/ Nghề Luật sư
/ Mức phạt đối với Luật sư tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra

Mức phạt đối với Luật sư tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đây là một trong những quy định đáng chú ý tại Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Ảnh minh họa.

Trong đó, tại Điều 10 Pháp lệnh quy định rõ về mức phạt đối với hành vi tiết lộ bí mật điều tra. Cụ thể, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

- Luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, pháp lệnh quy định người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Nhưng cùng với hành vi này, thì Luật sư sẽ bị phạt từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với Luật sư tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

- Buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí mật điều tra đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về lý giải Luật sư có cùng hành vi vi phạm với chủ thể khác lại bị quy định mức phạt tiền cao hơn các chủ thể khác, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Quy định như vậy vì Luật sư là người am hiểu pháp luật, tham gia tố tụng để đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Do vậy, phải yêu cầu khắt khe hơn về việc tuân thủ và tôn trọng pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp đặc thù của mình tại phiên tòa, phiên họp. 

Còn khi Luật sư tham dự phiên tòa không với một trong các tư cách nêu trên thì sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính như các chủ thể khác. 

Theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, một số trường hợp Luật sư có hành vi vi phạm cản trở hoạt động tố tụng sẽ bị tước chứng chỉ, giấy phép hành nghề. Việc này áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

HỒNG HẠNH

Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa

Loan B T Thanh