Ảnh minh hoạ.
Trường hợp 1: Giả sử do cá nhân có hành vi ném đồ vật... vào người khác
Trước đây, theo khoản 3 Điều 2 Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư tham khảo (ban hành kèm Phụ lục 01 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD) của Bộ Xây dựng quy định về ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thì một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng nhà chung cư là ném bất cứ vật gì từ cửa sổ, ban công của căn hộ. Tuy nhiên, khi Thông tư số 05/2024/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024 thì Thông tư số 02/2016/TT-BXD đã hết hiệu lực. Do đó, để xem xét việc ném đồ vật từ trên tầng nhà chung cư xuống có vi phạm, bị cấm hay không thì còn dựa trên quyết định của Hội nghị nhà chung cư khi ban hành nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Mặc dù vậy, theo khoản 8 Điều 5 Luật Nhà ở năm 2023 quy định về yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở, trong đó bao gồm: Việc quản lý, sử dụng nhà ở phải đúng mục đích, công năng sử dụng, đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh, môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tuân thủ quy định về quản lý hồ sơ nhà ở, bảo hành, bảo trì, cải tạo, phá dỡ nhà ở và các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà ở có liên quan.
Như vậy, giả sử trường hợp ném đồ vật từ trên tầng nhà chung cư xuống mà không đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây thiệt hại cho người khác thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Về xử lý vi phạm hành chính
Theo điểm e khoản 4, điểm a, d khoản 13, điểm a khoản 14 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, về vi phạm quy định về trật tự công cộng, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu.
Đồng thời người vi phạm còn bị tích thu tang vật, phương tiện vi phạm; trục xuất nếu là người nước ngoài và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Về xử lý hình sự
Nếu hành vi trên gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác với lỗi cố ý thì có thể bị xử lý theo Điều 123 hoặc Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sủa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể: Theo Điều 123 Bộ luật này quy định về tội giết người thì người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là 01 năm tù giam đến cao nhất là từ hình. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Theo Điều 134 Bộ luật này quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm và cao nhất là tù chung thân.
Còn nếu hành vi trên gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác với lỗi vô ý thì có thể bị xử lý theo Điều 128 hoặc Điều 138 Bộ luật Hình sự, cụ thể: Theo Điều 128 Bộ luật này quy định về tội vô ý làm chết người thì người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất là 10 năm tù giam. Theo Điều 138 Bộ luật này quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo đến cao nhất là 03 năm tù giam.
Trường hơp 2: Giả sử do cá nhân lỡ tay hoặc thiếu trách nhiệm, lơ là để rơi đồ vật
Ở trường hợp này, giả sử cà nhân do lỡ tay hoặc thiếu tránh nhiệm, lơ là để rơi vật, gây thiệt hại cho người khác thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật với lỗi vô ý. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Về xử lý vi phạm hành chính
Theo điểm d khoản 1, điểm a khoản 13, điểm đ khoản 14 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng với đó, người vi phạm còn có thể bị tích thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Về xử lý hình sự
Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 128 hoặc Điều 138 Bộ luật Hình sự như đã nêu ở trường hợp 1.
Trường hợp 3: Giả sử đồ vật rơi xuống là do sự cố trong bảo trì, bảo hành, khai thác, sử dụng nhà chung cư như tường, kính bị vỡ, bong tróc, hỏng hóc...
Theo Điều 19, Điều 21 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Điều 129 Luật Nhà ở năm 2023 thì bên bán, cho thuê, cho thuê mua (chủ đầu tư) có nghĩa vụ bảo hành nhà ở cho bên mua, bên thuê mua, bên thuê theo nội dung hợp đồng và quy định của pháp luật (với nhà chung cư thì thời hạn bảo hành là tối thiểu 60 tháng). Nội dung bảo hành bao gồm: sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng... các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở.
Khi hết thời hạn bảo hành thì việc bảo hành nhà chung cư được thực hiện theo nội dung hợp đồng; trường hợp hợp đồng không có quy định thì sẽ do các bên thỏa thuận. Do đó, giả sử chủ đầu tư và/hoặc chủ sở hữu nhà ở (căn hộ) thiếu trách nhiệm để xảy ra sự cố công trình, gây thiệt hại cho người khác thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Về xử lý vi phạm hành chính
Theo Điều 20 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng thì tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền thấp nhất là từ 10.000.000 đồng đến cao nhất là 60.000.000 đồng đối với các vi phạm trong bảo hành, bảo trì, khai thác, sử dụng công trình xây dựng,
Đồng thời, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phê duyệt quy trình bảo trì theo quy định; buộc lập quy trình bảo trì hoặc thực hiện quy trình bảo trì theo quy định; buộc thực hiện việc kiểm tra, sửa chữa, áp dụng biện pháp khẩn cấp hoặc buộc báo cáo theo quy định khi phát hiện công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng...
Đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 lần tổ chức vi phạm.
Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý theo Điều 298 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (không áp dụng với pháp nhân thương mại). Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH
Đoàn Luật sư TP. HCM