Người không đeo và vứt khẩu trang nơi công cộng bị xử lý ra sao?

20/03/2020 21:36 | 4 năm trước

LSVNO - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 16/3, tất cả người Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như: siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... Tuy nhiên, tại nhiều nơi tình trạng người dân không đeo khẩu trang diễn ra phổ biến. Vậy quy định pháp luật áp dụng trong trường hợp này như thế nào?

Quy định này nhằm mục tiêu tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Thế nhưng, theo ghi nhân của phóng viên LSVNO kể từ sau khi có quy định, gần như đại đa số người Việt Nam, do cũng đã có thói quen đeo khẩu trang từ trước khi có dịch, đã tự giác chấp hành khá tốt, song, vẫn còn một số ít người không đeo khẩu trang, đặc biệt nhiều người nước ngoài, vẫn vô tư đi khắp nơi, kể cả chỗ đông người.

Nhiều du khách nước ngoài vẫn không đeo khẩu trang.

Theo Luật gia Lê Minh Hoàng, yêu cầu đeo khẩu trang là một trong biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vì vậy việc đầu tiên chính quyền địa phương phải vận động người dân để bảo vệ sức khỏe chính mình hoặc tránh lây lan bệnh. Cũng theo ông Hoàng, việc không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được nêu trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, khi Chính phủ đưa yêu cầu buộc người dân phải đeo khẩu trang, nhằm phòng chống lây lan, nhiễm bệnh mà người dân không chấp hành thì có thể bị chế tài.

Hình thức chế tài có thể là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, theo khoản 1 điều 11 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Thẩm quyền xử phạt có thể là thanh tra y tế hoặc chủ tịch UBND xã, phường.

Luật sư Lâm Văn Quang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì bệnh Covid-19 thì được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Đối chiếu quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì những người không đeo khẩu trang nơi công cộng có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 của Luật này. Cụ thể, điều khoản này nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Luật sư Quang cũng cho hay, tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 176/2013.

Cụ thể, Điều 11 của Nghị định này quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Ngoài ra, nếu người bị dịch bệnh, không đeo khẩu trang mà làm lây lan vi rút Covid-19 cho người khác còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Cụ thể, trường hợp vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế và/hoặc làm chết người, thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 10 năm. Trường hợp vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết 2 người trở lên, thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 12 năm.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã ra văn bản về việc xử lý đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định. Theo đó, Bộ Y tế cho biết nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, cơ quan này khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc sử dụng và thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng đúng nơi quy định. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng người dân vứt bỏ khẩu trang bừa bãi, không đúng nơi quy định, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại địa phương thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi tháo bỏ khẩu trang, chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai để tháo khẩu trang. Sau khi tháo khẩu trang cho ngay vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín theo quy định và rửa sạch tay.

Bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín tại nơi công cộng. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định theo Điểm c, Điểm d, Khoản 1, Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điểm c, Điểm d, Khoản 1, Điều 20, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về việc Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này.

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Lâm Hoàng