Ảnh minh họa.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, tự ý cắt giảm lao động. Đặc biệt là tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để người lao động đã giải quyết chế độ bảo hiểm một lần quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động để hạn chế việc trục lợi hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Trước đó, để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Theo Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, trong 7 năm (từ 2016 - 2022) đã có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này chỉ có gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ 26% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần).
Như vậy trong giai đoạn này, ước khoảng 3,5 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống bảo hiểm xã hội, chiếm tỷ lệ hơn 70% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
PV