Ảnh minh họa.
Đọc tới đây, chắc không ít người sẽ thắc mắc, bởi đã họp, ắt phải có cái “bàn”. Thực tế không hẳn như vậy. Có những cuộc họp, hội nghị thậm chí hội thảo, tọa đàm… lại không có cái để cùng bàn. Nói đúng ra thì, có hội mà không có thảo, có tọa mà thiếu đàm.
Sao lại vậy? Bởi, người tới dự thì đông vui như trảy hội, cười nói rôm rả, tay bắt mặt mừng biết bao chuyện bên lề, chuyện hành lang; ấy thế nhưng, đến phần chính khi cuộc họp diễn ra, các đại biểu lại đứng lên “trần thuật”, đọc báo cáo “một mình”. Hết anh A lại tới chị B, hết chị B lại anh C và cuối cùng là kết luận của chủ tọa. Ai dự họp cũng được báo cáo về ngành mình, địa phương mình, lĩnh vực mình, được nghe vỗ tay rầm rầm, nhưng rồi, điều đọng lại suy cho cùng, vẫn chỉ là “hội”, là “tọa”. Cuộc nào chủ tọa nghiêm túc “giới hạn” thời gian báo cáo thì đại biểu được dung lượng tầm 5 phút; kỳ nào chủ tọa “quên” thì có những báo cáo “tràng giang đại hải” khiến người dự “ngáp ngắn ngáp dài”.
Vậy mới nói, muốn họp phải có cái “bàn”. Bàn ở đây là tập thể “mổ xẻ”, tranh luận, tương tác, trao đổi, thay vì độc thoại; các đại biểu cùng nhau đánh giá, nhìn nhận vấn đề; cùng chiêm nghiệm những mô hình hay, cách làm tốt để đem về cho ngành mình, địa phương mình, lĩnh vực mình học tập. Bàn ở đây không phải là cùng nghe hàng loạt báo cáo thành tích đơn lẻ giống hệt nhau với những con số khô khan, hay những cụm từ hoa mỹ mà là cùng bàn bạc, cùng thảo luận, cùng “đàm” theo đúng nghĩa của nó.
Chọn nội dung cốt lõi, chọn góc độ tiếp cận, chọn vấn đề trọng tâm để gợi mở cho người dự họp được… bàn. Mà phải bàn thật, bàn sâu, bàn cho ra “chất”, để sau mỗi cuộc họp, mỗi hội nghị, tọa đàm, hội thảo, ai ra về cũng cảm thấy phấn khởi vì đã “thu lượm” được gì đó, chứ không chỉ là việc có tên trong cuốn kỷ yếu dày cồm cộp được cất ngăn tủ.
Có được “bàn” như thế, các cuộc họp mới bớt đi việc nghẽn mạng wifi khi hàng loạt điện thoại thông minh hoạt động hết công suất; bớt đi việc từng tốp, từng tốp đứng hành lang nhỏ to, nói chuyện cho hết giờ; giảm đi cả những cái đầu “gật gù” “díp mắt” liên tục trong hội trường điều hòa mát lạnh.
Hẳn nhiên, việc giảm những cuộc họp không có cái bàn cũng sẽ là một cách tiết kiệm kinh phí không nhỏ cho ngân sách chung.
Nhắc vậy, để nhớ: Muốn họp, phải có và nên có... cái bàn!.
SONG MINH/TG
Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