bằng nghề. Nguyên nhân xuất phát từ chính Luật sư nhưng cũng có phần nguyên nhân từ chính cách quản lý nghề Luật sư khi việc quản lý Luật sư và tổ chức hành nghề hiện nay đang có chồng chéo, mâu thuẫn khi nghề Luật sư vừa bị quản lý và phải vận hành như một doanh nghiệp với các chế độ về tài chính, kế toán, thống kê, lao động,…; vừa chịu sự quản lý như một cơ quan bổ trợ tư pháp và Luật sư với chức danh bổ trợ tư pháp với các quy định quản lý nhà nước, tự quản mà mâu thuẫn với nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ: Luật sư hiện phải thực hiện 02 hệ thống báo cáo: Báo cáo với tư cách doanh nghiệp, và báo cáo thống kê của ngành tư pháp.
Do đó, việc cần quy định rõ tính chất pháp lý của nghề Luật sư, nghề Luật sư là nghề đặc thù, hoạt động theo Luật chuyên ngành là Luật Luật sư, từ đó có cơ sở để định hướng quản lý, pháp triển nghề Luật sư là rất cần thiết.
Quang cảnh một buổi học về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam của học viên lớp Đào tạo nghề Luật sư tại Học viện Tư pháp.
Thứ tư, pháp luật quy định về tính tự quản của Đoàn còn chung chung, đặt ra nhiều nhiệm vụ cho Đoàn Luật sư nhưng quyền của Đoàn Luật sư trong việc xử lý Luật sư vi phạm chưa rõ ràng và không có các chế tài kèm theo nếu thành viên không thực hiện. Từ đó dẫn đến việc các hoạt động của Đoàn tổ chức chủ yếu trên tinh thần kêu gọi sự tự nguyện tham gia: Ví dụ: Luật quy định Luật sư có trách nhiệm thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí nhưng không quy định Luật sư buộc phải thực hiện khi Đoàn tổ chức. Việc các Luật sư, tổ chức hành nghề không thực hiện các yêu cầu của Đoàn cũng không có chế tài xử lý. Từ đó dẫn đến thực trạng có một số tích cực tham gia, một số sẽ không tham gia các hoạt động do Đoàn phát động. Nhiệm vụ giám sát hoạt động Luật sư, giám sát hoạt động đối với các tổ chức hành nghề Luật sư ngoại tỉnh mở Chi nhánh trên địa bàn tỉnh rất khó khăn. Vì về bản chất các tổ chức này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bản chất nghề Luật sư hoạt độc lập, bảo mật,…việc tham gia của Đoàn Luật sư là vấn đề rất nhạy cảm. Trong khi đó, pháp luật hiện đang quy định tổ chức hành nghề Luật sư chưa phải là thành viên của Đoàn Luật sư.
Do đó, việc quy định cụ thể một số quyền của Đoàn Luật sư đối với Luật sư thành viên và tổ chức hành nghề là rất cần thiết đảm bảo sự hoạt động thống nhất, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đoàn Luật sư. Ví dụ: Luật sư phải tham gia khi Đoàn tổ chức trợ giúp miễn phí, Luật sư phải tham gia các phong trào do Đoàn tổ chức, Luật sư phải tham dự bồi dưỡng khi đoàn tổ chức,…
Thứ năm, việc giám sát hoạt động tập sự hành nghề và hướng dẫn tập sự hành nghề của Đoàn còn yếu và thường phó mặc cho các tổ chức hành nghề và Luật sư hướng dẫn, dẫn đến kết quả, chất lượng công tác tập sự chưa cao. Hiện Đoàn không có nguồn lực và khả năng để thực hiện nhiệm vụ này. Chưa kể các tổ chức hành nghề và Luật sư hướng dẫn không muốn người tập sự báo cáo sâu với Đoàn Luật sư.
Do vậy, việc quy định theo hướng người tập sự chịu quản lý, giám sát trực tiếp và hàng tháng có nghĩa vụ báo cáo với Đoàn Luật sư về quá trình tập sự, kết quả tập sự là rất cần thiết. Đồng thời cần quy định quyền của Đoàn Luật sư có quyền sử dụng người tập sự cho các công việc chung của Đoàn và tính vào thời gian tập sự. Ví dụ: Theo Thông tư 10 hiện nay người tập sự một tuần phải tập sự ít nhất 20 giờ, cần quy định Đoàn có quyền sử dụng người tập sự 8 giờ trên tuần.
Thứ sáu, hoạt động tổng kết, trao đổi kinh nghiệm và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho Luật sư, hoạt động tổng kết đánh giá, phân loại Luật sư hàng năm các Đoàn Luật sư không thể thực hiện được. Lý do nguồn lực của Luật sư còn hạn chế và chưa có căn cứ, hướng dẫn thực hiện.
Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phân loại Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư hàng năm là cần thiết và là cơ sở để thực hiện nhiệm vụ này. Bộ tiêu chí này cần được ban hành dưới dạng quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất và công bằng.
Thứ bảy, ý thức của một số Luật sư khi tham gia các hoạt động tập thể của Đoàn, các cuộc họp, hội nghị, hội thảo do Đoàn tổ chức, phối hợp tổ chức hoặc được cử tham dự còn chưa nghiêm túc; nhiều Luật sư thường xuyên không tham gia các cuộc họp của Đoàn khi được mời; ý thức tham gia, thực hiện các phong trào, công việc do Đoàn hoặc Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát động còn hạn chế, hoặc tham gia mang tính chiếu lệ. Ý thức chính trị và đạo đức nghề nghiệp nghiệp, trách nhiệm với xã hội đôi khi chưa được một số Luật sư coi trọng. Pháp luật có đặt ra nhiệm vụ giáo dục phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức cho Luật sư đối với Đoàn Luật sư. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng được Đảng và Nhà nước giao nhưng hiện các Đoàn không có nguồn lực để thực hiện.
Do vậy, để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này pháp luật cần quy định đây là một nhiệm vụ nhà nước đặt hàng đầu với Đoàn Luật sư và giao cho Luật sư thực hiện bằng nguồn kinh phí của Nhà nước với sự hỗ trợ, giám sát của nhà nước.
Thứ tám, tổ chức hành nghề Luật sư không phải là thành viên của Đoàn Luật sư, trong khi thực chất người có quyền chi phối, chỉ đạo Luật sư chính là các tổ chức hành nghề, trưởng tổ chức hành nghề Luật sư.
Do vậy, để hoạt thống nhất cần quy định tổ chức hành nghề Luật sư là thành viên bắt buộc của Đoàn Luật sư.
Thứ chín, nguồn lực để Đoàn tổ chức, thực hiện nhiệm vụ từ nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, chế độ hiện nay không đáp ứng hoạt động, bên cạnh số phí Luật sư, hỗ trợ một phần của tỉnh, còn lại chủ yếu nhờ sự ủng hộ, đóng góp của một số Luật sư và tổ chức
Các văn kiện của Đảng hiện đã xác định rõ Đoàn Luật sư là hội quần chúng được Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ. Cùng việc giao nhiệm vụ cần bố trí, hỗ trợ các nguồn lực để Đoàn Luật sư thực hiện nhiệm vụ được giao. Tránh tình trạng giao nhiệm vụ nhưng Đoàn không có khả năng, điều kiện cả về con người, vật chất, tiền, chính sách để thực hiện, đặc biệt với các Đoàn Luật sư nhỏ lẻ.
Do đó, pháp luật cần quy định và giao một số nhiệm vụ cụ thể cùng việc bố trí kinh phí nguồn lực để Đoàn tổ chức thực hiện. Thông qua đó hoàn thành các nhiệm vụ được pháp luật giao phó và tập hợp, quản lý thành viên. Ví dụ: Công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức,…
Thứ mười, nhận thức về nghề Luật sư ở một vài cơ quan, tổ chức, cán bộ thi hành công vụ còn một số chưa thật sự đảm bảo quyền của Luật sư.
Do vậy, pháp luật cần có quy định cụ thể chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cán bộ và người dân có hành vi xâm phạm hoạt động của Luật sư, quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư trong Luật Luật sư, văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong các tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp (vì đã xác định nghề Luật sư là nghề bổ trợ tư pháp).
Mười một, hiện nay tiêu chuẩn đầu vào của Luật sư không thống nhất, có nhóm phải học qua Học viện và tập sự, có nhóm không phải tập sự. Điều đó tạo ra sự bất bình đẳng đặc biệt chất lượng Luật sư về kỹ năng, về đạo đức không đồng đều. Đã đến lúc việc tham gia đào tạo, tập sự là điều kiện bắt buộc với tất cả những ai muốn trở thành Luật sư. Do vậy, chế định chuyển ngang từ các chức danh tư pháp sang nghề Luật sư theo tôi đã đến lúc bắt buộc phải loại bỏ.
Ngoài ra, hiện nay pháp luật hình sự, dân sự, hành chính,… quy định người không phải là Luật sư cũng được tham gia thực hiện như Luật sư tức được tham gia Bào chữa, bảo vệ tại Tòa án như Luật sư. Điều đó là không công bằng vì Luật sư phải học, chịu nhiều chế tài nhưng một người công dân bình thường cũng có thể thực hiện các công việc đó và cũng đã bộc lộ nhiều bất cập cho nền tư pháp trên thực tế. Các hoạt động tư vấn pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý hiện nay các chủ thể không phải là Luật sư vẫn được phép thực hiện trong một số trường hợp.
Do đó, cần quy định một số công việc như bào chữa, bảo vệ tại Tòa án, cung cấp dịch vụ pháp lý (có thu tiền) trong trong mọi trường hợp chỉ Luật sư mới được thực hiện.
Luật sư TRẦN VĂN AN,
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang
Quyền, nghĩa vụ của Luật sư theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam