/ Luật sư - Bạn đọc
/ Ai chịu trách nhiệm vụ tàu hỏa tông ôtô khiến bé trai tử vong?

Ai chịu trách nhiệm vụ tàu hỏa tông ôtô khiến bé trai tử vong?

10/03/2021 15:23 |

(LSVN) - Nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn, cũng như trách nhiệm pháp lý của những người có liên quan như thế nào sẽ căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên cơ sở diễn biến vụ tai nạn đã được camera ghi lại thì có thể thấy nhân viên gác đường ngang đã không hạ gác chắn khi đoàn tàu đi qua, là một phần nguyên nhân dẫn đến việc chiếc xe ô tô băng qua đường sắt, va chạm với đoàn tàu, gây ra vụ tai nạn.

Vị trí xảy ra vụ tai nạn. Ảnh: nld. 

Như thông tin báo chí đã đưa, ngày 07/3, một vụ tai nạn thương tâm giữa tàu hỏa và ô tô 7 chỗ xảy ra ở đường ngang dân sinh đoạn qua xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Khi xe ô tô đi đến đoạn đường sắt giao với đường dân sinh tại lý trình 901+580 thuộc thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên thì bị tàu SH3 chạy theo hướng Bắc - Nam tông trúng bên phải.

Theo thông tin ban đầu, lúc xảy ra tai nạn, nhân viên gác chắn đã mở đèn tín hiệu đường bộ màu đỏ cảnh báo nguy hiểm nhưng chậm kéo gác chắn. Vụ tai nạn xảy ra một phần vì nhân viên gác chắn kéo xuống hơi chậm so với quy định.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, nạn nhân được xác định là anh Nguyễn Trí M. (29 tuổi, ngụ thôn Nam Bình 1, xã Bình Nguyên), lái ô tô 7 chỗ mang BKS 76A-129... Trên xe có vợ anh là Trần Thị Mỹ T. (22 tuổi) và con trai 1 tuổi.

Vụ tai nạn khiến bé trai tử vong. Chiếc ô tô 7 chỗ lật ngửa bên đường sắt và hư hỏng nặng. Vợ chồng anh M. bị thương nặng, đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vụ việc trên, Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS nhận định, hành vi nêu trên của nhân viên gác đường ngang là vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT ngày 15/05/2018, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 07/2020/TT-BGTVT ngày 12/3/2020 của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, nhân viên gác đường ngang có nhiệm vụ và quyền hạn: Đóng, mở kịp thời chắn đường ngang, chắn đường bộ tại khu vực cầu chung đường sắt, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi phương tiện giao thông đường sắt chạy qua; và dừng phương tiện giao thông đường bộ khi khu vực đường ngang, cầu chung không đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại.

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS.

Hậu quả của vụ tai nạn đã làm 01 người chết và 02 người bị thương nên hành vi vi phạm nêu trên của nhân viên gác đường ngang đã có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tùy thuộc vào mức độ thiệt hại đã xảy ra (tỷ lệ thương tật của người bị hại, hoặc thiệt hại thực tế về tài sản) thì người phạm tội này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 06 tháng và cao nhất đến 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cũng theo nội dung ghi hình diễn biến vụ tai nạn thì có thể thấy, trước khi chiếc xe ô tô vượt qua đường ngang thì đèn tín hiệu đã chuyển sang mầu đỏ và nhấp nháy liên tục, và thông thường sẽ kèm theo tiếng chuông cảnh báo, lái tàu cũng sẽ phải kéo còi trước khi đi vào đường ngang. Nếu đã đầy đủ các tín hiệu cảnh báo này thì có thể thấy người điều khiển xe ô tô đã không có sự tập trung, chú ý quan sát và cẩn trọng cần thiết, để đảm bảo an toàn khi băng qua đường ngang theo đúng các quy định của pháp luật. Do đó, người điều khiển xe ô tô cũng có một phần lỗi, khi không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định tại khoản 6 Điều 9, khoản 1 và Khoản 3 Điều 39 Luật Đường sắt năm 2017 và  Điều 25, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, theo đó quy định: Tại đường ngang, cầu chung, phương tiện giao thông vận tải đường sắt được quyền ưu tiên; Nghiêm cấm vượt rào, vượt chắn đường ngang, vượt qua đường ngang khi có tín hiệu cấm; Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại koản 8 Điều 47 có quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng (Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên…)  thì các hành vi vi phạm nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Về vấn đề trách nhiệm dân sự thì có thể thấy, nhân viên gác đường ngang đã có phần lỗi rất lớn gây ra vụ tai nạn, dẫn đến những thiệt hại về người, sức khỏe, cũng như tài sản cho các nạn nhân. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì nhân viên gác đường ngang sẽ không có trách nhiệm phải trực tiếp bồi thường cho các nạn nhân mà Công ty đường sắt nơi mà nhân viên này đang làm việc sẽ có trách nhiệm trực tiếp bồi thường cho các nạn nhân. Sau khi đã thực hiện việc bồi thường thì công ty này có quyền yêu cầu nhân viên gác đường ngang có lỗi gây ra thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Cụ thể tại Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Còn mức và phương thức bồi thường thiệt hại cụ thể sẽ do các bên tự thương lượng, thỏa thuận. Nếu các bên không thể tự thỏa thuận, thống nhất được việc bồi thường thệt hại thì họ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi đó, Tòa án sẽ quyết định việc bồi thường thiệt hại trên cơ sở các thiệt hại thực tế đã phát sinh, cũng như yếu tố lỗi của mỗi bên theo các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự năm 2015.

LINH CHI 

Không được giao dịch quá 10 triệu đồng/tháng trên Mobile Money

Lê Minh Hoàng