Ảnh minh hoạ.
Đặt vấn đề
C. Mác đã từng nói: “Dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người… Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”(1).Đánh giá cho đúng những mặt tích cực và mặt chưa làm được trong hoạt động xây dựng pháp luật là nhiệm vụ không đơn giản, là trách nhiệm của các nhà làm luật, nhà quản lý và điều hành nền kinh tế. Bản thân tôi nhận thức nền kinh tế thị trường vận hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi không chỉ năng lực quản lý của Nhà nước mà còn nằm ở trong quan điểm chỉ đạo, định hướng quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Kế thừa tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa của cha ông và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật
Quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam hiện nay, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu và thực tiễn, ở một mức độ nhất định, vẫn chưa thật sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các chủ thể xã hội, trong đó có giới doanh nhân và sự an bình của người dân. Trong nhiều vụ việc nổi cộm, nhất là các vụ đại án kinh tế, tham nhũng đã và đang xét xử, tác giả bài viết nhận thấy có một nguyên nhân xuất phát từ sự nhận thức và áp dụng pháp luật còn cách hiểu rất khác nhau. Tuổi thọ của các bộ luật, luật và các văn bản pháp quy dưới luật không cao, thiếu tính ổn định trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội và sự phát triển của nền kinh tế.
Theo cảm nhận của tôi, lịch sử nhà nước và pháp luật của Việt Nam, mặc dù điểm xuất phát từ “văn minh lúa nước”, nhưng không hề lép vế so với nhiều nước phát triển trên thế giới. Trong thời kỳ Bắc thuộc, mặc dù bị ảnh hưởng của pháp luật Trung Quốc, nhưng sự ảnh hưởng đó không thâm nhập sâu được vào nếp sống hàng ngày của dân Lạc Việt. Lịch sử đã ghi nhận sự khác biệt này qua tài liệu Hậu Hán thư (quyển 54) của Phạm Việp đời nhà Tống ghi chép vào thế kỷ thứ V: “Mã Viện tâu lên triều đình nhà Hán rằng: luật Việt khác với luật Hán hơn 10 điều”(2). Tuy không còn lưu giữ được, nhưng lịch sử ghi nhận dòng chảy pháp luật thành văn của Việt Nam được đánh dấu kể từ công cuộc điển chế của các vua đời nhà Lý, mà biểu hiện tập trung nhất là sự ra đời của Bộ Hình thư: “Trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ pháp luật câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng, cho nên mới đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo”(3). Dưới thời Trần, công cuộc điển chế pháp luật rất được quan tâm với việc xây dựng được những bộ luật quan trọng và chiếu chỉ, trong đó có nhiều chiếu chỉ liên quan việc kiện tụng và lệ phí kiện tụng. Đời nhà Lê, tháng 5 năm Mậu Thân 1428, vua Lê Lợi quy định luật lệ về kiện tụng; tháng 3 năm Quý Mùi 1463 ra lệnh các vụ kiện tụng tranh chấp đã xét hỏi xong, không được cưỡng tranh nữa(4). Một trong những nét đặc sắc trong công cuộc điển chế luật pháp của cha ông ta là tinh thần nhân văn của một số bậc minh quân tuy cai trị dân nhưng vẫn thể hiện quan niệm “thương dân”, nhất là những người bị tù tội. Trong lịch sử, nhà nước với bộ máy cưỡng chế của mình có xu hướng lạm dụng quyền lực, sử dụng luật pháp và các công cụ khác để thực hiện việc cai trị. Người dân thấp cổ bé họng không có công cụ nào khác bảo vệ mình ngoài việc sử dụng luật pháp và dựa vào pháp luật, nhưng do mức độ nhận thức hạn chế nên đòi hỏi sự công bằng trong thể chế tư pháp gần như là điều không thể. Người dân chỉ còn trông cậy vào “ơn mưa móc” của triều đình ban cho. Vì thế, một trong những nguyên tắc nền tảng cai trị đất nước của cha ông ta trong lịch sử là lấy nhân nghĩa thay cho cường bạo.
