Ảnh minh họa.
Chế độ chính sách của công dân trong thời gian đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khỏe
Chế độ chính sách được hưởng
Căn cứ Điều 49 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về chế độ chính sách của công dân trong thời gian đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khỏe như sau:
1. Công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì được trả nguyên lương, tiền tàu xe và các khoản phụ cấp hiện hưởng. 2. Công dân đến đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khỏe được bảo đảm chế độ ăn, ở trong thời gian thực hiện đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe, tiền tàu xe đi, về… |
Bên cạnh đó, tại Điều 12 Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/12/2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự (Nghị định số 13) quy định như sau:
1. Công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật. 2. Công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được đảm bảo các chế độ sau: a) Tiền ăn bằng mức tiền một ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh; b) Thanh toán tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật. |
Như vậy, đối với trường hợp công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) cấp huyện được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.
Ví dụ: Nguyễn Văn A., 24 tuổi, có nơi đăng ký thường trú tại xã B., huyện C., tỉnh D.; hiện A. là cán bộ công chức thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) xã E., huyện F., tỉnh G. Tháng 11 năm 2023, A. có lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện C. A. đã xin phép Lãnh đạo UBND xã E. nghỉ 05 ngày để thực hiện lệnh gọi. Như vậy, trong thời gian đó, A. được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng của những ngày thực hiện lệnh gọi khám nghĩa vụ quân sự và được thanh toán tiền tàu xe đi, về theo mức giá quy định chung của Nhà nước.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định đối với trường hợp công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp huyện được đảm bảo các chế độ gồm: Tiền ăn bằng mức tiền một ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh và được thanh toán tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.
Trách nhiệm chi trả chế độ chính sách của công dân trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Điều 13, Nghị định số 13 quy định thực hiện chế độ chi trả như sau: 1. Nguyên tắc hưởng chế độ Thời gian đi, về và thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc khám, kiểm tra sức khỏe từ 4 giờ trở lên trong ngày được tính cả ngày; dưới 4 giờ trở xuống tính 1/2 ngày. 2. Trách nhiệm chi trả a) Công dân làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chi trả; b) Công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự do Ban Chỉ huy quân sự cấp xã chi trả và thanh quyết toán với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; c) Công dân không thuộc cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện chi trả. |
Như vậy, trách nhiệm chi trả chế độ chính sách của công dân trong thời gian khám nghĩa vụ quân sự như sau: Công dân làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp huyện do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chi trả; Công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự do Ban CHQS cấp xã chi trả và thanh quyết toán với Ban CHQS cấp huyện; Công dân không thuộc cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp huyện do Ban CHQS cấp huyện chi trả.
Nguồn ngân sách bảo đảm kinh phí thực hiện khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Điều 14 Nghị định số 13 quy định về nguồn ngân sách bảo đảm như sau: 1. Kinh phí thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện cho công dân làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 Nghị định này do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành. 2. Kinh phí thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 13 Nghị định này do ngân sách địa phương đảm bảo. 3. Kinh phí thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện cho công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 13 Nghị định này do ngân sách Nhà nước cấp cho Bộ Quốc phòng đảm bảo. |
Như vậy, kinh phí thực hiện khám nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp huyện cho công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị định số 13 này do ngân sách Nhà nước cấp cho Bộ Quốc phòng đảm bảo.
Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ
Khoản 1 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định về chế độ chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ như sau: a) Được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm(1), quân trang(2), thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hàng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội; được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ, tết; được bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn theo quy định của pháp luật; b) Từ tháng thứ mười ba trở đi được nghỉ phép theo chế độ; các trường hợp nghỉ vì lý do đột xuất khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định; c) Từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng; d) Được tính nhân khẩu trong gia đình khi gia đình được giao hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác; đ) Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác; e) Được ưu đãi về bưu phí; g) Có thành tích trong chiến đấu, công tác, huấn luyện được khen thưởng theo quy định của pháp luật; h) Trong trường hợp bị thương, bị bệnh khi làm nhiệm vụ thì được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật; i) Được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; k) Được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật; l) Được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự. |
Như vậy, về mặt nguyên tắc chung thì hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian tại ngũ được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hàng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ của Quân đội; được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ, tết; được bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn theo quy định của pháp luật. Một số chế độ chính sách cụ thể như sau:
aChế độ nghỉ phép, được quy định cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Điều 3 Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ (Nghị định số 27) và Điều 3 Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BQP ngày 08/5/2024 của Bộ Quốc phòng hợp nhất các Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27 (Thông tư số 95/2016/TT-BQP ngày 28/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27, có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2016, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2024/TT-BQP ngày 18/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 02/5/2024) (VBHN số 10). Cụ thể:
- Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ mười ba trở đi thì được nghỉ phép hàng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.
- Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ là học viên các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội, thời gian học từ một năm trở lên có thời gian nghỉ hè giữa hai năm học thì thời gian nghỉ này được tính là thời gian nghỉ phép và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.
- Trường hợp đặc biệt do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hoặc ở những nơi điều kiện đi lại khó khăn không thể giải quyết cho nghỉ phép thì được thanh toán bằng tiền. Mức tiền thanh toán một ngày không nghỉ phép bằng mức tiền ăn cơ bản một ngày của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh theo quy định tại thời điểm không nghỉ phép(3); số ngày được thanh toán cao nhất của mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ là 10 ngày. Không được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường và thời gian được tính là ngày đi đường. Thủ trưởng cấp trung đoàn và tương đương trở lên chịu trách nhiệm xem xét, quyết định đối với các trường hợp được thanh toán chế độ nghỉ phép tại đơn vị.
- Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 05 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành. Không giải quyết chế độ thanh toán bằng tiền đối với các trường hợp đủ điều kiện được nghỉ phép đặc biệt như đã nêu ở trên.
Chế độ phụ cấp thêm do kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ và chế độ phụ cấp khuyến khích đối với hạ sĩ quan, binh sĩ nữ phục vụ tại ngũ, được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Điều 4 Nghị định số 27 và Điều 4 VBHN số 10, như sau:
- Ngoài chế độ phụ cấp quân hàm được hưởng theo quy định, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ thì từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Cách tính hưởng như sau:
Phụ cấp được hưởng từ tháng thứ 25 trở đi = Phụ cấp quân hàm hiện hưởng + Phụ cấp kéo dài thời gian phục vụ.
Trong đó:
Phụ cấp kéo dài thời gian phục vụ= Phụ cấp quân hàm hiện hưởng x 250%.
Đối với chế độ phụ cấp này không áp dụng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ đang chờ chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; chờ đi học, dự thi tuyển sinh; đang học ở các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội và các trường hợp khác.
- Hạ sĩ quan, binh sĩ nữ phục vụ tại ngũ, hàng tháng được hưởng phụ cấp khuyến khích mức 0,2 so với mức lương cơ sở.
Một số chế độ chính sách khác đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ:
Được miễn tiền cước khi chuyển tiền, bưu phẩm, bưu kiện; được cấp 04 tem thư/tháng, giá tem thư theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và được cấp cùng kỳ phụ cấp quân hàm hàng tháng. Trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên nếu vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội thì được tạm hoãn trả và không tính lãi suất trong thời gian tại ngũ theo quy định hiện hành. Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa, sức khoẻ, độ tuổi thì được tham gia tuyển sinh theo quy định của Bộ Quốc phòng và được cộng Điểm ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định hiện hành.
Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ
Được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ:
Đối với chế độ trợ cấp xuất ngũ: Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 27 và khoản 2 Điều 7 VBHN số 10 thì trợ cấp xuất ngũ được quy định như sau:
Ngoài chế độ BHXH được hưởng, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được trợ cấp xuất ngũ một lần, cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội (đủ 12 tháng) được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm xuất ngũ (kể cả đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho xuất ngũ trước thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự). Cụ thể:
Trợ cấp xuất ngũ một lần= Số năm phục vụ tại ngũx02 tháng tiền lương cơ sở.
Trường hợp có tháng lẻ tính như sau: Dưới 01 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ; từ đủ 01 tháng đến đủ 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương cơ sở; từ trên 06 tháng đến 12 tháng được hưởng trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.
Trợ cấp thêm do kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ: Hạ sĩ quan, binh sĩ có thời gian phục vụ tại ngũ kéo dài theo quy định, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm như sau: Thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng; thời gian phục vụ tại ngũ đủ 30 tháng được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
Ví dụ: Đồng chí Nguyễn Văn A., nhập ngũ tháng 5/2014, xuất ngũ tháng 8/2016. Trợ cấp xuất ngũ một lần của đồng chí Nguyễn Văn A. được hưởng như sau:
- Tổng thời gian phục vụ tại ngũ là 02 năm 04 tháng (28 tháng).
- Số năm phục vụ tại ngũ (02 năm): 02 năm = 04 tháng tiền lương cơ sở.
- Số tháng lẻ phục vụ tại ngũ (04 tháng) = 01 tháng tiền lương cơ sở.
Cộng = 05 tháng tiền lương cơ sở.
- Trợ cấp thêm do kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ: 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
Hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được đơn vị trực tiếp quản lý tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ, mức chi 50.000 đồng/người; được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú theo quy định hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.
Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó.
Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Được trợ cấp tạo việc làm.
Hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 khi xuất ngũ, được trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm xuất ngũ (kể cả đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho xuất ngũ trước thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự).
Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ; trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp.
Trường hợp cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp đó đã giải thể hoặc không có cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan cùng cấp để giải quyết việc làm.
Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật; cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương nơi tổ chức kinh tế nói trên đóng bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành.
Hạ sĩ quan, binh sĩ được tiếp nhận vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức, các cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế được xếp lương theo công việc đảm nhiệm, thời gian phục vụ tại ngũ được tính vào thời gian công tác và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ sở kinh tế đó.
Được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội:
Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH theo quy định. Trường hợp trước khi nhập ngũ, có thời gian làm việc, đóng BHXH bắt buộc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, nếu xuất ngũ về địa phương thì được cộng nối thời gian công tác có đóng BHXH trước đó với thời gian tại ngũ để tính hưởng chế độ BHXH theo quy định và do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng giải quyết. Ví dụ: Nguyễn Văn A. có thời gian đóng BHXH trước khi nhập ngũ là 02 năm, A. có thời gian tại ngũ là 02 năm. Khi xuất ngũ, A. được cộng nối thời gian đóng BHXH với tổng thời gian đã tham gia BHXH tại thời điểm xuất ngũ là 04 năm.
Trường hợp trước khi nhập ngũ có thời gian làm việc, đóng BHXH bắt buộc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, sau đó xuất ngũ về cơ quan cũ hoặc các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, tiếp tục đóng BHXH thì được cộng thời gian trước đó với thời gian tại ngũ và thời gian công tác có đóng BHXH sau này để làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH theo quy định. Cụ thể như sau:
Tổng thời gian tính hưởng BHXH = Thời gian đóng BHXH cơ quan, tổ chức bên ngoài Quân đội (trước khi nhập ngũ)+ Thời gian phục vụ tại ngũ + Thời gian đóng BHXH cơ quan, tổ chức bên ngoài Quân đội (sau khi xuất tại ngũ).
Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và khoản 1 Điều 48 của Luật này, khi về địa phương được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh(4), tuyển dụng công chức, viên chức(5); trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo".
Chế độ chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
Khoản 2 Điều 2 VBHN số 10 quy định thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, gồm: Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ.
Căn cứ khoản 2 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và Điều 6 Nghị định số 27 quy định chế độ chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ như sau:
Được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp khó khăn do ngân sách Nhà nước bảo đảm:
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định số 27 và Điều 5 VBHN số 10 thì hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian tại ngũ mà gia đình bị thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn hoặc thân nhân ốm đau dài ngày, từ trần thì được hưởng chế độ trọ cấp khó khăn đột xuất; về hồ sơ xét hưởng, trình tự và trách nhiệm giải quyết được quy định cụ thể như sau:
- Hồ sơ xét hưởng chế độ gồm: Bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất (Mẫu số 01 kèm theo VBHN số 01) có xác nhận của UBND cấp xã nơi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ cư trú. Trường hợp nếu thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ có các loại giấy tờ như: Giấy xác nhận của UBND cấp xã về mức độ thiệt hại vật chất khi bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc thân nhân ốm đau dài ngày từ một tháng trở lên; giấy ra viện của cơ sở y tế nơi thân nhân điều trị; giấy báo tử của thân nhân hy sinh; giấy chứng tử của thân nhân từ trần hoặc mất tích hoặc xác nhận của UBND cấp xã gửi cho hạ sĩ quan, binh sĩ thì bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất kèm theo các loại giấy đó, không phải xin xác nhận của UBND cấp xã.
- Trình tự và trách nhiệm giải quyết chế độ:
Hạ sĩ quan, binh sĩ: Làm bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất; nộp bản khai và các loại giấy tờ đã nêu trên cho cấp đại đội, tiểu đoàn hoặc tương đương. Trường hợp bản khai chưa có xác nhận của UBND cấp xã hoặc chưa có các loại giấy tờ kèm theo thì nộp bản khai cho cấp đại đội, tiểu đoàn hoặc tương đương để các cấp xét duyệt, giải quyết trợ cấp, sau đó hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn không quá 30 ngày (kể từ ngày được giải quyết trợ cấp) nộp cho cơ quan tài chính thanh quyết toán theo quy định; hết thời hạn trên nếu hạ sĩ quan, binh sĩ không hoàn thiện đủ hồ sơ thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận.
Đơn vị quản lý hạ sĩ quan, binh sĩ: Cấp đại đội, tiểu đoàn hoặc tương đương: Tiếp nhận bản khai và các loại giấy tờ do hạ sĩ quan, binh sĩ nộp; tổng hợp, kiểm tra và đề nghị cấp trên trực tiếp trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc; nhận và chi trả chế độ trợ cấp khó khăn cho hạ sĩ quan, binh sĩ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Cấp trung đoàn hoặc tương đương: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của đơn vị cấp dưới, hoàn thành việc xem xét, quyết định trợ cấp khó khăn đột xuất cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Cơ quan Chính trị (Chính sách) các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức phổ biến, quán triệt, hướng dẫn cho hạ sĩ quan, binh sĩ về chế độ, trình tự thực hiện; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện; hằng năm lập dự toán kinh phí bảo đảm chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất vào dự toán kinh phí của cơ quan, đơn vị, gửi Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính và Cục Chính sách); xác nhận, quản lý, thanh quyết toán theo quy định.
- Nguyên tắc giải quyết chế độ khó khăn đột xuất: Khi nhà ở của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế thì được trợ cấp không quá 02 lần/năm đối với mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ; khi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện theo quy định được trợ cấp không quá 02 lần trong một năm đối với mỗi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ. Ví dụ 1: Đồng chí Hạ sĩ Nguyễn Văn A., năm 2024 có con bị ốm phải điều trị tại bệnh viện. Cụ thể như sau: Lần 1 từ ngày 02 đến ngày 12 tháng 3; lần 2 từ ngày 05 đến ngày 15 tháng 5; theo quy định, con đồng chí An được trợ cấp 02 lần, mỗi lần bằng 500.000 đồng. Ví dụ 2: Cũng đối tượng nêu ở ví dụ 1, năm 2024 mẹ đồng chí An bị ốm phải điều trị tại bệnh viện. Cụ thể như sau: Lần 1 từ ngày 02 đến ngày 10 tháng 4; lần 2 từ ngày 05 đến ngày 15 tháng 6; theo quy định, mẹ đồng chí An được trợ cấp 02 lần, mỗi lần bằng 500.000 đồng. Ví dụ 3: Cũng đối tượng nêu ở ví dụ 1, năm 2024 gia đình đồng chí An có nhà ở bị sập do lũ quét. Theo quy định, gia đình đồng chí An được trợ cấp mức 3.000.000 đồng. Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích thì được trợ cấp mức 2.000.000 đồng/người.
Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí.
Căn cứ khoản 7 Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo quy định về đối tượng được miễn học phí trong đó có trẻ em mầm non và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông là con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 27.
Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm tốt chế độ, chính sách trong thực hiện nghĩa vụ quân sự nói riêng và Công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội nói chung sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và các đối tượng chính sách,... tạo động lực to lớn để xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(1) Thông tư số 168/2021/TT-BQP ngày 18/12/2021 của Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn, định lượng ăn và mức tiền ăn cơ bản bộ binh, quân chủng, binh chủng, bệnh nhân điều trị, học viên quân sự quốc tế; ăn thêm ngày lễ, tết, khi làm nhiệm vụ; chế độ an, bồi dưỡng hằng năm cho các đối tượng hưởng lương và phụ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong quân đội. (2) Mỗi chiến sĩ được nhận quân trang theo đúng tiêu chuẩn, chế độ, cỡ số các đơn vị đã đăng ký, trong đó gồm: Quân phục hạ sĩ quan – binh sĩ nam K16; quần áo dệt kim đông xuân hạ sĩ quan – binh sĩ nam K16; áo ấm 3 lớp hạ sĩ quan - binh sĩ nam K20; ni lon mưa; mũ cứng cuốn vành; giày vải cao cổ chiến sĩ; bít tất; khăn bông; ba lô; túi lót; dây lưng; quân hiệu... (3) Mức tiền ăn cơ bản bộ binh là 65.000đ/người/ngày. Mức tiền ăn quân binh chủng so với mức tiền ăn cơ bản bộ binh bằng 2,6 lần (mức 1); 2,4 lần (mức 2); 2,2 lần (mức 3); 2,0 lần (mức 4); 1,8 lần (mức 5); 1,65 lần (mức 6); 1,5 lần (mức 7); 1,4 lần (mức 8); 1,3 lần (mức 9); 1,25 lần (mức 10). Mức tiền ăn bệnh nhân điều trị bằng 1,75 lần mức tiền ăn cơ bản bộ binh. Mức tiền ăn thêm khi làm nhiệm vụ so với mức tiền ăn cơ bản bộ bình bằng 1,7 lần (mức 1); 1,3 lần (mức 2); 1,0 lần (mức 3); 0,9 (mức 4); 0,7 lần (mức 5); 0,5 lần (mức 5). Mức tiền ăn thêm khi ốm đau được điều trị tại tổ Quân y có giường lưu; ốm tại trại bằng 0,3 lần mức tiền ăn cơ bản bộ binh. Ăn thêm các ngày lễ, tết, mỗi quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng đang hưởng lương, phụ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước trong Bộ Quốc phòng được hưởng chế độ ăn thêm 12 ngày lễ, tết trong năm với mức tiền ăn thêm 65.000đ/người/ngày. Về tiêu chuẩn bánh chưng tết Nguyên đán: 3 chiếc/người; riêng lực lượng ở quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK, vùng biển thềm lục địa phía Bắc, phía Nam, bãi cạn Cà Mau và những nơi có phụ cấp đặc biệt mức 100% được hưởng 4 chiếc/người. (4) Theo khoản 2 Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định ưu tiên theo đối tượng chính sách thì đối tượng là quân nhân xuất ngũ thuộc nhóm UT1 và được cộng 02 điểm (5) Theo điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 07/12/2023) quy định về ưu tiên trong tuyển dụng viên chức thì đối tượng quân nhân xuất ngũ được cộng 2,5 điểm vào kết quả vòng 2. |
VÕ MINH TUẤN
Tòa án Quân sự Khu vực 1 Quân khu 5
Một số vướng mắc, bất cập về tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả"