Ảnh minh họa.
1. Một số vấn đề chung về chủ thể của tội phạm tình dục
Có thể hiểu, tội phạm tình dục là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, được Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện tội phạm một cách cố ý, xâm phạm trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục, nhân phẩm, danh dự, sức khỏe của con người và trật tự an toàn xã hội. Khách thể loại tội phạm này xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về tình dục của con người; nhân phẩm, danh dự, sức khỏe của con người và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Được thể hiện qua các hành vi như: Dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực; hoặc các thủ đoạn khác, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với người khác (có thể là đồng giới hoặc khác giới), dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
Như vậy, tội phạm tình dục xâm hại đến các khách thể được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ. Các tội phạm này không chỉ làm tổn hại đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của con người mà còn làm băng họa đạo đức xã hội, mà còn ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thâm chí đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em làm ảnh hưởng và tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe, thể chất, nhân cách và sự phát triển bình thường của trẻ em gây nên những bất bình và căm phẫn trong xã hội. Có thể thấy, một tỉ lệ lớn nạn nhân hóa trong các tội phạm tình dục là nạn nhân bị hiếp dâm do chính những người thân quen, đặc biệt là khi nạn nhân là trẻ em. Tội phạm cưỡng dâm cũng thường đòi hỏi người phạm tội phải có mối quan hệ quen biết, hiểu rõ nạn nhân để nắm được các điểm yếu của nạn nhân qua đó, khống chế nạn nhân, buộc nạn nhân phải miễn cưỡng giao cấu (1).
Từ những vấn đề lý luận, có thể thấy, chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật hình sự quy định. Ngoài ra, điểm mới của Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định, chủ thể còn là pháp nhân thương mại.
Như vậy, chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng nhận thức và điều khiển được hành vi. Đây cũng là điều kiện để họ có lỗi. Hơn nữa, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là chủ thể chỉ nhận thức và điều khiển hành vi khi ở độ tuổi nhất định. Và luật hình sự Việt Nam quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; Người đủ 14 đến dưới 16 chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Từ những phân tích trên, có thể hiểu chủ thể của tội phạm tình dục là con người cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội một cách cố ý, xâm phạm trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục con người; nhân phẩm, danh dự, sức khỏe của con người; trật tự an toàn xã hội trong tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật hình sự quy định và phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tội phạm tình dục diễn ra ngày càng phổ biến với những mức độ nghiêm trọng, xâm hại đến những giá trị, quyền và lợi ích hợp pháp của con người. Chủ thể của tội phạm này mang một số điểm đặc trưng như sau:
Thứ nhất, chủ thể của tội phạm tình dục mang những đặc điểm chung về chủ thể của tội phạm. Đó là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đây là một đặc điểm khách quan được ghi nhận chính thức trong khái niệm tội phạm được quy định tại Điều 8, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Và chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự và thực hiện một cách cố ý, đồng thời, chủ thể phải đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, chủ thể của tội phạm tình dục mang những đặc trưng riêng của loại tội phạm này. Một là, chủ thể của tội phạm tình dục xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục, danh dự, nhân phẩm, thậm chí là sức khỏe của con người. Đó là các thiệt hại mà nạn nhân phải gánh chịu về uy tín, danh dự, nhân phẩm. Hai là, chủ thể của tội phạm tình dục xâm hại đến cả trật tự an toàn xã hội, an toàn công cộng.
Ba là, chủ thể của tội phạm tình dục có đa dạng như người lạ, người thân hoặc người có mối quan hệ với nạn nhân. Qua các nghiên cứu cho thấy, hành vi tấn công tình dục thường được thực hiện bởi người quen và gần nhà nạn nhân.
Một số hành vi tiềm ẩn nguy cơ (đi xe với người lạ, uống rượu trong các bữa tiệc…) khiến tăng khả năng nạn nhân dễ bị tấn công tình dục. Nhân cách trong tội phạm tình dục gồm: giận dữ (sử dụng nhiều hành vi bạo lực, làm nhục lên nạn nhân), khống chế (thường bắt cóc, giam cầm, kiểm soát, áp chế nạn nhân) và bạo dâm (2). Như vậy, mối liên hệ giữa loại tội phạm với hậu quả của tội phạm mà nạn nhân phải gánh chịu sẽ có ý nghĩa trong việc làm sáng tỏ nguyên nhân của tình trạng nạn nhân hóa, từ đó có các biện pháp phòng ngừa tội phạm và phòng tránh nguy cơ nạn nhân hóa với một số nhóm đối tượng nhất định.
Bốn là, chủ thể của tội phạm tình dục thường có sự tha hóa về nhân cách, đạo đức, coi thường danh dự, nhân phẩm người khác. Có thể thấy, với tội phạm tình dục, để lựa chọn nạn nhân trong một tình huống nạn nhân hóa cụ thể, người phạm tội thường phải có một quá trình hoặc một giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn nạn nhân, xác định sự phù hợp giữa nạn nhân với mục đích của tội phạm và khả năng thực hiện của tội phạm. Và khi chúng tìm được nạn nhân thích hợp, chúng sẽ thực hiện hành vi vi phạm xâm hại nạn nhân.
Năm là, chủ thể của tội phạm tình dục luôn bị xã hội lên án, tố cáo và bất bình, hơn nữa, chủ thể của tội phạm tình dục phần nhiều có nhân thân không tốt, nên dễ dàng thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm.
2. Chủ thể của tội phạm tình dục trong pháp luật hình sự Việt Nam
Pháp luật hình sự đã thể hiện và luật hóa cấu thành tội phạm tình dục rất cụ thể và phù hợp với sự biến đổi của xã hội hiện nay, với mỗi một tội danh về tình dục, Bộ luật Hình sự hiện hành có những mô tả về hành vi về từng tội giúp phản ánh chính xác động cơ, hành vi, tình tiết có liên quan đến các tội phạm tình dục. Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định về các tội phạm tình dục với các tội danh như tội "Hiếp dâm", tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi", tội "Cưỡng dâm", tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi"… Đây là các tội phạm điển hình về tình dục và với mỗi tội danh thì pháp luật đều có những quy định về chủ thể của loại tội này dưới góc độ yếu tố cấu thành tội phạm. Từ đó, các quy định của pháp luật nhằm cá thể hóa từng tội phạm, cụ thể chủ thể của từng tội danh bảo đảm việc điều tra, xử lý và giải quyết được thuận lợi và khách quan.
Thứ nhất, tội "Hiếp dâm" (Điều 141), tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" (Điều 142), tội "Cưỡng dâm" (Điều 143), tội "Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi" (Điều 144), đây là các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xâm hại đến sức khỏe, tổn thất về danh dự, nhân phẩm, thậm chí là sự phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ em nên pháp luật hình sự quy định chủ thể của các tội phạm này là người đủ 14 tuổi trở lên nếu thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm về tội phạm mà mình đã gây ra.
Thứ hai, tội "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi" (Điều 145), tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi" (Điều 146). Đây là các tội danh mà pháp luật hình sự quy định độ tuổi của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là đủ 18 tuổi trở lên có hành vi phù hợp với cấu thành tội phạm của các tội danh đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước hành vi phạm tội đã gây ra cho bị hại… Như vậy, các cấu thành tội phạm này đã phản án tính chất, mức độ nguy hiểm, thủ đoạn, cách thức đa dạng của loại tội phạm này để đề ra các biện pháp phòng chống và xử lý nghiêm minh, hiệu quả.
Dưới những tác động tiêu cực và phản ánh tính chất nguy hiểm của xã hội. Tội phạm tình dục gây ra nhiều bất bình, ám ảnh cho các chủ thể trong xã hội, vì vậy, việc nghiên cứu về các đặc điểm, đặc trưng liên quan đến chủ thể của tội phạm tình dục mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị lớn.
Thứ nhất, cung cấp và hoàn thiện về cơ sở lý luận, thực tiễn về chủ thể của các tội phạm tình dục. Việc đẩy mạnh nghiên cứu và tìm hiểu về chủ thể của tội phạm tình dục nhằm mục đích cung cấp các dữ liệu khoa học cho việc xây dựng và không ngừng bổ sung, hoàn thiện những vấn đề lý luận trong việc xác định và làm rõ chủ thể tội phạm tình dục được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trên cơ sở đó góp phần làm sáng tỏ các vấn đề thực tiễn liên quan tới chủ thể của các tội phạm tình dục.
Thứ hai, hiểu hơn về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm tình dục. Tội phạm tình dục không chỉ xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về tình dục của con người, mà còn chà đạp lên nhân phẩm, danh dự, sức khỏe của con người. Chính điều này đã làm suy giảm về đạo đức, văn hóa con người trong cuộc sống; gây mất trật tự chung an toàn xã hội.
Thứ ba, nâng cao hiểu biết của người dân về việc dấu hiệu, cách nhận biết về chủ thể của loại tội phạm này để có sự đề phòng, cảnh giác. Hơn nữa, giúp tăng cường hiểu biết, dấu hiệu về chủ thể tội phạm tình dục và giáo dục kỹ năng sống cho người dân, trẻ em về cách bảo vệ bản thân và phòng tránh nguy cơ biến mình trở thành nạn nhân của tội phạm tình dục.
Thứ tư, giúp quá trình xác minh, điều tra các chủ thể của tội phạm tình dục là tội phạm ẩn được dễ dàng hơn.
Thứ năm, có hiểu biết khoa học về hành vi, biểu hiện của những chủ thể có dấu hiệu của tội phạm tình dục sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ sáu, hoàn thiện được cơ chế xử lý và có các biện pháp phòng ngừa, phòng chống, răn đe tội phạm đạt hiểu quả. Việc hoàn thiện các chế tài xử phạt nghiêm khắc không chỉ nhằm mục đích trừng phạt nghiêm người phạm tội mà còn hướng tới việc giáo dục răn đe những kẻ xấu đang manh nha mấp mé bên bờ vực của tội phạm nhằm hạn chế những vụ án liên quan tới tình dục và góp phần nâng cao việc bảo vệ, phòng ngừa và phòng chống tội phạm tình dục một cách hiệu quả hiện nay.
3. Một số vấn đề đặt ra về chủ thể của tội phạm tình dục hiện nay
Thứ nhất, tội phạm tình dục xuất hiện ngày càng nhiều. Với sự phát triển của xã hội, nhiều vấn đề đang nảy sinh ngày một nhiều, sự tha hóa, xuống cấp của một số đối tượng về đạo đức xã hội bất chấp thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý xâm hại đến những giá trị và chuẩn mực xã hội gây nên nhưng hệ lụy cho xã hội. Tội phạm tình dục ngày càng gia tăng về số vụ và số nạn nhân bị xâm hại, nhất là trẻ em, ngoài ra còn nhiều tội phạm ẩn mà chưa được phát hiện và tố giác bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như đạo đức, văn hóa, xấu hổ, đe dọa, tự thỏa thuận… Đây thực sự là vấn đề cần được quan tâm và nghiên cứu nhiều hơn nhằm có những giải pháp phòng ngừa chung.
Thứ hai, chủ thể của tội phạm tình dục xuất phát từ nhiều nguyên nhân và yếu tố tác động khác nhau. Do sự xuống cấp về đạo đức của một số ít người cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng xâm hại tình dục trẻ em; những người này thường là không nhận thức được trách nhiệm và bổn phận của mình đối với các thành viên khác trong xã hội, nhiều trường hợp do coi thường pháp luật, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác, các đối tượng này phần lớn có lối sống buông thả, sống gấp, lêu lổng thiếu tu dưỡng, chế ngự bản thân; đối tượng và nạn nhân thường có mối quan hệ như cha con, họ hàng, thầy trò, hàng xóm hoặc quen biết nên có điều kiện gần gũi nạn nhân, do đó nạn nhân không có sự cảnh giác, lợi dụng vắng vẻ, khi không có sự quan tâm, giám sát của người lớn hoặc do nạn nhân bồng bột, dễ dãi trong việc kết bạn, làm quen…
Thứ ba, chủ thể của tội phạm tình dục gây nên những đau đớn, tổn thương nghiêm trọng về thể xác, nhân cách, danh dự, nhân phẩm, sự phát triển bình thường, nhất là với trẻ em. Thực tế cho thấy, nạn nhân của tội phạm tình dục là trẻ em. Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước nhưng lại là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội nên các em còn quá non nớt để bảo vệ mình và nhận thức được những nguy hiểm xung quanh đang rình rập.
Vì vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng và sử dụng những mánh khóe, thủ đoạn như: Cho kẹo, dẫn đi chơi, thay bố mẹ đón con tại cổng trường, tự nhận là người thân… để xâm hại các em.
Thời gian qua, cả xã hội bất bình và đau xót khi chứng kiến những hành vi đồi bại của những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây băng họa đạo đức xã hội. Cụ thể, chiều 19/4, Công an huyện Tuy Phong, Bình Thuận cho biết, đã bắt được Nguyễn Quốc Lâm (38 tuổi, trú ở thị trấn Liên Hương, Tuy Phong) để điều tra về hành vi hiếp dâm cháu bé Đ.T.T.V. (02 tuổi) (3). Ngoài ra, còn nhiều vụ án nghiêm trọng khác…
Thứ tư, mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của hành vi phạm tội tăng lên rõ rệt. Gần đây, cho thấy các vụ án đang có mức độ nghiêm trọng ngày một tăng dần. Không chỉ dừng lại ở hành vi hiếp dâm mà theo đó tiếp nối hành vi khác đặc biệt nghiêm trọng như giết người để bịt đầu mối, tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Điều này không chỉ chà đạp lên nhân phẩm, danh dự, sức khỏe con người mà còn xâm phạm tới tính mạng con người được pháp luật hình sự bảo vệ. Tháng 10/2009, tại cánh đồng Bông (đối diện bến xe Mỹ Đình) đã xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng. Nạn nhân là ông Ngô Văn Tiến (46 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty bảo vệ Đại Hoàng Gia) bị sát hại, Công an đã bắt giữ Đào Văn Hiếu sinh năm 1991 thường trú tại tỉnh Hưng Yên. Nạn nhân và đối tượng có mối quan hệ đồng tính. Hiếu đã đâm nhiều nhát vào nạn nhân khiến nạn nhân tử vong. Thực hiện xong hành vi phạm tội, Hiếu đã bỏ trốn nhằm trốn tránh pháp luật (4). Ngoài ra, còn nhiều vụ án khác trong thời gian quan liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em và tước đoạt mạng sống của trẻ sau khi xâm hại được phản án trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ năm, đã xuất hiện những hành vi tình dục mới (hành vi tình dục khác). Đây là vấn đề liên quan đến hành vi tình dục khác mới được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành, nó xuất hiện cả ở những người có cùng giới tính (nam giới xâm hại nam giới, nữ giới xâm hại nữ giới, những người có quan hệ đồng tính thuộc cộng đồng LGBT).
Trong sự phát triển của xã hội, tình dục đồng giới ngày càng xuất hiện nhiều với tính chất phức tạp. Vì vậy, quan niệm về tình dục, xâm hại tình dục đã có sự thay đổi so với trước đây (chỉ giữa nam và nữ), giữa những người có khác giới tình với nhau thì hiện nay quan niệm đó đã được thay đổi để bắt kịp với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, có nhiều hành vi phạm tội về tình dục mới xuất hiện như hành vi tình dục khác xuất hiện cả giữa những người cùng giới tính nên gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý tội phạm, ở đây liên quan đến cộng đồng LGBT.
Khi tìm hiểu, nhiều nạn nhân là người LGBT của tội phạm chưa được bảo vệ do mối quan hệ của cộng đồng LGBT trong xã hội có phần phức tạp có những mối quan hệ đồng giới chủ yếu liên quan đến vấn đề tình dục và nhu cầu của bản thân, họ tham gia vào các vấn đề tình cảm đặc thù liên quan đến giới và xu hướng tính tình dục của họ nên dễ bị lợi dụng, lạm dụng, nghiêm trọng hơn là bị tước đoạt quyền sống. Vì vậy, nạn nhân là người LGBT bị người cùng giới xâm hại tình dục nên họ che giấu, không dám tố cáo tội phạm, một phần vì danh dự, một phần vì khó khăn khi tố cáo tội phạm do bị đe dọa, trả thù. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề đó, pháp luật đã có những quy định cụ thể, rõ ràng về những hành vi, tình tiết có liên quan đến xâm hại tình dục không kể đồng giới hay khác giới sẽ tạo điều kiện giải quyết khách quan, bảo đảm tính có căn cứ, không bỏ sót tội phạm hoặc không có quy định để giải quyết như trước đây (ví dụ, cả nạn nhân và người phạm tội đều làm nam giới).