Đời vua Lý Thái Tổ, sau khi lên ngôi năm Kỷ Dậu (1009), vua đã ban Chiếu về việc vua trực tiếp giải quyết khiếu kiện của người dân, ra lệnh tha những người bị tù tội, xóa bỏ ngục tù, đồng thời xuống chiếu rằng từ nay, hễ ai có việc kiện tụng được đến triều tâu bày, vua sẽ đích thân xét quyết cho. Vua Lý Thánh Tông (1054-1072) từng bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”. Nhà vua khi ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện, có công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hìnhpháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”(5).
Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ Bộ luật Hồng Đức (còn gọi là Lê triều hình luật) thời nhà Lê (1428-1788) với một ảnh hưởng sâu sắc trong sự phát triển của xã hội Việt Nam; cùng với nó là bộ Quốc triều khám tụng điều lệ như một cột mốc đầu tiên đánh dấu trong lịch sử lập pháp của Việt Nam có một bộ luật tố tụng riêng biệt.
Vào năm 1435, khi được cử vào điện Kinh diên để dạy vua Lê Thái Tông, soạn Dư địa chí để trang bị cho nhà vua trẻ những hiểu biết cơ bảnvề giang sơn đất nước, Nguyễn Trãiđã tận dụng cơ hội khuyên bảo nhà vua vận dụng tư tưởng nhân nghĩa trong phát triển xã hội và xây dựng đời sống: “Nguyện xin bệ hạ yêu thương muôn dân, để chốn cùng thôn vắng không còn tiếng oán hận sầu than”(6). Ngày nay, trong sách giáo khoa Văn học 10 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, với tuyên ngôn bất hủ: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”(7).
Việc Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị thảm sát trong vụ án Lệ Chi Viên mà nhiều nhà sử học đã kết luận là án oan, được chính vua Nhân Tông khi gặp cảnh đất nước hạn hán kéo dài, lòng dân không yên, khi làm lễ cầu mưa ở núi Tản Viên và Tam Đảo, đã viết lời chiếu đầy ai oán mà tự trách mình: “Trẫm gặp phải gia biến, bên trong thì có mẫu hậu coi chầu, bên ngoài thì đại thần giúp việc mà liền năm đại hạn, lúa má mất mùa, dân chúng buồn than. Nghĩ kỹ chuyện ấy hẳn có duyên cớ. Có phải do trẫm thất đức không biết dốc lòng thành kính để mà hưởng phúc trời, không lotrọn đạo hiếu để tôn thờ tông miếu, không ban ân huệ thực cho khắp muôn dân mà đến nỗi ấy chăng? Có phải trẫm không biết tận dụng nhân tài chỉ dùng bọn hèn kém ngu dốt mà đến nỗi thế chăng? Có phải do nạn hối lộ công khai, tội phi tần lộng hành mà dẫn tới nông nỗi ấy chăng? Hay là quan cai ngục không giữ công bằng chỉ lo xử nặng, kẻ nào đút lót thì tha tội để oán khí bốc lên mà đến nỗi thế chăng? Tất cả tội lỗi trên chồng chất lại đã làm tổn thương hòa khí…”(8).
Trải nghiệm qua thực tiễn của đất nước trong thời kỳ Pháp thuộc, tiếp cận với các thành tựu văn minh pháp lý trên thế giới, trong đó có Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) và Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789), lại được Luật sư Loseby trợ giúp pháp lý qua 9 phiên tòa tại Hồng Kông năm 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thấu hiểu hơn ai hết nỗi đau của người dân sống trong kiếp nô lệ và giá trị của pháp quyền. Chính Người đã chuyển hóa một cách tài tình quan điểm về quyền và tự do cá nhân trong tư tưởng pháplý tư sản thành quyền của “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(9). Trên một khía cạnh khác, Người quan niệm: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”(10). Tư tưởng nhân nghĩa kế thừa từ lịch sử của dân tộc thể hiện qua câu nói của Người: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này, là vấn đề ở đời, và làm người”(11).
