/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Một số vấn đề về tội ‘Xâm phạm quyền bình đẳng giới’

Một số vấn đề về tội ‘Xâm phạm quyền bình đẳng giới’

22/07/2021 04:09 |

(LSVN) - Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Do đó, bất kỳ ai có hành vi xâm phạm đến quyền bình đẳng giới đều bị xử lý theo quy định pháp luật.

1. Quy định của pháp luật

Quyền bình đẳng là một quyền cơ bản của con người và được coi như một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về quyền con người. Đó là quyền được xác lập tư cách con người trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau. Quyền bình đẳng giới là vấn đề quan trọng trong thực hiện quyền bình đẳng.

Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung. Do đó, bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của một đất nước nhằm hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Hiện nay, nước ta đã tham gia nhiều Điều ước quốc tế về bình đẳng giới, trong đó đáng chú ý là Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1979; Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm 1993. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, phụ nữ bình đẳng với nam giới về mọi phương diện. Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

Tại khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Do đó, bất kỳ ai có hành vi xâm phạm đến quyền bình đẳng giới đều bị xử lý theo quy định pháp luật. Điều 165 Chương XV Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 quy định tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” như sau:

“Điều 165. Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới

1. Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới”

Khách thể của tội phạm

 Khách thể của tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” là quyền bình đẳng về giới của con người nhất là quyền bình đẳng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế. Hành vi dưới bất kỳ hình thức nào có thể dưới dạng hành động hoặc không hành động nhưng chủ yếu dưới dạng hành động. Có thể là hành vi dùng vũ lực hoặc những hành vi nghiêm trọng khác gây cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Dùng vũ lực đối với người khác để cản trở họ không được tham gia các hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế là dùng sức mạnh thể chất tác động vào thân thể của nạn nhân như: đánh, trói, nhốt trong buồng, trong hầm để nạn nhân không tham gia được các hoạt động kể trên.

Hành vi nghiêm trọng khác cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế là hành vi không phải là vũ lực nhưng cũng làm cản trở được phụ tham gia các hoạt động trên như: đe doạ dùng vũ lực, đe doạ sẽ gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần nạn nhân như: dọa sẽ ly hôn nếu cứ tham gia, dọa công bố bí mật đời tư, dọa đuổi việc, cắt tiền thưởng, tiền lương...

Đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm:

+ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần xâm phạm quyền bình đẳng giới, đã bị xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xóa kỷ luật, nay lại có hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của con người. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới thì cũng không cấu thành tội phạm này.

+ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần xâm phạm quyền bình đẳng giới của người khác, đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới của con người. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới của con người thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Hậu quả của tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” là những thiệt hại do hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Những thiệt hại này có thể là thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần, nhưng chủ yếu là thiệt hại về tinh thần mà trực tiếp là các quyền của con người bị xâm phạm. Nếu có thiệt hại về vật chất thì những thiệt hại đó chỉ là gián tiếp do hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của con người gây ra. Một số trường hợp những thiệt hại về vật chất lại do hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội gây ra thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng. Ví dụ: Vì không muốn cho vợ tham gia đội văn nghệ của cơ quan, nên A đã túm tóc đánh chị B làm cho chị B không tham gia đội văn nghệ được. Hành vi dùng vũ lực của người phạm tội đối với nạn nhân là hành vi chưa gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân tới mức cấu thành tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” thì cấu thành tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới”. Nếu tỷ lệ thương tật tới mức trên 11%, cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại Điều 134 BLHS.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ, có thể là cá nhân phạm tội nhưng cũng có thể là vụ án đồng phạm. Trong trường hợp là vụ án đồng phạm, các chủ thể có thể cùng là người thực hành, cùng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng cũng có thể có sự phân chia nhiệm vụ đối với từng đồng phạm như người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Thông thường người phạm tội thường là người khác giới đối với nạn nhân. Thực tế thường thấy đó là người phụ nữ bị đối xử bất bình đẳng do quan niệm trọng nam khinh nữ. Cá biệt ở một số dân tộc ở Việt Nam vẫn theo chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò người phụ nữ dẫn đến tình trạng trọng nữ khinh nam.

Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên là chủ thể của tội phạm này. Điều luật cũng quy định trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên cả 2 khoản của Điều 165 quy định tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” đều thuộc nhóm tội phạm ít nghiêm trọng. Do đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Chủ thể của tội phạm còn phải là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi. Nếu người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự thì có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm

Tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” được thực hiện do lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Người phạm tội này có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn người khác giới không tham gia được các hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Về hình phạt

Điều 165 Bộ luật Hình sự quy định khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

- Khung hình phạt phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm đối với người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Khung hình phạt phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xâm phạm quyền bình đẳng giới là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó, có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ; nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc xâm phạm quyền bình đẳng giới; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để phạm tội thì mới bị coi là có tình tiết tăng nặng. Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này.

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

Đây là trường hợp người phạm tội đã nhiều hơn 02 lần thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật hình sự đối với cùng một tội. Trường hợp người phạm tội phạm tội 2 lần với 2 tội khác nhau thì sẽ bị xử lý hình sự về 2 tội khác nhau không thuộc trường hợp "phạm tội 02 lần trở lên" này.

c) Đối với 02 người trở lên.

Đây là trường hợp người phạm tội xâm phạm quyền bình đẳng giới của 02 người trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Một số bất cập vướng mắc, bất cập

Thứ nhất, nội dung Điều 165 Bộ luật Hình sự mô tả phạm vi hẹp hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ. Hành vi duy nhất được mô tả thuộc mặt khách quan của tội này là hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế. Theo đó, những trường hợp vẫn cho phụ nữ tham gia các hoạt động trên nhưng có hành vi phân biệt đối xử, gây thiệt thòi cho họ trong các hoạt động ấy thì lại không bị xử lý, trong khi nội hàm của cụm từ xâm phạm quyền bình đẳng giới rất rộng đã được quy định trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời đã được hiến định trong Hiến pháp. Điều này vô hình chung làm thu hẹp cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền bình đẳng giới nhất là quyền bình đẳng giới của phụ nữ.

Thứ hai, nội dung của Điều 165 Bộ luật Hình sự đã liệt kê các hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế là tương đối đầy đủ, tuy nhiên còn thiếu lĩnh vực rất quan trọng đó là quan hệ gia đình đã được Luật Bình đẳng giới quy định tại Điều 18. Như vậy, Điều 165 Bộ luật Hình sự đã liệt kê chưa đầy đủ, hơn nữa, ngay sự liệt kê này cũng không cần thiết bởi vì các lĩnh vực cụ thể này đã được luật chuyên ngành quy định, dẫn chiếu.

Thứ ba, điều luật không quy định động cơ phân biệt đối xử về giới của tội phạm. Tuy nhiên, nếu người phạm tội không xuất phát từ động cơ phân biệt đối xử về giới thì đối với hành vi cản trở phụ nữ tham gia các hoạt chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế…được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” lại phạm vào một tội khác.

Ví dụ: Hành vi cản trở một người phụ nữ tham gia bầu cử hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội không phải vì lý do người đó là phụ nữ mà vì tư thù cá nhân khác thì phải bị xem xét trách nhiệm hình sự liên quan đến tội “Xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân” được quy định ở Điều 160 Bộ luật Hình sự.

Thứ tư, về hình phạt của tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” tại Điều 165 Bộ luật Hình sự hiện nay còn nhẹ và chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tính chất, vai trò tầm quan trọng của các hành vi xâm phạm đến quyền bình đẳng giới nói riêng; chưa tạo được cơ sở pháp lý đủ sức răn đe phòng ngừa đối với các hành vi xâm phạm tới quyền bình đẳng về giới, đặc biệt là các hành vi xâm phạm đến quyền bình đẳng của phụ nữ đang ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Do vậy, cần thiết phải tăng mức hình phạt được quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự để đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền bình đẳng về giới được Hiến pháp quy định.

Từ các phân tích trên, đề xuất sửa đổi Điều 165 Bộ luật Hình sự như sau:

Quyền bình đẳng về giới là một trong những quyền cơ bản, quan trọng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và được pháp luật của các quốc gia quy định cụ thể, bảo đảm quyền bình đẳng ngang nhau trong việc tham gia tất cả các hoạt động của đời sống xã hội của công dân đặc biệt là của người nữ so với nam giới. Ở nước ta, phụ nữ chiếm hơn 50% dân số, tỷ lệ lao động nữ tham gia vào lực lượng lao động xã hội thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phụ nữ luôn là đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi, ít có điều kiện tiếp cận với pháp luật, bị phân biệt đối xử, là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, tội phạm tình dục, tội phạm buôn bán phụ nữ, sự nghèo đói, lạc hậu và phụ thuộc đặc biệt là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo,…

Việc thực hiện quyền về bình đẳng giới đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước, nhằm hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, đồng thời là bước tiến trong sự nghiệp giải phóng con người nói chung và giải phóng phụ nữ nói riêng. Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện và bảo vệ quyền bình đẳng về giới và thực thi các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước ta về chính sách đối với phụ nữ./.

HỒ QUÂN

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4

Thu thuế thu nhập cá nhân kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử: Bất cập và giải pháp

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tạm dừng tổ chức gặp mặt nhân dịp Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7/2021 

(LSVN) - 

Lễ kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh, liệt sỹ 27/7/1947 do Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã tổ chức năm 2019.

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản số 433/CV-ĐLSHN về việc tạm dừng tổ chức gặp mặt nhân dịp Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7/2021.

Theo thông lệ Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tổ chức gặp mặt tri ân đối với các Luật sư là thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. 

Xét Tờ trình số 01/Ttr/HCCBĐLSHN ngày 01/7/2021 của BCH Hội Cựu chiến binh Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về việc tổ chức Lễ kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Ban Chủ nhiệm đã nhất trí kế hoạch giao Hội Cựu chiến binh và Văn phòng Đoàn phối hợp thực hiện tổ chức Lễ kỷ niệm vào ngày 27/7/2021 tại trụ sở Đoàn Luật sư.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả theo Công điện số 15/CĐ CTUBND ngày 18/7/2021 của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, Ban Chủ nhiệm xin tạm dừng việc tổ chức gặp mặt tri ân đối với các Luật sư là thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7/2021. 

Vì vây, các Luật sư là thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ vui lòng liên hệ với Văn phòng Đoàn để nhận quà tri ân theo địa chỉ Văn phòng Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, (tầng 19 số 713 Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội); điện thoại: 0243.7624706/07. 

Các Luật sư là thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ chưa nộp bổ sung hồ sơ đề nghị tiếp tục bổ sung để Văn phòng Đoàn cập nhật. 

VĂN QUANG

Thanh Hóa đón 1.000 người từ vùng dịch phía Nam về quê: Nghĩa tình sắt son với đồng bào xa xứ

Việc thu hồi nhà, đất thuộc tài sản công được áp dụng trong các trường hợp nào theo quy định mới

(LSVN) - Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có nhà, đất thu hồi có trách nhiệm bàn giao theo quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi; thực hiện hạch toán giảm tài sản, giá trị tài sản thu hồi. Việc bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp thu hồi được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Trong đó, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 9 Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định về thu hồi nhà, đất thuộc tài sản công. 

Cụ thể, việc thu hồi nhà, đất được áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Đất, tài sản gắn liền với đất thuộc đất thu hồi để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai và đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai;

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu hồi, việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp nêu trên thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

b) Nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp không sử dụng liên tục quá 12 tháng (trừ trường hợp đang triển khai thủ tục để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật);

c) Sử dụng nhà, đất không đúng quy định thuộc trường hợp thu hồi theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này;

d) Nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi đã được Nhà nước giao trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp khác hoặc được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại địa điểm mới mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo một trong các hình thức quy định tại các khoản 1, 3, 4, 6, 7, 8 và 9 Điều 7 Nghị định này.

Việc thu hồi được thực hiện sau khi trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp mới được bàn giao, đưa vào sử dụng;

đ) Chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng nhà, đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định, trừ nhà, đất thuộc vụ việc đã được tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý;

e) Nhà, đất đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng, khai thác không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ;

g) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng tự nguyện trả lại nhà, đất cho Nhà nước;

h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền thu hồi nhà, đất thuộc trường hợp quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h khoản 1 Điều này:

Trên cơ sở phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này phê duyệt:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định thu hồi nhà, đất trừ việc thu hồi nhà, đất thuộc tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và nhà, đất tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Thẩm quyền thu hồi nhà, đất thuộc tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP);

- Thẩm quyền thu hồi nhà, đất tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định số 165/2017/NĐ-CP).

Nội dung quyết định thu hồi; việc bàn giao, tiếp nhận và xử lý nhà, đất sau khi có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Riêng việc tổ chức thực hiện quyết định thu hồi và việc xử lý nhà, đất thuộc tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; đối với nhà, đất tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 165/2017/NĐ-CP.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có nhà, đất thu hồi có trách nhiệm bàn giao theo quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi; thực hiện hạch toán giảm tài sản, giá trị tài sản thu hồi.

Việc bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp thu hồi được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Việc xử lý vốn hình thành tài sản thu hồi được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan.

Quá thời hạn quy định tại khoản 4 Điều này mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có nhà, đất thu hồi không thực hiện bàn giao thì cơ quan được giao chủ trì tổ chức thực hiện quyết định thu hồi có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, thực hiện việc cưỡng chế thu hồi nhà, đất theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2021.

PHƯƠNG HOA

Tiêu chí mới xác định doanh nghiệp công nghệ cao để được hưởng ưu đãi đầu tư

Tách hộ khẩu sau ly hôn có cần chồng đồng ý không?

(LSVN) - Tôi lấy chồng nhập hộ khẩu về Hưng Yên. Tuy nhiên, do mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, tôi với chồng đã ly hôn. Hiện nay, tôi muốn tách hộ khẩu, vậy tôi cần thực hiện các thủ tục tách hộ khẩu như thế nào và có cần chồng đồng ý không? Bạn đọc K.L. (Hà Nội) hỏi.

Từ ngày 01/7/2021, Luật Cư trú 2020 bắt đầu có hiệu lực, trong đó đưa ra quy định mới về việc tách hộ khẩu sau ly hôn thì không cần vợ/chồng cũ đồng ý.

Cụ thể, theo Điều 25 Luật Cư trú 2020 thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;

- Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này.

Trước đó, theo quy định của Luật Cư trú 2007, sửa đổi bổ sung năm 2013 thì người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại Khoản 3 Điều 25 và Khoản 2 Điều 26 Luật Cư trú 2007 mà muốn tách hộ khẩu phải được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản. Điều này đã dẫn đến trong thực tế sau khi ly hôn, không ít gia đình nhà chồng hoặc người chồng đã lợi dụng quy định này, không ký đồng ý cho tách hộ để cố tình gây khó dễ cho người vợ. Việc không tách được hộ khẩu đã gây hệ lụy cho không ít người vợ khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cần sử dụng đến sổ hộ khẩu.

Khắc phục bất cập này, Luật Cư trú 2020 đã quy định điều kiện để được tách hộ khẩu trong trường hợp sau ly hôn thuận lợi hơn, không cần người vợ hoặc chồng là chủ hộkhẩu đồng ý, người vợ hoặc chồng vẫn có thể tách hộ khẩu riêng.

Theo khoản 2 Điều 25 Luật Cư trú 2020, hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

Trường hợp tách hộ sau ly hôn được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý (trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó) thì hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.

Thủ tục tách hộ được thực hiện như sau:

- Người đăng ký tách hộ nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan đăng ký cư trú;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

THANH THANH

Tiêu chí mới xác định doanh nghiệp công nghệ cao để được hưởng ưu đãi đầu tư

Admin