Thứ sáu, chủ thể của tội phạm tình dục theo quan niệm truyền thống thường (chỉ có thể) là nam giới, nữ giới không thể là người đi xâm hại tình dục người khác. Tuy nhiên, không chỉ có phụ nữ mà tình trạng nhiều nam giới cũng chính là nạn nhân của tội phạm tình dục, nam giới bị xâm hại, bạo lực tình dục do nam giới khác gây ra, thậm chí còn do nữ giới gây ra các hành vi xâm hại tình dục. Thời gian qua, nhiều vụ án xâm hại tình dục xảy ra mà người phạm tội là phụ nữ, ví dụ, phụ nữ xâm hại trẻ em nam hay một vụ việc nhận được sự quan tâm của dư luận tại Trung Quốc khi 03 người phụ nữ cùng nhau xâm hại tình dục một nam sinh 19 tuổi.
Thứ bảy, giữa người phạm tội và nạn nhân của tội phạm có quan hệ với nhau về huyết thống, hàng xóm quen biết, trong lĩnh vực lao động, giáo dục… nhiều trường hợp còn là người thân thiết trong gia đình của nạn nhân. Đây là những chủ thể có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với nạn nhân (thường là trẻ em).
Việc có quan hệ gần gũi đó tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi của mình mà không bị nghi ngờ và phát hiện. Đây là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách, đạo đức, truyền thống gia đình Việt Nam, có tính chất loạn luận trong nhiều trường hợp người phạm tội là bố, là ông, bố dượng, mẹ kế, thầy giáo… của trẻ.
Đây là những người có trách nhiệm và nghĩa vụ giáo dục, chăm sóc trẻ nhưng lại đi ngược với đạo đức, thiên chức của con người. Thời gian qua, nhiều vụ việc gây đau lòng dư luận và xã hội khi người thân chính là đối tượng gây nguy hiểm cho các em, không khó để tìm kiếm trên các phương tiện đại chúng các hành vi đồi bại như hành vi xâm hại tình dục đối với chính con đẻ, cháu ruột, thậm chí giữa thầy giáo với các em học sinh..., gây đau đớn trong quần chúng (5). Thời gian gần đây, có một số vụ án đau lòng khi nạn nhân của tội phạm tình dục là người thân thích của người đó, giữa họ có mối quan hệ huyết thống gây nên những căm phẫn trong xã hội, nhất là tội phạm tình dục trẻ em đã gây nên những tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tinh thần và sự phát triển của trẻ em. Điều này thực sự gây nên những dư luận xã hội mạnh mẽ, bất bình và khó khăn trong việc bảo vệ vì trẻ em lại là nạn nhân trong chính gia đình của mình.
Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy vấn đề về tội phạm tình dục xuất hiện với những hành vi thủ đoạn, tính chất nghiêm trọng gây nên những tổn thất về nhân phẩm, danh dự con người. Thực tiễn cho thấy, trong thời gian qua việc đấu tranh phòng, chống tội phạm tình dục đạt được các kết quả đáng mừng như: Kịp thời xử lý các hành vi phạm tội để bảo vệ nạn nhân của tội phạm tình dục, công tác khởi tố điều tra và các giai đoạn tố tụng hình sự đã bảo đảm tính khách quan, công bằng, giải quyết đúng người đúng tội, đúng pháp luật đối với những người thực hiện hành vi phạm tội về tình dục. Hơn nữa, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thường xuyên được quan tâm, các vụ án về hiếp dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm trẻ em đã được xử lý kịp thời, nghiêm minh tạo được niềm tin của quần chúng và góp phần hiệu quả trong việc giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tình dục vẫn còn tồn tại một số khó khăn và hạn chế như hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới còn hạn chế, họ chưa biết và hiểu các quyền, cách thức bảo vệ mình trước hành vi phạm tội nên có những nạn nhân không dám lên tiếng, tố cáo vì bị tội phạm đe dọa, uy hiếp nên làm cho việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn, hơn nữa, nạn nhân còn sợ bị kỳ thi, xấu hổ nên con e ngại lên tiếng, tố giác tội phạm vì vậy để tội phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và tiếp tục thực hiện các hành vi phạm tội khác.
Ngoài ra, vấn đề tuyên truyền, phổ biến pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu do người dân chưa được tiếp cận nhiều, phổ biến pháp luật vẫn mang tính hình thức, chưa được chú trọng, nội dung và phương pháp tuyên truyền chưa phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, bản thân mỗi người vẫn chưa ý thức được vấn đề nguy hiểm của tội phạm, chủ quan, chưa cảnh giác như thường xuyên đi chơi, đi đến những khu vực vắng người, đi một mình, có các dấu hiệu làm cho mình dễ dàng biến thành nạn nhân của tội phạm và tạo điều kiện, tín hiệu cho tội phạm thực hiện hành vi xâm hại tình dục.
Tình hình tội phạm tình dục ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng với những mức độ phức tạp và nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Trước những biến đổi, thay đổi về chủ thể và hành vi của tội phạm tình dục khác với các quan niệm truyền thống trước đây thì cần đặt ra các vấn đề có liên quan như: Có cần thiết nội luật hóa các cụm từ “xu hướng tính dục”, “bản dạng giới” để bảo vệ tốt hơn những người là nạn nhân của tội phạm tình dục cùng giới gây ra? Nếu người phạm tội là ông bà, cha mẹ, người thân thích của nạn nhân (trẻ em) thì cần xử lý như thế nào nhằm hạn chế, phòng ngừa và bảo đảm không làm tổn thương đến sự tâm lý, tình yêu thương mà trẻ em được nhận? Làm thế nào để nạn nhân của tội phạm tình dục mạnh mẽ hơn trong việc tố cáo người phạm tội để không để người phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật để tiếp tục phạm tội? Do vậy, cần xây dựng các kế hoạch và biện pháp phòng chống loại tội phạm nguy hiểm này là rất cần thiết, quan trọng và quan tâm đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, mỗi người dân tự mình thi hành, làm những gì mà pháp luật không cấm, nâng cao ý thức tôn trọng nhân phẩm, danh dự và sức khỏe của những người xung quanh. Bản thân mỗi cá nhân luôn tự nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng chống tội phạm, luôn cảnh giác và tố cáo những hành vi có dấu hiệu của tội phạm để kịp thời ngăn chặn và xử lý. Hơn nữa, gia đình và xã hội cần nỗ lực quan tâm, hỗ trợ những người là nạn nhân của tội phạm tình dục để giảm bớt đi sự đau đớn, tổn thương về thể xác và tinh thần.
Thứ hai, thường xuyên tìm hiểu, tổng kết thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có liên quan đến tội phạm tình dục để biết những dấu hiệu, cách thức thực hiện và có kinh nghiệm xử lý trong các vụ án về sau. Ngoài ra, pháp luật cần hành lang pháp lý và chế tài xử lý nghiêm minh sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục những người manh nha, mấp mé bên bờ vực của tội phạm. Đây là cách để các chủ thể có ý định thực hiện tội phạm tự răn đe, giáo dục và điều chỉnh hành vi của mình đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, cần có các biện pháp giáo dục, cải tạo nhân đạo, tuân thủ các quy định của pháp luật khi thi hành án hình sự đối với các chủ thể của tội phạm tình dục để họ nhận ra được các lỗi lầm, ý thức được hành vi của mình là gây nguy hiểm cho xã hội, tác động trực tiếp vào nhận thức của con người, giúp họ ăn năn, hối cải, lao động, cải tạo tốt để sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Thứ tư, đẩy mạnh tăng cường việc nghiên cứu khoa học hình sự, tội phạm học, làm rõ những vấn đề liên quan đến tình hình tội phạm tình dục, nguyên nhân, nạn nhân, dự báo tội phạm, và đi tới có các chiến lược phòng ngừa tội phạm tình dục được hiệu quả hơn. Có cơ chế xử lý linh hoạt, kịp thời, nhanh chóng để con người không thể, không giám và không muốn thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ năm, đẩy mạnh việc giáo dục về kỹ năng sống, giáo dục về giới tính ngay từ nhỏ cho trẻ em để các em nâng cao hiểu biết và có thể bảo vệ mình; đây chính là chiến lược phòng ngừa hiệu quả tội phạm thông qua sự phát triển của xã hội và các em sẽ có kỹ năng, cách thức phòng tránh được những tổn thương gây ra đối với các em.
Kết luận
Qua việc tìm hiểu và nghiên cứu về chủ thể của tội phạm tình dục, có thể thấy sự thay đổi trong nhận thức về chủ thể của loại tội phạm này so với các quan niệm truyền thống trước đây, hiểu được mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội của chúng.
Trên cơ sở đó, sẽ hoàn thiện và làm rõ các vấn đề lý luận, thực tiễn của loại tội phạm về tình dục. Chúng ta sẽ nhận biết được các dấu hiệu của hành vi, tính chất, cơ chế của hành vi phạm tội, dấu hiệu nhận biết giúp hiểu hơn về tình hình tội phạm, nguyên nhân của tội phạm, nâng cao công tác dự báo tội phạm tình dục và đề ra các kế hoạch, chiến lược và giải pháp phòng ngừa hiệu quả trên thực tế.
Qua đó, việc áp dụng pháp luật về chủ thể của tội phạm tình dục sẽ xác định được chính xác, khách quan và hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Hiểu biết sâu sắc về chủ thể của tội phạm tình dục sẽ có các biện pháp khuyến nghị bảo vệ nạn nhân, tăng cường công tác phát hiện, tố giác, xử lý, phòng ngừa tội phạm tình dục trong quần chúng nhân dân, hoàn thiện pháp luật về tội phạm tình dục.
Như vậy, bảo đảm, xử lý vụ án hình sự được khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Danh mục tài liệu tham khảo 1. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. 2. Bộ luật Hình sự năm 1999. 3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. 4. Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ngày 01/10/2019 về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141,142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. 5. Lê Cảm (Chủ biên), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2015. 6. Lê Cảm (Chủ biên), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2007. 7. Nguyễn Ngọc Chí – Lê Lan Chi (Đồng chủ biên), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2019. 8. Trịnh Tiến Việt – Nguyễn Khắc Hải (Đồng chủ biên), Giáo trình Tội phạm học, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2019. 9. Nguyễn Ngọc Chí (Chủ biên), Sách chuyên khảo Quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự, Nxb. Hồng Đức, 2015. 10. Trịnh Quốc Toản, Sách chuyên khảo Nghiên cứu hình phạt trong Luật Hình sự Việt Nam dưới góc độ bảo vệ quyền con người, Nxb. Chính trị quốc gia, 2015. 11. Trần Văn Luyện, Phùng Thế Vắc, Lê Văn Thư, Nguyễn Mai Bộ, Nguyễn Ngọc Hà, Phạm Thanh Bình, Phạm Thị Thu, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 phần các tội phạm, Nxb. Công an Nhân dân, 2018. 12. Lê Lan Chi, Bảo vệ nạn nhân tội phạm và một số nhóm yếu thế trong tư pháp hình sự từ quy định của pháp luật đến hoạt động của người hành nghề luật, Nxb Chính trị quốc gia, 2019. 13. Tuổi trẻ online, Bắt nghi phạm hiếp dâm bé gái 2 tuổi, đăng ngày 19/04/2021, truy cập lúc 9h26 ngày 16/6/2021. https://tuoitre.vn/bat-nghi-pham-hiep-dam-be-gai-2-tuoi-20210419152412258.htm 14. Vietnamnet.vn, Hợp đồng lạ và 48 giờ truy vết kẻ sát hại một Tổng Giám đốc ở cánh đồng Bông, truy cập 10h ngày 16/6/2021. 15. Truyền hình Đồng tháp, Án chung thân cho người cha hiếp dâm 02 con gái ruột, truy cập 21h ngày 16/6/2021. |
NGUYỄN ANH DŨNG
Công ty Luật TNHH Thinksmart
Dự thảo thay thế Nghị định 82 về khu công nghiệp có thực sự đã bước sang trang mới?