Lời Bác Hồ dặn nêu trên như một minh chứng cho tư tưởng của Người về nhân quyền, về sự bảo đảm bằng pháp luật các quyền tự do cơ bản của công dân. Cũng trong một cách tiếp cận như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng việc kiến thiết đất nước sau khi giành chính quyền còn khó hơn vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của các tầng lớp nhân dân, nên ngay trong hoạt động xét xử “nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý, làm cho dân kinhkhủng”(12). Bác còn nhắc nhở cán bộ ngành tòa án vào năm 1950: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử càng tốt hơn”(13).
Khi mạo muội nhắc lại tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa của cha ông ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trên, bản thân tác giả cũng như nhiều luật sư thật sự kỳ vọng làm sao quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật hiện nay, nhất là các nhà làm luật cần thật sự quan tâm đến môi trường thuận lợi, an toàn trong hoạt động của doanh nghiệp và sự an bình của người dân, coi pháp luật là đại lượng phản ánh các giá trị khuôn mẫu, công bằng, với đích đến là xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, bảo đảm trật tự xã hội, tôn trọng và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của công dân.
Nghiên cứu so sánh vềmô hình và hệ thống pháp luật ở một số quốc gia, cách tiếp cận và vận dụng phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội, văn hóa và truyền thống pháp lýcủa Việt Nam
Trong quá trình được tiếp cận giới hạn từ các nền văn hóa và pháp lý của nhiều nước trên thế giới, cá nhân tôi nhận thấy trong điều kiện hiện nay, Việt Nam không thể biệt lập với thế giới bên ngoài về mô hình, cũng như định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Những kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển sẽ đóng góp nhất định trong hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam, nhất là khi Điều 69 Hiến pháp 2013 đã quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủnghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
Hoa Kỳ là quốc gia tổ chức bộ máy quyền lực theo chế độ liên bang, học thuyết phân quyền và nguyên tắc độc lập xét xử, khác biệt hoàn toàn với nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam được quy định tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Theo các điều khoản của Hiến pháp Hoa Kỳ, chính quyền liên bang chỉ có những quyền hạn được quy định trong Hiến pháp là các quyền hạn mà Hiến pháp đã trao cho chính quyền liên bang. Các thẩm quyền tối cao còn lại thuộc về các tiểu bang. Trong số 50 tiểu bang, chính phủ mỗi tiểu bang đều có hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp của mình. Đáng chú ý, trong 50 tiểu bang, cơ quan lập pháp của mỗi tiểu bang sẽ ban hành pháp luật để áp dụng trong phạm vi bang đó. Luật pháp tiểu bang phải tuân thủ tới mức độ nào với luật pháp do Quốc hội Hoa Kỳ và hệ thống lập pháp của chính quyền liên bang ban hành.
Hiến pháp Hoa Kỳ thiết lập và xác định quyền hạn của ba phân nhánh riêng biệt và bình đẳng của chính quyền liên bang, đó là phân nhánh lập pháp - ban hành pháp luật, phân nhánh hành pháp - thực thi pháp luật và phân nhánh tư pháp - diễn giải pháp luật. Hệ thống chính quyền dựa trên học thuyết phân quyền, mỗi phân nhánh của chính quyền liên bang đều độc lập với hai phân nhánh kia, để mỗi phân nhánh hoạt động như một cơchế “kiểm soát và cân bằng". Một hệ luận đáng kể của định đề phân chia quyền lực chính là tầm quan trọng cơ bản của “độc lập tư pháp” đối với hệ thống chính quyền ở Hoa Kỳ(14).
Trong khi đó, hệ thống pháp luật của Liên bang Nga là một hệ thống luật tư dựa trên những bộ luật thành văn. Trong số đó có Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Hải quan, Luật Bảo vệ rừng và Luật Thuế... Có rất nhiều đạo luật không được gọi là bộ luật giống như ở các nước theo hệ thống luật tư khác. Giáo sư Luật học William Burnham (Hoa Kỳ), khi nghiên cứu về tố tụng hình sự của Liên bang Nga, cho rằng không có hệ thống tố tụng hình sự hiện đại nào hoàn toàn là tranh tụng hay hoàn toàn là thẩm vấn mà đúng hơn là các hệ thống nằm đâu đó ở khoảng giữa hai mô hình thuần túy này(15). Có thể nói, Hiến pháp và Bộ luật mới về tố tụng đã đưa nước Nga đến gần hơn với mô hình tố tụngtranh tụng kiểu Anh - Mỹ. Điều 15(3) Bộ luật Tố tụng hình sự 2001 hiện hành quy định: Một tòa án không phải là một cơ quan công tố hình sự và sẽ không làm chức năng công tố hoặc gỡ tội trong một vụ án. Tòa án sẽ tạo ra các điều kiện cần thiết cho các bên thực hiện các nghĩa vụ tố tụng và các quyền được trao cho họ (dấu nhấn mạnh được thêm vào). Chế định bồi thẩm đoàn là một chỉ dấu thể hiện mức độ giao thoa đáng kể của mô hình tố tụng Liên bang Nga.
Bộ máy tư pháp Italia nhìn chung theo truyền thống dân luật so với nhiều nền tư pháp khác là truyền thống thông luật, mặc dù sự phân định nói trên cũng không loại trừ là có khá nhiều nền tư pháp đều mang những đặc điểm của cảhai mô hình truyền thống. Sự tiếp thu của hệ thống pháp luật tố tụng ở Italia vốn thuộc mô hình Civil Law đã có sự thay đổi lớn vào năm 1989 khi Bộ luật Tố tụng Hình sự mới theo hướng tranh tụng. Điều 25 của Hiến pháp Italia quy định rằng: “Không ai bị tước đi quyền được có ‘công lý tự nhiên’ như luật pháp đã quy định”, ở đây là nguyên tắc về tính công bằng của thẩm phán trực tiếp xét xử vụ án. Điều 25 của Hiến pháp còn quy định thêm về việc dành quyền hạn chế/dành quyền quyết định cho luật pháp (riserva di legge) đối với các vấn đề hình sự, nghĩa là những thay đổi trong luật hình sự và tố tụng phải là hoạt động của Quốc hội, còn các “quy định thứ cấp” chỉ có thể giải quyết được một số vấn đề nhất định mà không làm ảnh hưởng tới “luật nguyên gốc”. Tính chất “giao thoa” thể hiện rõ nét vào năm 1988, khi Quốc hội phê chuẩn Bộ luật Tố tụng hình sự mới, từ chỗ bị ảnh hưởng của Pháp, đã nỗ lực để chuyển hướng sang mô hình tố tụng hình sự tranh tụng cho thấy một Bộ luật pha trộn, ở đó thể hiện “linh hồn tranh tụng trong cơ thể châu Âu” (16).
Nhật Bản có hệ thống pháp luật có thể coi là điển hình của sự tiếp thu, chuyển hóa rất nhanh các giá trị tiến bộ của các mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, pháp luật và hệ thống tư pháp khác nhau trên thế giới, thể hiện sự độc đáo của quá trình tiếp nhận quy định của pháp luật nước ngoài tại quốc gia này. Nếu như hệ thống tư pháp hình sự của Nhật Bản bị ảnh hưởng rất lớn bởi luật dân sự, thông luật và các truyền thống Khổng giáo của Trung Quốc song đồng thời vẫn giữ lại đậm nét bản sắc của Nhật Bản. Trong suốt 250 năm bị cô lập với ảnh hưởng của thế giới bên ngoài, kết thúc năm1858, hệ thống tư pháp Nhật Bản bị chi phối bởi những mối quan hệ của chế độ phong kiến. Cùng với sự mở cửa Nhật Bản vào năm 1853 và trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự của Pháp là những đạo luật có ảnh hưởng lớn tới pháp luật hình sự của Nhật Bản, sau đó là các Bộ luật Dân sự của Đức đã được chỉnh sửa lại cho phù hợp với Nhật Bản. Có thể nói mô hình tố tụng hình sự ở Nhật Bản trong giai đoạn trước Chiến tranh thế giới lần thứ II hoàn toàn dựa trên hệ thống dân luật.
Tuy nhiên, những thay đổi căn bản trong hệ thống tố tụng hình sự Nhật Bản xảy ra sau khi kết thúc Thế chiến lần thứ II theo sáng kiến của Tư lệnh tối cao Các nước đồng minh. Một điều khoản đã được đưa vào Hiến pháp yêu cầu việc tuân thủ tuyệt đối quy trình pháp luật và bảo đảm quyền quốc phòng và các quyền liên quan khác nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền. Điều này đòi hỏi phải cải cách cơ bản hệ thống tố tụng hình sự. Các cố vấn Hoa Kỳ đã soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự cùng với các học giả, các thẩm phán, luật sư và các quan chức Nhật Bản. Bộ luật Tố tụng hình sự được ban hành năm 1948 chính là kết quả của hoạt động phối hợp nêu trên, vẫn giữ lại các đặc tính của hệ thống pháp luật lục địa, nhưng các yếu tố pháp luật chủ yếu của Anh - Mỹ đã được đưa vào đáng kể(17).
Khi nói về hệ thống luật pháp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) nhìn từ quan điểm về lãnh thổ, có thể nói rằng Trung Quốc có nhiều truyền thống và hệ thống luật pháp riêng(18), chủ yếu được du nhập từ đầu thế kỷ 20 từ hệ thống dân luật của Đức. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cùng với sự phát triển kinh tế và chính trị, một vài yếu tố khác cũng có tácđộng mạnh tới việc điều chỉnh Bộ luật Tố tụng hình sự. Một trong những yếu tố khích lệ Trung Quốc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 1979 là ảnh hưởng của quốc tế. Ví dụ như Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập cơ chế đối thoại về nhân quyền giữa EU và Trung Quốc từ năm 1995. Những đối thoại này mang lại nhiều tác động, mà tác động lớn nhất là đối với án tử hình và thủ tục xử lý các vụ án tử hình. Một ảnh hưởng mạnh mẽ khác là nhiều quốc gia Bắc Âu (Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy) đã kiên trì hỗ trợ Trung Quốc trong việc triển khai các dự án nghiên cứu, từ đó giúp nâng cao nhận thức của những người làm chính sách và người hành nghề luật về tiêu chuẩn tư pháp hình sự quốc tế. Quỹ Ford của Hoa Kỳ đã trực tiếp hỗ trợ dự án cải cách Luật Tố tụng hình sự. Trong những năm qua, Trung Quốc đã thông qua Công ước chống tra tấn (1988), Công ước về quyền trẻ em (1991).
Kể từ năm 1996, Trung Quốc tiếp tục thay đổi nhanh chóng, sẵn sàng tiếp nhận các tiêu chuẩn tư pháp hình sự của quốc tế, tiến tới xây dựng Trung Quốc thành Nhà nước pháp quyền. Vào tháng 10/1998, Trung Quốc ký Công ước về các quyền chính trị và dân sự của Liên hợp quốc (trong khi Việt Nam gia nhập từ năm 1982 - ghi chú của người viết). Bộ luật Tố tụng hình sự Trung Quốc năm 2012 đã có những bước tiến nhất định, có tiếp thu một số nguyên tắc tiến bộ của tố tụng hình sự trên thế giới như nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bào chữa và nâng cao vị thế của đội ngũ luật sư. Do đó, sẽ không hoàn toàn chính xác nếu mô tả hệ thống tố tụng hình sự hiện thời của Trung Quốc là mô hình thẩm vấn điển hình(19).
Xin đơn cử một ví dụ mới nhất về cách thức mô hình tố tụng hình sự vận hành của Việt Nam và của Campuchia khi xử lý sự đổ vỡ của doanh nghiệp bất động sản để có thể thấy có sự khác biệt rất lớn. Nếu như ở Việt Nam những năm vừa qua, các vụ đại án về kinh tế, tham nhũng bị phát hiện, điều tra, truy tố kéo dài từ 01 đến vài năm mới đưa ra xét xử, bị cáo phạm tội “lừa đảo” có thể bị xử phạt mức án tới tù chung thân. Trong khi đó, ngày 14/8/2023 vừa qua, báo Khmer Times của Campuchia đưa tin nhà tài phiệt Hy Kimhong là chủ Công ty vàng Thế giới (World Gold Company) bị bắt tạm giam với cáo buộc lừa đảo. Tòa án đã ra lệnh bắt ông Kimhong dựa trên đơn khiếu nại từ tập thể nạn nhân (chứ không phải cảnh sát ra lệnh bắt giữ). Ông Kimhong bị cáo buộc lừa đảo theo Điều 380 Bộ luật Hình sự, trong khi các vệ sĩ bị cáo buộc tội bạo lực theo Điều 218 Bộ luật Hình sự Campuchia do có 1.105 gia đình trong tỉnh đã đệ đơn khiếu nại Công ty vàng Thế giới lừa đảo, với số tiền lên tới 21 triệu USD. Hầu hết các nạn nhân đều vay tiền ngân hàng để đầu tư vào dự án đất nền của công ty nhằm thu lãi hàng tháng. Các nạn nhân không nhận được đồng lãi nào từ công ty, khiến họ rơi vào cảnh nợ nần. Vụ việc có liên quan tới khoảng 30.000 gia đình ở Campuchia và số tiền thiệt hại lên tới 100 triệu USD. Tuy nhiên, nếu theo thông tin báo chí Việt Nam đã nêu là đúng, mức án mà điều luật viện dẫn lại cho thấy doanh nhân này chỉ có thể bị xử phạt từ 2 đến 5 năm tù(20)! Điều này có nghĩa là đối với nhiều nước trên thế giới, người ta không chủ ý hình sự hóa các giao dịch kinh tế - dân sự, và nếu có phải xử lý thì mức hình phạt đối với các tội phạm về kinh tế rất thấp, không nghiêm khắc như ở Việt Nam.
Khi mô tả sự “giao thoa’, tiếp thu giữa các hệ thống pháp luật và mô hình tố tụng nói trên, bản thân tôi chỉ mong muốn được chiasẻ một cách tiếp cận là khi Quốc hội Việt Nam tạo lập kế hoạch và chương trình xây dựng pháp luật, rất cần sự nghiên cứu cách thức tổ chức bộ máy quyền lực Nhà nước và tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý và hoạt động thực tiễn, để có thể tiếp thu những hạt nhân hợp lý, tiến bộ của pháp luật quốc tế và pháp luật của các nước phát triển, vận dụng phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa và pháp lý của Việt Nam.
Cần tập trung giải quyết sự chồng chéo, vướng mắc giữa hệ thống các luật chuyên ngành, cách thức lấy ý kiến và thứ tự ưu tiên sửa đổi bổ sung các đạo luật có ý nghĩa “xương sống” trong vận hành nền kinh tế nước ta
Hiện nay, từ góc nhìn cá nhân, chúng tôi thấy có một số bất cập trong quá trình sửa đổi hệ thống pháp luật vừa qua của nước ta, trong đó có những đạo luật có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nền kinh tế. Chính phủ đã thành lập những bộ phận chuyên trách để soạn thảo, bổ sung các đạo luật, trong đó có 3 bộ luật lớn: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Việc Quốc hội và các cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp thật sự có ý nghĩa rất to lớn, thu hút được sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức đóng góp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tác giả, cách thức lấy ý kiến nói trên còn có phần hạn chế và chưa khoa học, thời gian tổ chức lấy ý kiến mặc dù có kéo dài, nhưng khả năng tiếp thu và giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn phụ thuộc rất nhiều vào những vấn đề mang tính nguyên tắc không thể thay đổi là chế độ sở hữu về đất đai, các phương pháp xác định giá trị quyền sử dụngđất, cơ chế giải quyết đền bù khi thu hồi đất vào mục đích kinh doanh thương mại, thiếu sự tham chiếu từ các chuyên gia luật của các nước có nền kinh tế phát triển.
Mặc dù trong thành phần đại biểu Quốc hội có rất nhiều người có trình độ cử nhân luật, thậm chí có 02 đại diện của giới luật sư, nhưng quy trình làm luật vẫn bị ảnh hưởng bởi cách tiếp cận và quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo là các bộ chuyên ngành, thiếu sự tham gia của các tổ chức tư vấn và đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, các tài liệu nghiên cứu pháp luật tương ứng của nước ngoài còn hạn chế. Vì thế, cần thiết có nguồn kinh phí thỏa đáng để thuê các tổ chức luật sư trong nước và quốc tế có uy tín, chuyên gia luật nước ngoài, các doanh nhân, chủ doanh nghiệp có kinh nghiệm thực tiễn phong phú nhằm đóng góp ý kiến, phản biện dự án luật, với sự tham khảo những điểm mới, tiến bộ của pháp luật nước ngoài, vận dụng phù hợp với thể chế chính trị, kinh tế Việt Nam trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trình Quốc hội ban hành.
Mặt khác, với 03 đạo luật đang được sửa đổi cùng một lúc, nhưng lại do các cơ quan chủ trì soạn thảo khác nhau, nên sẽ gây nên sự chồng chéo hoặc có những điều khoản quy định không thống nhất. Do đó, theo chúng tôi, cần phải ưu tiên tập trung sửa đổi Luật Đất đai trước, vì đây là đạo luật “xương sống”, tác động đến toàn bộ nền kinh tế, quyền và lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, mới có căn cứ và nền tảng để sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở; đồng thời hạn chế việc điều chỉnh, hướng dẫn thi hành bằng các văn bản pháp quy dưới luật dễ dẫn đến việc “biến dạng” hoặc “vẽ thêm” các cửa và thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
(1) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.350. (2) Viện Sử học: Việt Nam những sự kiện lịch sử, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr.18. (3) Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Đại Việt Sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18- 1697), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, t.1, tr.263. (4) Viện Sử học, sđd, tr.211, 229. (5) Viện Khoa học xã hội Việt Nam, sđd, tr.271-273. (6) Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.92. (7) Sách giáo khoa Văn học 10, Nxb Giáo dục, 2003, tr.118. (8) Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.172. (9) Hồ Chí Minh, Bàn về nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.303. (10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội,1984, tr.35. (11) Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật, NXB Pháp lý, Hà Nội, 1985, tr.87. (12) Hồ Chí Minh, sđd, tr.312. (13) Song Thành, Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh - Sự thống nhất giữa đức trị và pháp trị, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số chuyên đề năm 2004, tr.46. (14) Richard S. Shine, Tài liệu nghiên cứu về mô hình tố tụng hình sự của Hoa Kỳ, Hội thảo quốc tế do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức tháng 3/2012 tại Hà Nội. (15) William Burnham, Giáo sư Luật học, Tố tụng hình sự Liên bang Nga, Tài liệu Hội thảo quốc tế do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức tại Hà Nội tháng 3/2012. (16) Marco Fabri, Dự thảo Báo cáo Nghiên cứu về mô hình tố tụng hình sự Italia, 10/8/2011, Tài liệu Hội thảo quốc tế do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức tháng 3/2012. (17) Giáo sư Byung-Sun Cho, Dự thảo Tài liệu nghiên cứu về mô hình tố tụng hình sự của Nhật Bản, Tài liệu Hội thảo quốc tế do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức tháng 3/2012. (18) Bao gồm Trung Quốc lục địa, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Hồng Kông vẫn duy trì hệ thống thông luật thừa hưởng từ Anh Quốc trước đây dưới thời thuộc địa. Ma Cao áp dụng hệ thống luật pháp theo truyền thống dân luật của Bồ Đào Nha từ thời thuộc địa. Còn Đài Loan vẫn giữ truyền thống luật pháp thời Cộng hòa, nghĩa là truyền thống dân luật. (19) Liling Yue, Báo cáo Nghiên cứu về mô hình tố tụng hình sự của Trung Quốc, Tài liệu Hội thảo quốc tế do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức tháng 3/2012. (20) https://vietnamnet.vn/vua-dau-tu-campuchia-bi-bat-giam-voi-cao-buoc-lua-dao-2177132.html |
Tiến sĩ, Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam